Các tin tức tại MEDlatec

Cefotaxime - Kháng sinh dùng trong điều trị nhiễm khuẩn nghiêm trọng

Ngày 17/05/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Minh Dũng
Các loại kháng sinh phổ rộng như Cefotaxime có thể được chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, dự phòng nhiễm khuẩn. Bởi chủ yếu dùng theo đường tiêm, truyền nên việc chỉ định và sử dụng cần phải thận trọng. Trong phần chia sẻ kiến thức y khoa sau đây, MEDLATEC mong rằng bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về tác dụng và lưu ý cần biết trước khi sử dụng Cefotaxime.

1. Công dụng của Cefotaxime 

Cefotaxime là một loại kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ III. Hiện nay, hai dạng bào chế cơ bản của Cefotaxime là dạng bột vô khuẩn pha tiêm và dạng dung dịch sử dụng để truyền tĩnh mạch. 

Một sản phẩm Cefotaxime dạng bột pha tiêm 

Thành phần chính của thuốc là Cefotaxime. Hoạt chất Cefotaxime có khả năng kháng khuẩn, ngăn chặn quá trình tổng hợp thành tế bào của vi khuẩn. 

2. Chỉ định

Với tác dụng kháng khuẩn phổ rộng, Cefotaxime có thể được chỉ định cho một số nhóm đối tượng dưới đây: 

  • Người bị bệnh lậu không biến chứng, khi không dùng được ceftriaxone. 
  • Người bị nhiễm khuẩn da và mô mềm như: viêm mô tế bào, áp xe, chốc lở,... 
  • Người nhiễm khuẩn về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi. 
  • Người bị viêm tai giữa hoặc viêm xoang khi thất bại điều trị với kháng sinh uống. 
  • Người bị nhiễm khuẩn máu. 
  • Người cần điều trị dự phòng nhiễm khuẩn trong quá trình phẫu thuật. 

Cefotaxime có thể được bác sĩ kê trong trường hợp điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp

3. Cách sử dụng 

Cách sử dụng phổ biến của Cefotaxime là tiêm bắp và tiêm tĩnh mạch. Trường hợp tiêm tĩnh mạch, thời gian tiêm thuốc cần kéo dài ít nhất 3 phút. 

Quá trình sử dụng thuốc luôn phải có sự giám sát của nhân viên y tế

4. Liều lượng 

Liều lượng sử dụng Cefotaxime cho người trưởng thành và trẻ nhỏ được bác sĩ cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố. 

4.1. Ở người trưởng thành

Liều lượng sử dụng kháng sinh Cefotaxime tham khảo áp dụng cho người trưởng thành như sau:

  • Điều trị nhiễm khuẩn chưa xuất hiện biến chứng: Liều dùng vào khoảng 1g/lần, mỗi ngày tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 2 - 3 lần.
  • Điều trị nhiễm khuẩn mức độ vừa và nặng: Có thể tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch với liều lượng 2g/lần, cách nhau từ 6 - 8 tiếng. Nếu tình trạng nhiễm khuẩn nghiêm trọng, đe dọa tính mạng người bệnh, thời gian giữa hai lần tiêm liên tiếp thường giảm xuống 4 tiếng, liều lượng tối đa không quá 12g/ngày. 
  • Điều trị viêm não, nhiễm khuẩn hệ thần kinh: Tiêm tĩnh mạch theo liều lượng 2g/lần, hai liều tiêm cách nhau 4 - 6 tiếng, thời gian dùng thuốc kéo dài 7 đến 21 ngày. 
  • Điều trị bệnh lậu: Tiêm bắp một liều duy nhất theo liều lượng 1g. Với trường hợp lậu lan tỏa, bệnh nhân có thể được tiêm thêm thay vì chỉ tiêm một liều. 
  • Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp:
  • Viêm phổi mắc tại cộng đồng: Liều lượng 1 - 2g tiêm tĩnh mạch, dùng mỗi 8 tiếng. 
  • Nhiễm khuẩn mủ xanh: Liều lượng từ 6g/ngày trở lên. 
  • Điều trị dự phòng trước phẫu thuật: Tiêm một liều duy nhất theo liều lượng từ 1g đến 2g, trước thời điểm phẫu thuật 30 đến 60 phút. 

