Tin tức
Phình động mạch chủ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa
- 11/01/2023 | Bệnh động mạch chủ - biểu hiện và phương hướng xử trí
- 09/06/2023 | Quay lại BVĐK MEDLATEC gửi lời cảm tạ ekip cấp cứu sau khi trải qua cơn “thập tử nhất sinh”:...
- 01/04/2024 | Phình động mạch chủ bụng điều trị như thế nào và cách phòng ngừa
- 20/11/2024 | Phát hiện bệnh lý phình tách động mạch chủ ngực không có triệu chứng nhân lúc đi khám cơ xươ...
- 03/02/2025 | Hở van động mạch chủ: Cách nhận biết triệu chứng và giải pháp điều trị bệnh
- 12/03/2025 | Phình động mạch chủ bụng có thể gây biến chứng gì? Cách điều trị tốt nhất
1. Triệu chứng phình động mạch chủ
Phình động mạch chủ là tình trạng động mạch chủ (mạch máu lớn nhất trong cơ thể) bị giãn nở bất thường do thành mạch yếu dần đi. Nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát kịp thời, đúng cách, túi phình có thể tiếp tục mở rộng, dẫn đến nguy cơ vỡ, gây xuất huyết và ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Phình động mạch giai đoạn đầu thường không có biểu hiện đặc hiệu và khó nhận biết. Các triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện khi túi phình bị vỡ. Dấu hiệu điển hình trong vỡ túi phình bao gồm:
- Đau bụng hoặc đau lưng đột ngột, dữ dội.
- Nhịp tim nhanh, huyết áp thấp.
- Cảm giác tức ngực, khó thở.
- Da tái nhợt, vã mồ hôi.
- Trong trường hợp vỡ động mạch, người bệnh có thể ngất xỉu do mất máu nghiêm trọng. Không kịp phát hiện và điều trị, bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng.
Khi các dấu hiệu bệnh không biểu hiện sớm, phải làm sao để phát hiện phình động mạch? Nếu bạn thuộc một trong các nhóm đối tượng: người trên 65 tuổi, hút thuốc lá lâu năm, bị huyết áp, bị xơ vữa động mạch hoặc có người thân bị phình động mạch, nên đi thăm khám bác sĩ thường xuyên để phát hiện sớm bệnh và có hướng điều trị phù hợp, hiệu quả.
Đau bụng dữ dội, đột ngột là triệu chứng điển hình của phình động mạch chủ
2. Nguyên nhân phình động mạch
Phình động mạch do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường liên quan đến các yếu tố như di truyền, bệnh lý huyết áp, xơ vữa động mạch, hút thuốc lá hay nhiễm trùng động mạch. Dưới đây là thông tin chi tiết về nguyên nhân gây bệnh:
- Yếu tố di truyền: Hội chứng Marfan và Ehlers-Danlos có thể làm suy yếu thành mạch và làm gia tăng nguy cơ bị phình động mạch.
- Tăng huyết áp: Áp lực cao trong động mạch có thể làm giãn nở quá mức và gây ra hiện tượng phình động mạch.
- Xơ vữa động mạch: Các mảng bám xơ vữa tích tụ lâu ngày trong lòng động mạch có thể làm thành mạch yếu đi.
- Hút thuốc lá: Đây là một trong những nguyên nhân điển hình gây phình động mạch. Theo đó, các hoá chất có trong thuốc lá, đặc biệt là nicotin, làm suy yếu thành mạch và giảm độ đàn hồi của mạch máu. Từ đó, thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch và gia tăng nguy cơ phình động mạch. Hút thuốc lá cũng là nhân tố nguy hiểm hình thành nhiều bệnh lý nguy hiểm khác, như huyết áp, ung thư phổi,...
- Nhiễm trùng động mạch: Một số bệnh như giang mai giai đoạn muộn, viêm nội tâm mạc,...cũng có thể gây phình động mạch.
Hút thuốc lá nhiều là nguyên nhân gây phình động mạch
3. Phân loại phình động mạch
Dựa vào đặc trưng về vị trí và hình thái, phình động mạch được phân thành 2 loại chính: phình động mạch chủ bụng và phình động mạch chủ ngực. Về đặc điểm của từng loại cụ thể như sau:
Phình động mạch chủ bụng
Phình động mạch chủ bụng là loại phổ biến hơn trong cộng đồng, xảy ra ở phần dưới của động mạch chủ và thường gặp ở những người trên 65 tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bao gồm: huyết áp, hút thuốc lá nhiều năm, nhiễm trùng động mạch chủ,... Bệnh có nguy cơ vỡ cao nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát kịp thời.
Phình động mạch chủ ngực
Phình động mạch ngực xảy ra ở đoạn mạch chủ nằm trong lồng ngực. Loại này ít phổ biến hơn trong cộng đồng nhưng có thể gây nguy hiểm đến tim và phổi nếu không được điều trị đúng cách. Bệnh thường liên quan đến các yếu tố nguy cơ như: chấn thương động mạch chủ, hội chứng Marfan,...
4. Phòng ngừa phình động mạch
Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa phình động mạch bằng một số cách sau:
Kiểm soát huyết áp
Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân điển hình làm suy yếu động mạch và gia tăng nguy cơ phình động mạch. Thông qua việc kiểm soát huyết áp bằng cách giảm muối, giảm chất béo bão hòa và tăng cường thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp bảo vệ thành động mạch. Từ đó, giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ phình động mạch.
Với những người đã có tiền sử huyết áp, cần duy trì uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để huyết áp ổn định, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của thành mạch.
Tránh hút thuốc lá
Hút thuốc lá sẽ làm tổn thương thành mạch và đẩy nhanh quá trình hình thành mảng xơ vữa, dẫn đến nguy cơ phình động mạch. Bỏ thuốc lá hoàn toàn hoặc hạn chế hút thuốc lá sẽ giúp bảo vệ động mạch và bảo đảm hoạt động bình thường của thành mạch.
Duy trì thói quen tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp ổn định huyết áp, cải thiện lưu thông máu và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Bạn có thể bắt đầu với những bài tập thể dục nhẹ nhàng như chạy bộ, đi xe đạp, yoga,... Duy trì tập luyện 30 phút mỗi ngày sẽ giúp cơ thể bạn khoẻ khoắn, dẻo dai hơn và ngăn ngừa bệnh lý phình động mạch.
Chế độ ăn lành mạnh, cân bằng
Một chế độ ăn với đầy đủ dưỡng chất dinh dưỡng (tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), nhiều rau xanh và trái cây sẽ giúp duy trì sức khỏe tim mạch tốt. Để hạn chế nguy cơ xơ vữa động mạch và các bệnh lý tim mạch khác, bạn cần hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Bạn nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng/lần để phát hiện sớm bệnh lý và có hướng điều trị phù hợp, đạt kết quả tốt.
Trên đây là chi tiết về nguyên nhân và cách phòng ngừa phình động mạch chủ mà bạn cần nắm rõ để có thể phát hiện sớm bệnh và thăm khám kịp thời. Phình động mạch nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Nếu bạn muốn thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa hoặc có bất kỳ thắc mắc gì về bệnh lý tim mạch, hãy liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
