Các tin tức tại MEDlatec

Chẩn đoán phù phổi cấp do tim bằng phương pháp nào?

Ngày 08/04/2023
Khó thở, đổ nhiều mồ hôi, da xanh tái,... là những triệu chứng lâm sàng cảnh báo tình trạng phù phổi cấp do tim. Nếu bệnh nhân gặp phải biến chứng này nhưng không được cấp cứu kịp thời thì có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. 

1. Khái niệm phù phổi cấp do tim

Phù phổi cấp là hiện tượng ngạt thở cấp tính do nhiều nguyên nhân gây nên. Tình trạng này là do mao mạch phổi bị thoát quá nhiều dịch gây phù phổi. Đây là biến chứng cấp tính, người bệnh chỉ có thể sống sót nếu được cấp cứu kịp thời và hiệu quả.

Phù phổi cấp bao gồm 3 giai đoạn phát triển đó là giai đoạn mao mạch, giai đoạn kẽ và cuối cùng là giai đoạn phế nang. Chẩn đoán phù phổi cấp do tim cần dựa trên các nguyên nhân như sau:

  • Suy tim trái: suy chức năng tâm trương thất trái và tâm thu thất trái;

  • Tắc nghẽn đường ra thất trái: thường là do các bệnh lý như bệnh cơ tim phì đại, hẹp van động mạch chủ, tăng huyết áp khiến lực ngoại vi gia tăng chống lại lực co bóp thất trái;

  • Quá tải thể tích thất trái: điều này gây giảm chức năng tâm thu thất trái, nguyên nhân thường là do bệnh nhân không đảm bảo việc tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống và điều trị, truyền quá nhiều dịch, hoặc bị hở van động mạch chủ;

  • Tắc nghẽn nhĩ trái: do các tình trạng như dị tật bẩm sinh có 3 buồng nhĩ, u nhầy nhĩ trái, hẹp van 2 lá và huyết khối nhĩ trái gây nên.

Hiện tượng suy tim dẫn đến phù phổi cấp do tim

Phù phổi cấp không chỉ bắt nguồn từ các bệnh lý về tim mạch mà còn có thể do nhiễm khuẩn máu, phản ứng do hít phải độc tố, do tiêm truyền, tăng áp lực nội sọ, thuốc mê truyền tĩnh mạch, cục máu đông rải rác trong lòng mạch.

2. Chẩn đoán phù phổi cấp do tim bằng phương pháp gì?

Không chỉ dựa trên các biểu hiện lâm sàng, để chẩn đoán phù phổi cấp do tim còn cần phải phụ thuộc vào các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng.

Những triệu chứng cảnh báo tình trạng phù phổi cấp do tim:

  • Khó thở, đôi khi là ngộp thở;

  • Lạnh các chi;

  • Đổ nhiều mồ hôi;

  • Da xanh tái;

  • Co kéo các phần cơ hô hấp phụ;

  • Bệnh nhân bị nổi phần tĩnh mạch cổ trong tư thế đầu nằm cao 45 độ;

  • Biểu hiện khác: phù chân, báng bụng, lệch mỏm tim xuống phía dưới hoặc chệch ra ngoài.

Để phân biệt phù phổi cấp do tim hay do nguyên nhân khác thì ngoài khai thác các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh lý thì cần kết hợp với khám thực thể. Khác với những trường hợp bị phù phổi cấp do tim, bệnh nhân bị bệnh tim cơ sở sẽ được chẩn đoán bằng các biện pháp như siêu âm, chụp X-quang hay điện tâm đồ. Cụ thể:

  • Tìm hiểu thông tin về tiền sử bệnh lý: ghi nhận các thông tin về việc người bệnh đã từng mắc các bệnh lý về tim mạch hay không;

  • Siêu âm tim: áp dụng khi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định hơn sau cấp cứu, trừ khi người bệnh có nguy cơ biến chứng do thủng vách liên thất, đứt dây chằng, nhồi máu cơ tim cấp hay cột cơ van 2 lá;

  • Chụp X-quang: có thể xác định các bất thường như phù phế nang, phù mô kẽ, đặc biệt là tình trạng phù lan tỏa hình cánh bướm, xuất phát từ vùng rốn ra vùng ngoại biên;

  • Điện tâm đồ: để chẩn đoán các triệu chứng bệnh tim như rối loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ, hay nhồi máu cơ tim.

Chụp X-quang giúp chẩn đoán phù phổi cấp do tim

3. Những biện pháp được áp dụng trong điều trị phù phổi cấp do tim

Khi nhận thấy người bệnh có các dấu hiệu cảnh báo tình trạng phù phổi cấp, hãy để bệnh nhân ngồi trong tư thế thõng 2 chân, điều này sẽ giúp người bệnh dễ hô hấp hơn và máu tĩnh mạch cũng lưu thông tốt hơn.