4.2. Ở trẻ em

Dựa vào cân nặng, tình trạng nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định liều lượng phù hợp cho từng trẻ nhỏ. Cụ thể: 

  • Trẻ sơ sinh dưới 1 tuần tuổi: Liều lượng 50mg/kg, sau 12 tiếng lại tiêm một lần. 
  • Trẻ từ 1 đến 4 tuổi: Liều lượng 50mg/kg, sau 8 tiếng lại tiêm một lần.
  • Trẻ từ 1 tháng tuổi đến 12 tuổi, dưới 50kg: Liều lượng từ 100 - 150mg/kg/ngày, chia làm 2 - 3 lần. 

4.3. Một số đối tượng khác

Người bị suy thận nặng, sản phụ cần mổ đẻ và người cần điều trị dự phòng sau phẫu thuật có thể được chỉ định sử dụng Cefotaxime theo liều lượng: 

  • Người bị suy thận nặng: Liều lượng tối đa không quá 2g/ngày. 
  • Người cần điều trị dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật: Liều lượng 1 - 2g/lần, tiêm trước khi phẫu thuật 30 đến 60 phút. 
  • Sản phụ phẫu thuật: Tiêm tĩnh mạch theo liều lượng 1g/lần, trước thời điểm phẫu thuật 30 đến 90 phút. 

5. Chống chỉ định 

Những nhóm đối tượng không nên dùng Cefotaxime bao gồm: 

  • Người có tiền sử dị ứng với Cefotaxime hoặc bất kỳ kháng sinh nhóm Cephalosporin.
  • Thận trọng ở bệnh nhân có tiền sử phản vệ nặng với Penicillin hoặc Beta-lactam khác, do nguy cơ dị ứng chéo. 

6. Tác dụng phụ

Cefotaxime thường gây tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, đau và ngứa tại vùng da tiêm thuốc, da nổi phát ban, viêm tắc tĩnh mạch. Ít gặp hơn, thuốc có thể gây tình trạng bội nhiễm, giảm bạch cầu. 

Buồn nôn là tác dụng phụ có thể xuất hiện ở người điều trị bằng kháng sinh Cefotaxime 

Trong một số trường hợp, Cefotaxime còn khiến người dùng gặp phải tác dụng phụ hiếm gặp như: 

  • Sốc phản vệ. 
  • Bạch cầu hạt và tiểu cầu giảm. 
  • Bilirubin và Enzyme gan tăng. 

7. Lưu ý khi sử dụng Cefotaxime 

Dưới đây là một vài thông tin mọi người cần lưu tâm trong quá trình tìm hiểu, điều trị bằng kháng sinh Cefotaxime: 

  • Dòng Cefotaxime chứa thành phần Lidocain chỉ phù hợp để tiêm bắp, chống chỉ định tiêm tĩnh mạch. 
  • Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ nếu có tiền sử dị ứng với Penicillin, Cephalosporin hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác.
  • Cần đặc biệt cẩn trọng nếu bệnh nhân từng bị phản vệ với Beta-lactam (dù nguy cơ dị ứng chéo chỉ khoảng 1 - 3%). 
  • Cefotaxime có khả năng ảnh hưởng đến thận. Vậy trong quá trình điều trị bằng loại thuốc này, bệnh nhân cần được kiểm tra chức năng thận thường xuyên. 
  • Trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc Cefotaxime có thể gây hiện tượng dương tính giả khi làm Test Coombs nên cần thông báo trước với bác sĩ nếu cần làm xét nghiệm.
  • Với bệnh nhân bị suy thận nặng, liều lượng nên được điều chỉnh giảm. 
  • Thận trọng chỉ định Cefotaxime phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú, người có tiền sử bị co giật. 
  • Quá trình tiêm, truyền Cefotaxime luôn phải có nhân viên y tế giám sát, không tự ý dùng thuốc tại nhà.
  • Bệnh nhân sau khi được tiêm, truyền thuốc cần được theo dõi ít nhất 30 phút, và thông báo ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường như phát ban, khó thở, chóng mặt, mệt,... 

Bệnh nhân nên thông báo tiền sử dị ứng thuốc, tình hình dùng thuốc cho bác sĩ

Lưu ý, hướng dẫn về liều lượng Cefotaxime áp dụng cho các đối tượng đề cập trong bài viết này chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế đơn của bác sĩ.

Hy vọng thông qua chia sẻ trong bài viết trên đây, bạn có thể hiểu rõ hơn về thuốc Cefotaxime. Tốt nhất, bạn nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC khi cơ thể có biểu hiện bất thường để được bác sĩ kiểm tra cụ thể hơn. Nếu có nhu cầu đặt lịch khám tại MEDLATEC, Quý khách vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.