Các tin tức tại MEDlatec
Chọc dịch màng bụng là gì và quy trình thực hiện như thế nào?
- 28/04/2020 | Cấy dịch màng bụng là gì và có ý nghĩa sức khỏe như thế nào?
- 15/12/2021 | Tổng quan bệnh lý và phương pháp chẩn đoán tràn dịch màng bụng
- 14/01/2021 | Quy trình thực hiện chuẩn của xét nghiệm dịch màng bụng
1. Chọc dịch màng bụng là gì?
Sự tích tụ của chất dịch màng bụng được gọi là cổ trướng, tình trạng này thường xuất hiện ở những bệnh nhân bị viêm, chấn thương, nhiễm trùng, xơ gan, ung thư,... Dịch màng bụng quá nhiều sẽ chèn ép lên các cơ quan nội tạng gây khó chịu, đau đớn, khiến người bệnh khó thở.
Chọc dịch màng bụng thực hiện khi cần xét nghiệm mẫu dịch màng bụng
Khi đó, người bệnh được chỉ định thực hiện thủ thuật chọc dịch màng bụng, bác sĩ sẽ đưa kim qua thành bụng vào khoang ổ bụng và hút dịch ra ngoài. Chất dịch này sẽ được giữ lại để xét nghiệm tìm ra nguyên nhân tích tụ dịch cũng như cách điều trị.
Cụ thể, chọc dịch màng bụng thường chỉ định trong các trường hợp sau:
-
Khi cổ chướng to gây khó thở cho người bệnh, nhất là bệnh nhi sẽ cần tháo bớt dịch.
-
Bệnh nhân nghi ngờ bị viêm phúc mạc hoặc chảy máu ổ bụng, cần thu thập dịch màng bụng xét nghiệm.
-
Chẩn đoán nhiễm trùng dịch màng bụng.
-
Phân tích tìm nguyên nhân gây tích tụ dịch màng bụng.
-
Kiểm tra một số loại bệnh ung thư, điển hình là ung thư gan gây cổ chướng.
-
Kiểm tra tổn thương, nhiễm trùng sau chấn thương bệnh.
Chọc dịch màng bụng là thủ thuật khá đơn giản
Như vậy, chọc dịch màng bụng là thủ thuật khá đơn giản, giúp thu thập mẫu xét nghiệm hoặc giải phóng khi dịch tích tụ quá nhiều. Một số trường hợp không thể thực hiện thủ thuật này gồm: người bị rối loạn đông máu, người bị tụt huyết áp, người chướng bụng đầy hơi,...
2. Quy trình thực hiện chọc dịch màng bụng
Để thực hiện thủ thuật chọc dịch màng bụng, cần các dụng cụ y tế như: kim chọc, thuốc sát khuẩn, bơm tiêm, bông, gạc, thuốc gây tê, thuốc cấp cứu,... Thông thường bác sĩ sẽ thực hiện chính và điều dưỡng phụ hỗ trợ, người bệnh sẽ được hướng dẫn đi vệ sinh, ổn định tâm lý trước khi thực hiện.
Đây là thủ thuật xâm lấn nên sẽ được tiến hành trong phòng tiểu phẫu đảm bảo vô khuẩn, trong trường hợp cấp cứu, bệnh nhân có thể được xử lý trước ngay tại giường bệnh.
Cụ thể các bước tiến hành chọc dịch màng bụng như sau:
2.1. Bước chuẩn bị
Bệnh nhân sẽ được kiểm tra sức khỏe nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình chọc dịch màng bụng, các chỉ số kiểm tra bao gồm: huyết áp, tim mạch, mức độ cổ trướng,... Cần xác định vị trí chọc tháo dịch màng bụng trước trên đường nối giữa rốn và gai chậu trước.
Sau đó, bác sĩ sẽ sát khuẩn tại vị trí đã được xác định nhằm đảm bảo không gây nhiễm trùng rồi gây tê vùng chọc.
2.2. Bước thực hiện chọc dịch màng bụng
Bác sĩ sẽ dùng kim chọc vuông góc với thành bụng từ nông đến sâu, khi chạm đến vùng dịch sẽ hút dịch ra ngoài qua ống dẫn lưu. Dịch được giữ lại trong ống hoặc xô đến khi đủ lượng cần thiết. Trong quá trình này, đầu kim được băng kín và cố định bằng băng dính nhằm đảm bảo dịch hút ổn định.
