Các tin tức tại MEDlatec

Cha mẹ cần nhận biết dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em

Ngày 19/05/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em thường do sự phát triển bất thường của vi khuẩn niệu đạo, bắt nguồn từ những nguyên nhân như: trào ngược bàng quang - niệu quản bẩm sinh, hẹp miệng niệu đạo bẩm sinh, hẹp da quy đầu, dị tật,… Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nên cần phát hiện và điều trị sớm.

1. Nhiễm khuẩn tiết niệu thường gặp ở trẻ nào?

Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em không phải là bệnh lý thường gặp, chủ yếu do những nguyên nhân sau:

  • Bé trai có bao quy đầu hẹp, không được cắt và vệ sinh sạch sẽ.

Trẻ em cũng có nguy cơ bị nhiễm khuẩn tiết niệu

  • Hẹp miệng niệu đạo bẩm sinh.

  • Trẻ có các dị tật bẩm sinh đường tiết niệu như: trào ngược bàng quang niệu quản, hở van niệu đạo sau,…

  • Nguyên nhân khác: vệ sinh vùng sinh dục kém, chứng bệnh táo bón, gia đình có tiền sử mắc nhiễm khuẩn tiết niệu hoặc đặt ống sonde tiểu kéo dài,…

Thực tế, bé gái có tỉ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu cao hơn so với trẻ nam do cấu tạo đường niệu đạo ngắn, gần hậu môn hơn. Bệnh có thể tái phát nhiều lần, vi khuẩn phát triển gây xâm nhập sâu, tổn thương đến thận nếu không phát hiện bệnh sớm, điều trị đúng nguyên nhân.

Vì thế trong chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em, ngoài điều trị triệu chứng thì việc xác định nguyên nhân và khắc phục rất quan trọng. Song thực tế nhiều cha mẹ còn e ngại khi đưa trẻ đi khám nhiễm khuẩn tiết niệu, điều trị và chăm sóc phòng ngừa còn chưa được chú trọng.

Trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu thường sốt cao

2. Dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em

Triệu chứng nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em khá giống với người lớn, thậm chí các triệu chứng toàn thân xuất hiện sớm và nghiêm trọng hơn do sức khỏe trẻ yếu, khả năng chống lại tác nhân gây bệnh còn kém. Bên cạnh thông tin triệu chứng, chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ còn dựa trên các dấu hiệu cận lâm sàng.

2.1. Dấu hiệu lâm sàng

Bệnh cảnh lâm sàng có thể từ không triệu chứng tới bệnh cảnh rất nặng là nhiễm trùng huyết. Trẻ càng nhỏ tuổi càng ít có triệu chứng của đường tiết niệu. Nguyên nhân do trẻ chưa biết cách thể hiện triệu chứng, hoạt động của hệ tiết niệu ở trẻ còn chưa ổn định nên việc theo dõi triệu chứng cũng khó khăn.

Đa phần trẻ nhỏ bị nhiễm khuẩn tiết niệu giai đoạn này chỉ có dấu hiệu gián tiếp như: thường xuyên khó chịu, bứt rứt, quấy khóc không rõ nguyên do, có thể số nhẹ đến sốt vừa,… Trẻ càng nhỏ tuổi thì nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu tiến triển thành nhiễm khuẩn huyết càng cao, đây là biến chứng nguy hiểm phải được can thiệp y tế càng sớm càng tốt.

Với trẻ lớn hơn bị nhiễm khuẩn tiết niệu, triệu chứng tương tự với người lớn, bao gồm các biểu hiện của hội chứng viêm bàng quang cấp như: tiểu đau, tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu lắt nhắt nhiều lần, đau bụng, hay đau bụng lưng… Ngoài ra, quan sát trẻ sẽ thấy hiện tượng tiểu són, tiểu dầm, đi kèm với triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như sốt, biếng ăn, cơ thể mệt mỏi thiếu năng lượng,…

Phát hiện nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ bằng triệu chứng tiểu bất thường

Những triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với tình trạng sức khỏe khác ở trẻ nên thường bị bỏ qua. Cha mẹ cần lưu ý nhiễm khuẩn tiết niệu sẽ gây ra những bất thường tiểu tiện cho trẻ, đây là điểm phân biệt với bệnh lý khác.

