Các tin tức tại MEDlatec

Chứng ngưng thở khi ngủ và những thông tin cơ bản không nên bỏ qua

Ngày 29/02/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Chứng ngưng thở khi ngủ khá phổ biến và có thể dẫn đến những biến chứng như đột tử, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,... Tuy nhiên, nhiều người không hề biết về sự nguy hiểm của căn bệnh này. Cùng tham khảo một số thông tin sau để hiểu cơ bản về hội chứng đặc biệt này.

1. Chứng ngưng thở khi ngủ là bệnh gì?

Hội chứng ngưng thở khi ngủ được hiểu là một tình trạng rối loạn giấc ngủ, trong đó, bệnh nhân thường xuyên bị ngừng thở khi đang ngủ. Bệnh được chia thành 3 dạng chính là:

Ngưng thở khi ngủ do nhiều nguyên nhân khác nhau

- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA): Là tình trạng đường hô hấp trên bị tắc nghẽn khiến cho luồng không khí đi vào bị giảm hoặc ngừng hoàn toàn. Đây là dạng bệnh phổ biến nhất.

- Ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA): Bệnh xảy ra khi não không gửi tín hiệu để thở và khiến người bệnh có triệu chứng ngưng thở khi đang ngủ.

- Ngưng thở khi ngủ hỗn hợp: Dạng bệnh này bao gồm cả hai loại trên.

2. Dấu hiệu nhận biết chứng ngưng thở khi ngủ

Những dấu hiệu cho thấy bạn có thể mắc chứng ngưng thở khi ngủ rất đa dạng, bao gồm:

Người bệnh thường ngủ nhiều vào ban ngày

- Những triệu chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn:

●       Ngủ nhiều vào ban ngày.

●       Hay bị đau nhức đầu vào buổi sáng.

●       Ngáy to và hay bị ngắt quãng khi ngáy.

●       Thức dậy thấy miệng khô.

●       Ngủ không sâu giấc.

●       Hay đi tiểu đêm.

●       Khó tập trung.

Trên thực tế, nhiều triệu chứng ngưng thở do tắc nghẽn khó nhận biết sớm và dễ bị nhầm với các bệnh lý khác. Một số bệnh nhân được phát hiện do người nằm bên cạnh quan sát được.

- Những triệu chứng ngưng thở khi ngủ trung ương:

●       Nhịp thở bất thường, thở chậm lại hoặc nhanh hơn bình thường hoặc đôi khi tạm dừng khi đang ngủ.

●       Hay buồn ngủ vào ban ngày và dễ bị tỉnh giấc vào ban đêm.

●       Đột nhiên khó thở hoặc bị đau ngực vào ban đêm.

3. Chứng ngưng thở khi ngủ là do đâu?

- Đối với những người bệnh mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn thì nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do viêm đường hô hấp trên cấp tính gây phù nề đường thở, viêm thanh quản, các khối u vùng hầu họng, thanh quản, phế quản gây chèn ép,... khiến cho không gian để luồng khí đi qua bị thu hẹp lại và bệnh nhân không thể nhận đủ oxy. Từ đó, gây ra sự thức tỉnh một phần hay toàn bộ não để khôi phục luồng không khí. Tình trạng này sẽ lặp lại nhiều lần khi bệnh nhân ngủ.

- Đối với những bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ trung ương: Nguyên nhân là do cách giao tiếp của não với các cơ đảm nhiệm hoạt động hô hấp gặp vấn đề. Thân não không thể nhận biết chính xác mức carbon dioxide trong cơ thể khi người bệnh đang ngủ. Chính vì thế, người bệnh thở chậm hơn và nông hơn so với mức cần thiết.

- Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể kể đến như:

+ Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

+ Những vấn đề trong cấu tạo vùng đầu cổ chẳng hạn như hàm dưới ngắn hơn, lưỡi to,... cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng bệnh này.

+ Tình trạng thừa cân, béo phì.

+ Thói quen hút thuốc lá.

+ Những bất thường về nội tiết tố.

+ Tiền sử gia đình có người bị bệnh.

+ Người mắc chứng nghẹt mũi.

+ Do một số loại thuốc dùng kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến đường hô hấp.

4. Một số biến chứng do chứng ngưng thở khi ngủ

Nếu không phát hiện sớm, chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe thể chất của người bệnh:

bệnh trầm cảm">

Người bệnh hay cáu kỉnh và dễ mắc bệnh trầm cảm

- Làm giảm chất lượng giấc ngủ, giảm nồng độ oxy trong cơ thể.

- Tăng nguy cơ bị tai nạn giao thông do những cơn buồn ngủ hay tình trạng ngủ gật khi đang lái xe.

- Tăng nguy cơ mắc một số bệnh về tim mạch, nhất là tình trạng huyết áp cao, đột quỵ, suy tim, nhịp tim bất thường,...

- Tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2.

- Suy giảm trí nhớ.

- Người bệnh thường xuyên cáu kỉnh và dễ mắc phải bệnh trầm cảm.

- Gan nhiễm mỡ.

- Dễ gặp phải biến chứng có liên quan đến tình trạng gây mê trong phẫu thuật.

5. Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ

Các phương pháp điều trị bệnh đều hướng đến mục tiêu là giảm gián đoạn hô hấp và giúp người bệnh có giấc ngủ ngon, sâu giấc. Dưới đây là một số cách điều trị bệnh:

- Dùng máy thở CPAP: Phương pháp này giúp tạo ra dòng khí áp lực dương để thổi vào đường thở. Nhờ có áp lực khí mà vùng hầu họng sẽ được nâng đỡ, từ đó cơ không bị xẹp xuống và đường thở của người bệnh luôn được mở thông suốt.

- Dùng dụng cụ cố định hàm hoặc lưỡi để tránh gây áp lực lên khí quản và từ đó giúp cải thiện tình trạng bệnh.

-  Phẫu thuật loại bỏ mô trong cổ họng để giúp đường thở được thông thoáng. Ngoài ra, một số trường hợp có thể được cấy ghép một thiết bị chuyên dụng nhằm kích thích dây thần kinh và từ đó giúp bệnh nhân kiểm soát hơi thở.

- Ngoài ra, người bệnh nên giảm cân, thường xuyên tập thể dục, kiêng bia rượu và nên nằm ngửa khi ngủ.

Nên nằm nghiêng để tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng.

- Trong quá trình điều trị, người bệnh cần thực hiện một số lưu ý sau để hạn chế nguy cơ tiến triển bệnh:

+ Tuân thủ theo đúng những hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh và thường xuyên tái khám đúng theo lịch bác sĩ đã hẹn.

+ Nếu có những biểu hiện bất thường trong quá trình điều trị bệnh thì cần thông báo ngay đến các bác sĩ để được hướng dẫn xử trí kịp thời.

+ Khi cần sử dụng một số dụng cụ chuyên dụng để điều trị bệnh thì cần vệ sinh những dụng cụ này đúng cách để nó có thể phát huy hiệu quả điều trị tốt nhất, đồng thời hạn chế nguy cơ gặp phải những tác dụng phụ.

+ Tránh những hoạt động có nguy cơ cao: Chẳng hạn, bệnh nhân có nguy cơ buồn ngủ vào ban ngày, vì thế, không nên lái xe, điều khiển máy móc khi đang buồn ngủ.

Trên đây là một số thông tin về chứng ngưng thở khi ngủ. Nếu có biểu hiện bất thường và có nhu cầu kiểm tra sức khỏe, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC, các tổng đài viên sẽ tư vấn cụ thể cho bạn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.