Trong suốt quá trình chọc dịch màng bụng, bác sĩ sẽ theo dõi các chỉ số sức khỏe của người bệnh như: sắc mặt, số lượng, tính chất dịch, huyết áp, mạch máu,...
2.3. Sau khi chọc dịch màng bụng
Sau khi chọc dịch màng bụng hoàn tất, kim chọc sẽ được tháo ra, sau đó bác sĩ sẽ sát khuẩn da bụng để tránh nhiễm trùng và băng lại. Nếu tình trạng sức khỏe của người bệnh không có bất thường, người bệnh sẽ tiếp tục được nghỉ ngơi và theo dõi cho đến khi có thể tự theo dõi tại nhà.
3. Tai biến có thể xảy ra khi chọc dịch màng bụng
Thủ thuật chọc dịch màng bụng khá đơn giản, không quá phức tạp và nguy hiểm nhưng người bệnh vẫn có thể gặp phải một số tai biến, điển hình như:
3.1. Tai biến khi quai ruột bít đầu kim
Khi chọc dịch màng bụng, nếu ban đầu dịch ổ bụng chảy nhanh, hút ra được nhiều nhưng sau đó yếu dần hoặc thậm chí ngừng chảy thì nguyên nhân thường do quai ruột gây bít đầu kim. Để khắc phục, bác sĩ sẽ thay đổi tư thế người bệnh hoặc hướng kim cho đến khi dịch chảy bình thường. Hiện tượng này thường không nguy hiểm nhưng vẫn có thể gây tổn thương ruột và chảy máu.
3.2. Choáng sau chọc dịch màng bụng
Do dịch được tháo ra khỏi ổ bụng quá nhiều, gây giảm áp lực đột ngột nên nhiều bệnh nhân gặp tình trạng sốc, choáng như: hạ huyết áp đột ngột, choáng váng, mạch nhanh, người lạnh,... Do đó trong suốt quá trình thực hiện, bác sĩ và y tá sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn, nếu có dấu hiệu choáng sẽ cần ngừng chọc dịch. Thay vào đó, bác sĩ sẽ can thiệp các biện pháp chống sốc, truyền dịch bù để người bệnh ổn định lại.
Hút dịch màng bụng có thể gây choáng cho người bệnh
3.3. Chọc kim vào mạch máu
Tai biến do chọc dịch màng bụng này rất nguy hiểm, gây mất máu nhiều nếu không kịp thời phát hiện. Có thể nhận biết bằng dịch màng bụng rút ra có màu đỏ của máu, tai biến này khá hiếm gặp nhưng cần đặc biệt lưu ý.
3.4. Chọc kim vào ruột
Khi kim chọc dịch màng bụng chọc vào ruột, dịch hút ra sẽ xuất hiện hơi hoặc dịch bẩn. Khi đó cần ngay lập tức rút kim ra khỏi ruột, băng kín và hội chẩn tình trạng chấn thương. Các dấu hiệu cần lưu ý theo dõi nếu gặp phải biến chứng này gồm: thân nhiệt tăng, đau ruột, phản ứng thành bụng bất thường,...
3.5. Nhiễm khuẩn thứ phát
Nhiễm khuẩn do chọc dịch màng bụng có thể xảy ra khi thao tác chọc kim không tốt hoặc công tác vô khuẩn không thực hiện tốt. Khi gặp tình trạng này, người bệnh sẽ có những dấu hiệu nhiễm khuẩn toàn thân như: tăng thân nhiệt, tăng huyết áp, mạch bất thường, đau vùng bụng,...
Khi bị nhiễm khuẩn thứ phát, sẽ cần điều trị bằng kháng sinh cho đến khi kiểm soát hoàn toàn bệnh.
Cẩn thận nhiễm trùng do chọc dịch màng bụng
Như vậy, chọc dịch màng bụng là thủ thuật được thực hiện khi cần thu thập phân tích mẫu dịch bụng hoặc dịch tích tụ nhiều gây khó thở, ảnh hưởng đến các cơ quan vùng bụng. Cần thực hiện tại các Bệnh viện uy tín, chất lượng tốt để đảm bảo an toàn, vô trùng, hạn chế biến chứng có thể xảy ra.
Cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!