Các tin tức tại MEDlatec
Chẩn đoán hình ảnh từ xa - Tâm huyết của bác sĩ y học hình ảnh
- 16/10/2020 | MEDLATEC tri ân Bóng hồng dịp 20/10: Miễn phí khám phụ khoa và sàng lọc ung thư cổ tử cung
- 26/02/2022 | Tâm sáng, trí bền của 'bóng hồng' ngành y
Đó là câu chuyện của PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Chuyên môn Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC, Phó Chủ tịch Hội Điện quang và Y học Hạt nhân Việt Nam chia sẻ về tâm huyết làm nghề và những khát khao mang dịch vụ chẩn đoán hình ảnh từ xa, không khoảng cách đến với người dân toàn quốc.
“Cây đại thụ” ngành Chẩn đoán hình ảnh của y học Việt Nam - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Nguyễn Quốc Dũng
PV: Được biết PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng là một trong những người đầu tiên thuộc thế hệ bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại Việt Nam được tiếp cận với hệ thống chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ những năm 90. Hơn 30 năm đã trôi qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, y học Việt Nam đã có những bước phát triển vững mạnh và toàn diện. Ngày hôm nay, ông đánh giá thế nào về vai trò của chẩn đoán hình ảnh trong công tác khám chữa bệnh tại Việt Nam?
PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Dũng: Nếu như trước đây tại Việt Nam, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này ở nước ta có thể đi chậm so với thế giới từ 20-30 năm, thì hiện nay sự phát triển được khẳng định gần như song hành với nền y tế trên thế giới.
Tôi vinh dự từ những năm 90 là một trong những người đầu tiên được tiếp cận với máy chụp cắt lớp vi tính (tháng 2/1991), sau đó là cộng hưởng từ (tháng 6/1996) trong những năm tháng công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị - Việt Xô. Hiện nay, tôi tiếp tục tham gia công tác tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC được đầu tư hệ thống trang thiết bị chẩn đoán hiện đại hàng đầu như máy cộng hưởng từ 1.5 Tesla, hệ thống các máy chụp cắt lớp vi tính, trong đó phải kể đến cắt lớp vi tính 128 dãy, hàng loạt các thế hệ máy siêu âm 2D, 3D, 4D... cùng các máy X-quang số hóa DR, máy FibroScan, máy đo loãng xương,...
Có thể nói các phương tiện chẩn đoán hình ảnh đã và đang đóng góp vai trò chủ yếu tại các phòng khám, bệnh viện. Đây là một chỉ định không thể thiếu trong hồ sơ chẩn đoán sức khỏe, điều trị và theo dõi bệnh.
10 năm trở lại đây, ngành Chẩn đoán hình ảnh đã có 3 lĩnh vực đột phá là ứng dụng Y học hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị, Điện quang can thiệp, ứng dụng Công nghệ thông tin trong y tế đã góp phần quan trọng trong sự phát triển y học hình ảnh Việt Nam. Nhưng các kỹ thuật này cũng đòi hỏi các thầy thuốc lâm sàng phải cập nhật liên tục theo sự thay đổi tích cực này.
PV: Sau nghỉ hưu nhưng ông không “nghỉ chân”, tiếp tục làm việc, cống hiến tại MEDLATEC. Vậy tại đây có điều gì gây ấn tượng với PGS?
PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Dũng: Hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại cơ sở y tế tuyến đầu, sau nghỉ hưu tôi thử sức mình ở đơn vị y tế tư nhân. Có nhiều điều mới mẻ và ấn tượng với tôi trong thời gian làm việc trên cương vị Giám đốc Chuyên môn của Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC.
Đầu tiên, tôi thấy rõ thương hiệu xét nghiệm của MEDLATEC với 26 năm kinh nghiệm dẫn đầu về chất lượng. Sự phối hợp giữa xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán bệnh là hết sức quan trọng, cần thiết. Đặc biệt là quá trình ứng dụng công nghệ 4.0 trong y tế tại đây, được thể hiện ở sự đầu tư, khai thác liên tục những tiến bộ về công nghệ số trong lưu trữ, truyền tải hình ảnh (PACS), gắn hình ảnh với các dữ liệu lâm sàng, kết quả xét nghiệm. Tất cả được sử dụng trong hội chẩn trực tuyến, hội chẩn không khoảng cách với các chuyên gia, bác sĩ, bệnh nhân không những trong hệ thống bệnh viện, phòng khám của MEDLATEC, tại Hà Nội mà cả trên toàn quốc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Nguyễn Quốc Dũng tại Hội thảo ra mắt Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC
Không những vậy, tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC, chúng tôi không sử dụng phim in chụp chiếu. Các hình ảnh y khoa đều được lưu trữ trên hệ thống lưu trữ khổng lồ, dễ sử dụng, thuận lợi trong hội chẩn, thực hành, đào tạo trực tuyến. Đó là hệ thống “CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH KHÔNG KHOẢNG CÁCH”.
