Tin tức

Cây xương khô và một số bài thuốc chữa bệnh dân gian

Ngày 12/07/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Cây xương khô được nhiều gia đình Việt trồng làm cảnh trong vườn nhà. Tuy nhiên, trên phương diện thảo dược tự nhiên dùng để chữa bệnh của loài cây này thì không phải ai cũng biết đến. Sau đây, MEDLATEC sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về những bài thuốc chữa bệnh từ cây xương khô.

1. Đặc điểm sinh học của cây xương khô

Xương khô được biết đến với tên quen thuộc hơn là cây giao. Đây là loài cây có thân to, gồm nhiều nhánh nhỏ, cao trung bình 4 - 8m. Trên thân cây gồm nhiều  cành mọc dạng tán tủa ra giống như cành san hô, màu xanh lục, ít khi có lá.

Một số ít trường hợp xương khô mọc lá ngắn rộng khoảng 2mm, dài 12 - 16mm nhưng rụng rất sớm. Hoa xương khô khá nhỏ, liên kết thành cụm, có bao chung. Nhụy hoa chẻ đôi với 3 vòi. Bên ngoài quả xương khô là lớp lông mỏng, bên trong chứa hạt hình trái xoan.

Xuất phát điểm của cây xương khô ở Châu Phi. Ở nước ta, cây xương khô được nhiều gia đình trồng làm cảnh hoặc hàng rào. 

Hình ảnh giúp nhận diện cây xương khô

Hình ảnh giúp nhận diện cây xương khô

2. Thành phần hóa học và tác dụng của cây xương khô

2.1. Theo quan niệm Đông y

Theo Đông y, dược liệu cây xương khô có tính mát, hơi độc, vị chua nhẹ; có công dụng tiêu viêm, giải độc, sát trùng, kích sữa, khu phong. Đặc biệt, nhựa của loài cây này có tính nóng cao, dễ làm mù mắt. Nếu phơi khô ngoài nắng, nhựa xương khô sẽ khô đặc lại, nếu ngâm trong nước thì sẽ có dạng như cao su.

Dược liệu cây xương khô có thể thu hái quanh năm sau đó phơi khô dùng dần hoặc để cây tươi dùng trực tiếp. Phần cành và rễ cây xương khô có thể đem giã nát đắp lên da hoặc sắc lấy nước uống. Phần nhựa dùng để bôi ngoài da. Tuy nhiên, đây là dược liệu có độc tính nên không được dùng với hàm lượng cao.

2.2. Theo y học hiện đại

Một số thành phần trong cây xương khô có thể được sử dụng để:

- Ức chế vi khuẩn

Cành cây xương khô có chứa cao ethanol có khả năng ức chế Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis.

- Ức chế thần kinh trung ương

Tiến hành thí nghiệm trên chuột cho thấy ethanol có trong mủ, thân non và lá của cây xương khô có khả năng giảm đau, ức chế thần kinh trung ương và chống co giật.

Nghiên cứu về thành phần hóa học, tính chất lý hóa, độc tính của nhựa xương khô được thực hiện bởi Kopaczewski vào năm 1947 trên chuột và cá đã chỉ ra rằng: nhựa của cây xương khô có tính kích thích niêm mạc mạnh. 

2.3. Công dụng trị bệnh của cây xương khô tại một số đất nước trên thế giới

Tại Trung Quốc, cây xương khô được nhiều người dùng để trị đau nhức xương khớp, nấm ngoài da, thiếu sữa. Tại Ấn Độ, người dân thường dùng mủ của loài cây này trị đau thần kinh, đau tai, đau nhức răng, thấp khớp,... 

Tại Thái Lan, mủ của cây xương khô thường được dùng để chữa mụn cóc. Ở Indonesia, người dân cũng lấy mủ xương khô để trị táo bón, mụn mủ, bệnh lý ngoài da,... Ở Việt Nam, xương khô có mặt trong nhiều bài thuốc dân gian để trị bệnh trĩ, loét mũi, táo bón, liệt dương, bệnh lở loét ngoài da, đau nhức răng,... 