Dưới đây là các phương án được sử dụng trong điều trị bệnh phù phổi cấp do tim:

Thở oxy:

Luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ oxy máu bằng mặt nạ oxy. Trong trường hợp bệnh nhân có biểu hiện khó thở nặng thì chuyển sang phương án dùng máy trợ thở và đặt nội khí quản.

Thở máy:

  • Phương pháp không xâm lấn: nếu phù phổi cấp nhẹ, người bệnh đáp ứng điều trị;

  • Thở máy xâm lấn: áp dụng nếu mệt cơ hô hấp rõ, thiếu oxy kháng trị, tăng phân áp CO2 máu, bệnh nhân khó hợp tác.

Bệnh nhân bị phù phổi cấp do tim cần đảm bảo luôn được cung cấp đủ oxy

Dùng thuốc:

  • Thuốc co mạch: nếu có triệu chứng sốc tim hoặc tụt huyết áp;

  • Lợi tiểu quai;

  • Thuốc tăng lực co bóp cho tim: nếu bị giảm cung lượng tim;

  • Thuốc giãn mạch: truyền tĩnh mạch thuốc nitroglycerin;

  • Trong trường hợp bệnh nhân có các biểu hiện nhồi máu cơ tim cấp, sốc tim hay phù phổi kháng trị thì cân nhắc đặt bóng bơm động mạch chủ dội ngược;

  • Theo dõi bệnh nhân bằng monitor với chỉ số độ bão hòa oxy qua mạch đập liên tục, điện tâm đồ, chú ý huyết áp động mạch xâm lấn, sử dụng thuốc vận mạch khi huyết động không ổn định;

  • Phối hợp điều trị các bệnh lý mạn tính khác như bệnh đái tháo đường, huyết áp cao hoặc bệnh viêm phổi nếu bệnh nhân đang đồng thời mắc phải;

  • Morphin: loại thuốc này được ứng dụng phổ biến trong điều trị cho những bệnh nhân bị phù phổi cấp. Ban đầu liều lượng morphin cho phép là 8mg, truyền theo đường tĩnh mạch (tiêm dưới da áp dụng đối với bệnh nhân bị nhẹ), sau đó 2 - 4 giờ thì lặp lại liều lượng như vậy. Loại thuốc này có tác dụng giảm thiểu áp lực nhĩ trái, đồng thời giúp tăng sức chứa cho tĩnh mạch, hỗ trợ giảm lo lắng và giảm sung huyết phổi cho bệnh nhân.

Có một điều quan trọng cần lưu ý đối với việc sử dụng Morphin đó là bên cạnh công dụng nêu trên, Morphin có thể dẫn tới ứ đọng CO2 và gây suy yếu các động tác hô hấp. Vì vậy ở những người đang bị phù phổi cấp do thuốc mê thì không nên dùng Morphin để điều trị. Những trường hợp này thường sẽ được cải thiện triệu chứng nhờ dùng các thuốc đối kháng với loại thuốc gây mê. Bên cạnh đó Morphin được khuyến cáo là không dành cho bệnh nhân phù phổi cấp do các vấn đề về thần kinh.

Ngoài điều trị triệu chứng phù phổi cấp do tim, người bệnh cũng cần được điều trị nguyên nhân gây ra các bệnh về tim để tránh tình trạng biến chứng phù phổi cấp xảy ra và tái phát trong tương lai. Phụ thuộc vào từng tình trạng bệnh lý mà bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp nhất.

Trên đây là những gợi ý về chẩn đoán và điều trị biến chứng phù phổi cấp do tim. Mong rằng những thông tin này hữu ích đối với bạn. Nếu bạn đang mắc các bệnh về tim hay bất kỳ bệnh lý mạn tính nào khác thì nên đi thăm khám định kỳ, tuân thủ hướng dẫn điều trị từ bác sĩ chuyên khoa để phòng ngừa nguy cơ bệnh diễn tiến thành các biến chứng nguy hiểm.

Để được giải đáp kỹ hơn về tình trạng phù phổi cấp do tim hay các bệnh lý khác về đường hô hấp, quý bạn đọc hãy liên hệ qua hotline 1900 56 56 56. Tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ hỗ trợ bạn đặt lịch khám cùng các bác sĩ giàu kinh nghiệm tại Chuyên khoa Hô hấp của Bệnh viện, đồng thời tư vấn chi tiết hơn về các dịch vụ đang được triển khai tại MEDLATEC.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.