Các tin tức tại MEDlatec
Chuyên gia MEDLATEC chia sẻ xu hướng mới trong xét nghiệm bệnh tự miễn và dị ứng tại Hội nghị Khoa học toàn quốc
- 14/09/2024 | Báo cáo đột phá về phương pháp chẩn đoán nhiễm nấm của chuyên gia MEDLATEC tại Hội nghị Truyền nhiễm 2024
- 20/09/2024 | 02 nghiên cứu đột phá được báo cáo viên MEDLATEC công bố tại hội nghị Hội Hóa sinh Y học Hà Nội và các tỉnh phía Bắc lần thứ 27
- 08/10/2024 | Trung tâm Giải phẫu bệnh MEDLATEC báo cáo về chuyển đổi số tại hội thảo lớn nhất châu Á về giải phẫu bệnh kỹ thuật số
Cầu nối khoa học - công nghệ và thực hành lâm sàng trong y học
Toàn cảnh Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ 26 của Hội Hóa sinh và Y học Việt Nam
Trong 2 ngày 18 và 19/07, Hội nghị Khoa học Toàn quốc lần thứ 26, do Hội Hóa sinh Y học Việt Nam tổ chức Nha Trang (Khánh Hòa) đã diễn ra thành công.
Hội nghị lần này có sự tham dự của ThS.BS Đào Nguyên Minh - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế; ông Nguyễn Thành Định - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa; BSCKII. Trần Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hóa sinh Y học Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị; PGS.TS Phạm Thiện Ngọc - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Hóa sinh Y học Việt Nam… cùng Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Hội Hóa sinh Y học Vùng, Miền trên toàn quốc và hơn 500 đại biểu là chuyên gia, bác sĩ, nhà quản lý các đơn vị y tế.
Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 500 chuyên gia, bác sĩ trên cả nước
Về phía MEDLATEC có sự tham gia của TS.BS Trịnh Thị Quế - Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm; ông Nguyễn Đình Bắc - Phó Giám đốc Trung tâm Tại nhà; bà Vũ Thị Phượng Giám đốc Trung tâm Marketing; ông Hoàng Văn Phúc - Giám đốc chi nhánh MEDLATEC Khánh Hòa; bà Trần Thị Quỳnh Trâm - Phó Giám đốc Trung tâm Marketing.
Các cán bộ chủ chốt đại diện MEDLATEC tham dự Hội nghị
Theo Ban tổ chức, hội nghị năm nay tập trung vào hai chủ đề chính:
- Ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý chất lượng xét nghiệm Hóa sinh lâm sàng.
- Triển khai kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị (đặc biệt các nghiên cứu mới ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị ung thư và các chuyên đề cập nhật trong chẩn đoán điều trị bệnh lý gan-mật, tim-mạch máu, thận-tiết niệu, hội chứng chuyển hóa...).
Là đơn vị y tế tư nhân luôn chú trọng phát triển khoa học công nghệ, Hệ thống Y tế MEDLATEC tự hào đồng hành cùng sự phát triển và lớn mạnh của Hội Hóa sinh Y học Việt Nam trong nhiều năm qua. Với đội ngũ chuyên gia chuyên môn sâu, đặc biệt là Hội đồng Khoa học vững mạnh, MEDLATEC góp phần thúc đẩy hoạt động chuyên môn, đồng thời tích cực tham gia đóng góp học thuật cho cộng đồng hóa sinh y học cả nước.
Tại Hội nghị khoa học Toàn quốc lần này, TS.BS Trịnh Thị Quế đã vinh dự trình bày báo cáo chuyên đề: “Các xét nghiệm trong bệnh lý tự miễn và dị ứng”. Đây là một trong 27 báo cáo được tuyển chọn kỹ lưỡng qua quy trình xét duyệt đề tài và nội dung chuyên môn nghiêm ngặt.
TS.BS Trịnh Thị Quế trình bày báo cáo tại hội nghị
Không chỉ mang tính lý luận, bài báo cáo của TS. Quế nói lên thực tiễn những kỹ thuật xét nghiệm đang được ứng dụng và triển khai tại MEDLATEC, từ đó khẳng định vai trò tiên phong trong xét nghiệm của đơn vị, hỗ trợ quá trình chẩn đoán, điều trị, theo dõi các bệnh lý tự miễn và dị ứng tốt hơn.
Tầm quan trọng của xét nghiệm trong bệnh lý tự miễn
Mở đầu bài báo cáo, TS. Quế chỉ ra rằng, bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch không thể phân biệt giữa kháng nguyên lạ và kháng nguyên của cơ thể, dẫn đến việc tấn công và tổn thương các mô trong cơ thể. Tỷ lệ mắc bệnh tự miễn hiện nay khoảng 3-5% dân số và đang có xu hướng gia tăng, trở thành gánh nặng y tế toàn cầu.
Các yếu tố nguy cơ góp phần vào sự hình thành bệnh tự miễn bao gồm di truyền, nhiễm trùng, microbiome, chất độc hại và thành phần trong thực phẩm.