Cây xương khô được nhiều người dùng để chữa đau nhức răng

Cây xương khô được nhiều người dùng để chữa đau nhức răng

3. Bài thuốc chữa bệnh dùng dược liệu cây xương khô

3.1. Chữa đau răng

Lấy 50g cành xương khô đem rửa sạch sau đó ngâm cùng 100ml cồn 90 độ trong 4 - 5 ngày. Sử dụng dung dịch này để ngậm và súc miệng hàng ngày sau đó nhổ bỏ. Thực hiện như vậy 3 - 4 lần/ngày cho đến khi hết đau nhức. Tuyệt đối không sử dụng bài thuốc này cho trẻ nhỏ.

3.2. Chữa viêm xoang

Sử dụng cây xương khô để chữa viêm xoang là cách khá phổ biến trong dân gian. Để thực hiện bài thuốc này, chỉ cần lấy 2 - 3 nhánh cây xương khô tươi cắt thành các đoạn ngắn sau đó cho vào ấm đun cùng 300ml nước. Đợi đến khi thấy có nhiều hơi bốc lên thì lấy một cái ống tre cho vào miệng ấm, đưa mũi lại gần đầu còn lại của ống tre để cho hơi ấm từ trong ống tre xông vào mũi.

Cách chữa viêm xoang từ dược liệu xương khô cần thực hiện mỗi lần 20 phút, 2 lần/ngày, liên tục 2 - 3 tháng. Bài thuốc chữa viêm xoang bằng cây xương khô không nên áp dụng cho trẻ nhỏ và thai phụ. Khi xông lưu ý không được đưa ống tre vào bên trong mũi.

3.3. Chữa mụn cóc, mụn thịt

Trong thành phần của mủ cây xương khô có Isophorone với tính sát khuẩn cao. Người bị mụn cóc hay mụn thịt có thể lấy bông tăm chấm vào mủ cây giao tươi rồi lăn lên nốt mụn mỗi ngày 2 - 3 lần. Cần thực hiện như vậy đều đặn mỗi ngày, liên tục 1 tuần và chỉ thoa mủ lên nốt mụn, không thoa lên bề mặt da bình thường.

3.4. Chữa bong gân

Đem cắt cành xương khô thành từng đoạn ngắn có chiều dài khoảng 2 - 3cm sau đó trộn thêm một chút muối tinh, bỏ vào trong túi nilon rồi lấy chày đập nát cho đến khi có được một dạng hỗn hợp nhuyễn. Đắp hỗn hợp này lên trên vùng bị bong gân sau đó băng cố định, thay và đắp mới mỗi ngày.

3.5. Chữa côn trùng cắn

Người bị côn trùng cắn có thể ngắt cành xương khô cho mủ chảy ra rồi dùng mủ này chấm lên vết thương. Hoặc cách khác cũng đem lại hiệu quả tương tự là giã nhuyễn cành xương khô rồi đắp lên vùng bị côn trùng cắn.

Mủ cây xương khô có độc tính cao nên cần thận trọng khi sử dụng

Mủ cây xương khô có độc tính cao nên cần thận trọng khi sử dụng

4. Lưu ý khi dùng cây xương khô chữa bệnh

Do cây xương khô là một loại dược liệu có độc tính nên việc khi dùng để chữa bệnh cần thận trọng và lưu ý:

- Tuyệt đối không để nhựa cây tiếp xúc với mắt.

- Người có làn da mỏng hay nhạy cảm không nên dùng cây xương khô để đắp trực tiếp lên da vì dễ bị nổi mụn nước, phồng rộp,...

- Không dùng cây xương khô khi đang sử dụng thuốc trị ho.

- Quá trình sử dụng dược liệu cây xương khô trị bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: đau bụng, viêm loét dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy, bỏng lưỡi, rát cổ họng, bỏng niêm mạc miệng,...

Thông tin được chia sẻ trên đây về cây xương khô chỉ mang tính tham khảo, không được xem là định hướng chữa trị bệnh. Nếu có ý định sử dụng loài cây này chữa bệnh lý nào đó thì tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến của thầy thuốc có chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.