PV: Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, PGS có tâm tư gì của một người thầy thuốc muốn gửi gắm đến bệnh nhân, với đồng nghiệp và những người học trò của mình đang công tác trong ngành y, trong hành trình sự nghiệp "đọc phim” của mình, thưa ông?
PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Dũng: Bản thân tôi vinh dự ở vị trí 2 người Thầy: vừa là Thầy thuốc, vừa là Thầy giáo. Tôi đang tham gia công tác giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân Y, Viện nghiên cứu Khoa học Y Dược Lâm sàng 108, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương,… Đối với tôi, nghề không chỉ làm công tác khám chữa bệnh tốt cho người bệnh, mà còn nhiệm vụ đào tạo thế hệ y bác sĩ đang học tập nghiên cứu nói chung, cũng như trong mảng chẩn đoán hình ảnh nói riêng.
Bởi vậy, tôi luôn mong mỏi thế hệ sau có đủ kiến thức và sự nhanh nhạy để đáp ứng được sự phát triển của công nghệ, vận dụng và kết nối các kỹ thuật cận lâm sàng, các chuyên khoa để thực hiện khám chữa bệnh cho bệnh nhân tốt nhất.
Là người thầy thuốc ở giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp gần 3 năm gần đây, hòa mình cùng với sự hy sinh vất vả của đồng nghiệp đang căng mình chống dịch. Họ đang không quản ngại nắng mưa, khuya khoắt, vất vả đương đầu với dịch bệnh, rất đáng trân trọng, cảm phục. Bản thân tôi cảm thấy sự đóng góp của mình còn ít ỏi.
PV: Nhắc đến COVID-19, là thế hệ lão làng của ngành Chẩn đoán hình ảnh, với cương vị là Giám đốc Chuyên môn của một trung tâm chẩn đoán hình ảnh hiện đại, PGS có thể chia sẻ dự định của mình tại MEDLATEC để góp sức mình vào công tác phòng chống COVID-19?
PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Dũng: Đó cũng là điều mà tôi trăn trở suy nghĩ và áy náy bấy lâu nay.
Trước đây hầu như chúng ta đã quan tâm đến việc phát hiện dịch bệnh, dập tắt các ổ dịch COVID-19, chú ý đến triệu chứng tổn thương trong quá trình virus xâm nhập cơ thể, vai trò của chụp X-quang, cắt lớp vi tính cũng như các phương tiện chẩn đoán hình ảnh trong đánh giá các tổn thương ở các hệ cơ quan. Hiện tại vấn đề hậu COVID-19 là vấn đề cần chú trọng hơn cả. Những tổn thương hậu COVID gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng ở bất kỳ đối tượng nào. Bản thân là người thầy thuốc, tôi thực sự lo lắng khi dịch bệnh không chỉ gây tổn thương cho người bệnh tại thời điểm đó, mà còn để lại hậu quả, di chứng nặng nề về sau.
Toàn cảnh Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC thực hiện chẩn đoán không khoảng cách
Trên phương diện chẩn đoán hình ảnh, chúng tôi đã có những nghiên cứu về tổn thương hậu COVID-19 cần được phát hiện sớm nhờ vào các kỹ thuật hình ảnh như cắt lớp vi tính, siêu âm,... Với những hình ảnh mang lại nhờ kỹ thuật chụp hiện đại và chuyên môn đọc của bác sĩ, chuyên gia, người bệnh sẽ sớm phát hiện được vấn đề hậu COVD-19 mà mình đang gặp phải để được định hướng điều trị kịp thời, giảm bớt gánh nặng và lo lắng di chứng.
Tới đây, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC sẽ triển khai các kỹ thuật chụp X-quang, siêu âm ngay tại nhà cho người dân, đồng hành khám, kiểm tra bệnh cũng như tư vấn, hội chẩn hình ảnh trực tuyến cho người dân. Các hình ảnh này sẽ truyền trực tiếp từ nhà người bệnh đến Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, kết quả chẩn đoán được trả kịp thời, nhanh chóng và trực tuyến.
Đây là công nghệ chẩn đoán hình ảnh không khoảng cách lần đầu tiên được ứng dựng tại Việt Nam. Đây là ấp ủ được nung nấu bấy lâu của bản thân tôi, đồng nghiệp và cũng là bước ngoặt khẳng định chất lượng chẩn đoán hình ảnh của MEDLATEC nói riêng, trong cả nước nói chung đúng dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam đặc biệt này.
PV: Xin cảm ơn PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng đã dành thời gian chia sẻ với chúng tôi những thông tin quý giá. Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, kính chúc PGS sức khỏe dồi dào để tiếp tục thực hiện tâm huyết của mình đưa nền chẩn đoán hình ảnh nước nhà ngày càng phát triển hiện đại, cũng như tiếp bước cho thế hệ bác sĩ trẻ tương lai.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!