Chẩn đoán bệnh tự miễn yêu cầu thăm khám lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh, các kết quả chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng và đặc biệt là xét nghiệm tự kháng thể. Việc xét nghiệm tự kháng thể cung cấp thông tin quan trọng trong chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh.
Chuyên gia MEDLATEC chia sẻ về tầm quan trọng của xét nghiệm trong bệnh lý tự miễn
Các kỹ thuật xét nghiệm thường dùng để phát hiện tự kháng thể, bao gồm:
- Miễn dịch huỳnh quang gián tiếp (IIFT) - Tiêu chuẩn vàng trong xét nghiệm kháng thể kháng nhân: Phương pháp này sử dụng kháng thể đánh dấu huỳnh quang để phát hiện các tự kháng thể trên tế bào. Ứng dụng rộng rãi trong phát hiện bệnh tự miễn hệ thống và cơ quan.
- Thấm miễn dịch (Immunoblot): Phương pháp sắc ký miễn dịch trên thanh thử, phát hiện đồng thời nhiều tự kháng thể, hỗ trợ trong chẩn đoán và theo dõi bệnh.
- ELISA: Phát hiện tự kháng thể định lượng hoặc bán định lượng, sử dụng cho các xét nghiệm như: ENA 6 profile, Anti-Sm, Anti-C1q, AMA-M2, LKM-1, Anti-AChR.
- Miễn dịch hóa phát quang (CLIA): Xét nghiệm tự động hóa dựa trên nguyên lý hóa phát quang, sử dụng trong các xét nghiệm: ANA, dsDNA, Anti-GAD65, kháng thể kháng insulin (IAA).
Ứng dụng xét nghiệm trong bệnh lý dị ứng
Nội dung tiếp theo được TS. Quế chia sẻ là xét nghiệm trong bệnh lý dị ứng. Theo Tổ chức Dị ứng Thế giới (WAO), tỷ lệ mắc bệnh dị ứng toàn cầu dao động từ 10% đến 40%. Tại Việt Nam, Trung tâm Dị ứng Bạch Mai (2020) ghi nhận tỷ lệ này đạt khoảng 20-25% ở các khu vực thành phố và khoảng 20% ở một số vùng nông thôn.
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là những yếu tố chính gia tăng bệnh dị ứng, với các loại bệnh phổ biến như: viêm mũi dị ứng, hen phế quản, dị ứng thực phẩm, dị ứng da, dị ứng thuốc, dị ứng côn trùng và sốc phản vệ.
TS. Quế khẳng định, xét nghiệm xác định dị nguyên gây dị ứng là cần thiết cho mục đích chẩn đoán lâm sàng
Dị ứng được phân loại thành 4 nhóm chính: dị ứng qua trung gian IgE, IgG, phức hợp miễn dịch và miễn dịch tế bào.
Các phương pháp xét nghiệm dị ứng hiện nay bao gồm:
- In vivo (test lẩy da, test trong da): Ưu điểm là thực hiện nhanh chóng và chi phí thấp. Tuy nhiên, có nguy cơ gây sốc phản vệ, số lượng dị nguyên kiểm tra trong mỗi lần giới hạn và có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc kháng histamin.
- In vitro (Total IgE, IgE đặc hiệu dị nguyên, test hoạt hóa bạch cầu ưa kiềm): Phương pháp này hiếm khi gây nguy hiểm cho bệnh nhân, có thể kiểm tra nhiều dị nguyên cùng lúc và không bị ảnh hưởng bởi thuốc kháng histamin.
- Test thử thách: Đây là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán dị ứng, cho kết quả chính xác nhất, nhưng do nguy cơ sốc phản vệ cao, nên cần thực hiện tại cơ sở y tế có phòng cấp cứu.
Để hỗ trợ quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh dị ứng, hiện nay có các PANEL dị nguyên giúp xác định chính xác các dị nguyên gây phản ứng:
- PANEL 60 Dị Nguyên - Q Station: Hỗ trợ chẩn đoán dị ứng thực phẩm và hô hấp thường gặp.
- PANEL 53 Dị Nguyên - Euroimmun: Bao gồm dị nguyên hô hấp và thức ăn, bổ sung dị nguyên phân tử từ đạm sữa bò.
- PANEL 14 Dị Nguyên Phân Tử - Euroimmun: Bao gồm 14 dị nguyên phân tử từ trứng, sữa, đậu phộng.
Những PANEL này cung cấp thông tin quan trọng, hỗ trợ các bác sĩ trong việc xác định nguyên nhân dị ứng, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả.
Kết thúc bài báo cáo, TS. Quế khẳng định, xét nghiệm xác định dị nguyên gây dị ứng là cần thiết cho mục đích chẩn đoán lâm sàng, hỗ trợ điều trị, phòng ngừa và quản lý bệnh dị ứng.
Sau nhiều giờ thảo luận sôi nổi, hội nghị khép lại thành công tốt đẹp, các báo cáo tại hội nghị nhận được sự quan tâm lớn từ phía các đại biểu và bác sĩ tham dự. Những kiến thức được chuyên gia MEDLATEC chia sẻ không chỉ giúp bác sĩ đồng nghiệp nâng cao kiến thức chuyên môn, mà còn ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn khám chữa bệnh.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!