Các tin tức tại MEDlatec

Cây rau răm - không chỉ rau gia vị mà còn là vị thuốc quý

Ngày 17/06/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Rau răm không quá xa lạ với người Việt chúng ta. Không chỉ là loại rau được nhiều người yêu thích, cây rau răm còn có nhiều công dụng chữa bệnh. Nhưng sử dụng như thế nào để tránh “lợi bất cập hại” thì không phải ai cũng biết.

1. Sơ lược cây rau răm

Cây rau răm vừa là rau thơm, vừa là dược liệu với những đặc điểm nổi bật sau.

Đặc điểm tự nhiên

Rau răm thuộc loài thân thảo với chiều cao chỉ từ 15 - 30cm nhưng trong điều kiện lý tưởng, chiều cao có thể lên đến 80cm. Lá cây hình mác, dài 5 - 7 cm và rộng 0,5 - 2 cm, mặt trên lá màu xanh đậm, mặt dưới lá màu đỏ tía. Lá càng có màu đậm thì mùi càng thơm. Hoa cây rau răm có thể mọc riêng lẻ, mọc thành đôi hoặc mọc thành cụm. Hoa có 5 cánh, màu trắng hoặc hồng tía, thường nở vào mùa hè.

Cây rau răm có thân thấp. lá dài và nhọn, hoa màu trắng hồng

Phân bố sinh thái

Cây rau răm chủ yếu mọc ở vùng có khí hậu cận nhiệt và nhiệt đới. Cây ưa thời tiết mát mẻ, đất màu mỡ và ẩm ướt. Nhưng trong điều kiện này thì cây thường hiếm khi ra hoa. Ở Việt Nam, rau răm mọc và được trồng ở khắp nơi. Có thể thu hoạch cây quanh năm để làm rau ăn hàng ngày hoặc dùng để chữa bệnh.

Bộ phận sử dụng

Người ta thường dùng lá cây rau răm để tạo hương vị hoặc gia tăng hương vị cho các món ăn như trứng lộn, ốc luộc, gỏi cháo gà, bánh cuốn,… Còn trong Đông y, toàn thân cây được sử dụng để chữa bệnh, có thể là dùng tươi hoặc phơi/ sấy khô rồi dùng.

Thời điểm thu hoạch cây rau răm là quanh năm. Nếu dùng để chữa bệnh thì thường chọn những cây đã trưởng thành nhưng chưa ra hoa, thân cây có màu đỏ hơi ngả tím. Lúc này, các hoạt chất chống oxy hóa nói riêng và dược tính trong cây nói chung ở mức cao nhất.

Mọi bộ phận của cây rau răm đều được dùng để chữa bệnh

2. Công dụng của cây rau răm

Cây răm vị hơi đắng và cay, mùi hơi hắt, có tính nóng và nhiều tinh dầu. Trong cuộc sống hàng ngày và trong y học, rau răm có những lợi ích và công dụng sau.

Chế biến món ăn

Như đã nói ở trên, rau răm là loại rau thơm rất quen thuộc, có thể ăn sống để làm gia tăng hương vị cho món ăn. Rất nhiều món ăn sử dụng rau răm như trứng lộn, ốc luộc, gỏi gà, canh cá diếc, đồ lòng bò xào,…

Chữa bệnh trong Đông y

Có nhiều bài thuốc Đông y sử dụng rau răm để chữa các bệnh như rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, rối loạn kinh nguyệt, trị gàu, trị mụn nước, trị trĩ,… Đặc biệt, hoạt chất chống oxy hóa flavonoid dồi dào trong rau răm còn giúp làm chậm quá trình lão hóa cũng như phòng ngừa ung thư.

Cây rau răm có tác dụng hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa

Chữa bệnh trong Y học hiện đại

Cây rau răm có nhiều công dụng nổi bật trong Y học hiện đại, cụ thể như sau.

  • Kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau trong các trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng, viêm miệng dạng mụn nước,…
  • Tăng cường hoạt động tiêu hóa nhờ chứa hàm lượng cao axit oxalic, làm thuyên giảm triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy,…
  • Điều trị các bệnh ngoài da như ghẻ lở, hắc lào, đặc biệt là làm se khít lỗ chân lông và loại bỏ mụn nhọt.
  • Thanh nhiệt, giải độc là lợi tiểu, giúp hỗ trợ điều trị chứng bí tiểu, khó tiểu, tiểu lắt nhắt,…
  • Cải thiện chức năng sinh lý, tăng cường hoạt động tình dục ở những người trong độ tuổi từ 45 - 65.

3. Lưu ý khi sử dụng cây rau răm

Có thể thấy cây rau răm mang đến nhiều lợi ích và công dụng cho sức khỏe. Tuy nhiên, không vì thế mà bạn lạm dụng để tránh những tác động và ảnh hưởng tiêu cực. Điển hình trong đó là tổn thương tụy, giảm tinh khí, làm suy giảm chức năng tình dục. Hay phụ nữ lạm dụng rau răm có thể bị mất kinh nguyệt.

Liều dùng và cách dùng

Vẫn chưa có báo cáo chính thức về liều dùng cây rau răm. Nhưng để an toàn thì bạn chỉ ăn với lượng vừa phải. Nếu dùng để chữa bệnh thì cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc Đông y hoặc bác sĩ. Nói chung, khi sử dụng rau răm cần chú ý các vấn đề sau.

  • Không ăn rau răm hàng ngày và ăn thường xuyên.
  • Luôn rửa sạch rau răm trước khi dùng để ăn hoặc chữa bệnh.
  • Phụ nữ không dùng rau răm khi đang hành kinh để tránh bị rong kinh.
  • Phụ nữ mang thai giai đoạn đầu tuyệt đối không dùng rau răm.
  • Người ốm yếu, gầy gò, xanh cao hoặc có máu nóng hạn chế dùng rau răm.

Không nên dùng rau răm khi đang trong kỳ kinh nguyệt

Những bài thuốc hay từ cây rau răm

Có rất nhiều bài thuốc hay từ cây rau răm, có thể kể đến như:

  • Chữa cảm cúm: Dùng một nắm lá rau răm và 3 lát gừng để hãm với nước sôi rồi uống 2 - 3 lần/ ngày.
  • Chữa nôn mửa, tiêu chảy: Dùng 20g hạt rau răm với 40g hương nhu, sắc lấy nước và uống 3 lần/ ngày đến khi khỏi bệnh.
  • Chữa đầy trướng bụng: Dùng một nắm lá rau răm tươi, rửa sạch, giã lấy nước và uống. Phần bã lá sẽ đắp trên bụng kết hợp với massage nhẹ nhàng.
  • Chữa vết rắn cắn: Cách sử dụng như chữa đầy trướng bụng nói trên, Và lưu ý đây chỉ là cách sơ cứu ban đầu, sau đó thì cần đưa người bệnh đến bệnh viện.
  • Chữa nước ăn tay chân: Rửa sạch một nắm cây rau răm, giã nát, lấy nước cốt thoa vào vùng da cần điều trị. Sau đó giữ cho vùng da này được khô tự nhiên và luôn khô ráo. Kiên trì thực hiện mỗi ngày 2 lần cho đến khi vết thương khỏi hẳn.
  • Chữa mụn nhọt, mụn nước: Rửa sạch một nắm cây rau răm, giã với vài hạt muối hột rồi lọc lấy nước, thoa vào hạt mụn, giúp giảm sưng viêm và cảm giác đau nóng.
  • Chữa vết thương sưng đau, bầm tím: Cũng thực hiện như cách trên nhưng thay muối hột bằng long não, vừa thoa vừa xoa bóp vùng sưng đau.

Uống nước lá rau răm hãm với nước sôi để trị cảm cúm

Những chia sẻ trên giúp bạn biết được công dụng của cây rau răm, đặc biệt là những bài thuốc hay từ loại rau này. Mọi nhu cầu đặt lịch khám chữa bệnh tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy nhấc máy và gọi đến hotline 1900 56 56 56 để được Tổng đài viên hỗ trợ 24/7.

Từ khoá: rau răm

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.