2.2. Dấu hiệu cận lâm sàng

Với chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ, chủ yếu vẫn áp dụng tiêu chuẩn Kass song với trẻ còn quá nhỏ, vấn đề lấy nước tiểu chính xác là khá khó khăn.

Nước tiểu lấy để xét nghiệm nhiễm khuẩn tiết niệu cần đảm bảo lấy giữa dòng khi trẻ đang đi tiểu, đồng thời đảm bảo mẫu nước tiểu không bị nhiễm khuẩn từ bên ngoài do tay của người lấy hoặc dụng cụ. Trong trường hợp không thể lấy được nước tiểu giữa dòng tự nhiên cho trẻ, bác sĩ cần lấy nước tiểu bằng cách đặt ống nhỏ vào bàng quang thông qua niệu đạo hoặc chọc hút lấy nước tiểu vào bàng quang qua chọc dò trên xương mu.

Kết quả xét nghiệm nước tiểu cho biết chính xác tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu. Ngoài ra, để chẩn đoán nguyên nhân, một số xét nghiệm sau sẽ được thực hiện:

  • Xét nghiệm máu: tổng phân tích máu, CRP, men gan, chức năng thận, cấy máu nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết.

  • Chụp X-quang hệ tiết niệu không cần chuẩn bị.

  • Siêu âm hệ tiết niệu.

  • Thăm dò niệu động học nhằm đánh giá chức năng bàng quang.

  • Chụp CT, MRI hệ tiết niệu,…

Bé gái có nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu cao hơn do cấu tạo niệu đạo ngắn

3. Phòng ngừa và điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ

Khi xác định được nguyên nhân và tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu, việc điều trị sẽ dễ dàng hơn, kết hợp với điều trị triệu chứng và kiểm soát nguyên nhân.

3.1. Điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ

Ở trẻ em, nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu tiến triển thành viêm thận là rất cao nên cần được điều trị sớm bằng kháng sinh. Song sức khỏe của trẻ còn khá kém, đặc biệt là trẻ sơ sinh nên việc lựa chọn kháng sinh rất quan trọng, cần dùng loại kháng sinh đúng liều lượng, ít gây độc cho trẻ. Xét nghiệm nước tiểu xác định được loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn tiết niệu giúp bác sĩ lên phác đồ kháng sinh điều trị tốt hơn.

Nếu nhiễm khuẩn tiết niệu gây triệu chứng nặng như: sốt cao, không thể uống thuốc do nôn dữ dội, đau sườn lưng,… thì cần được đưa tới bệnh viện khẩn cấp, sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch.

Cha mẹ lưu ý trẻ cần được điều trị với kháng sinh hết liều dù triệu chứng đã được cải thiện, nếu không vi khuẩn còn sót lại sẽ tiếp tục phát triển và gây tái phát bệnh.

3.2. Điều trị dự phòng tái phát

Trẻ từng bị nhiễm khuẩn tiết niệu có nguy cơ tái phát rất cao, đặc biệt nếu nguyên nhân do bất thường cấu trúc chưa được khắc phục hoàn toàn. Vì thế, với trẻ đã điều trị khỏi nhiễm khuẩn tiết niệu, cần thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh tái phát:

Nên hướng dẫn trẻ làm sạch đúng cách sau khi đi vệ sinh

  • Hướng dẫn trẻ cách vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đặc biệt là bé gái cần rửa từ phía trước ra sau sau khi đi vệ sinh.

  • Nên tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh thường xuyên, không nhịn tiểu kéo dài.

  • Khuyến khích trẻ tắm nước ấm, uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh để phòng bệnh táo bón.

  • Mặc quần áo thoải mái, sạch sẽ, đặc biệt là đồ lót mềm, sạch, thấm hút tốt.

Hầu hết trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em không quá nghiêm trọng, triệu chứng sẽ nhanh chóng được đẩy lùi khi điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, bệnh rất dễ tái phát nên việc điều trị phòng ngừa là rất quan trọng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.