Các tin tức tại MEDlatec

Chuyên gia phổ biến nguyên tắc khi dùng thuốc chống đột quỵ

Ngày 09/11/2022
Đột quỵ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh và đặc biệt là nguy cơ đột quỵ  tái phát là rất cao. Do đó ngoài việc nhận biết các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ thì người bệnh cũng cần tìm hiểu về các loại thuốc chống đột quỵ và cách sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.

1. Ai là người cần sử dụng các thuốc chống đột quỵ?

Đột quỵ là tình trạng bệnh lý có mức độ nguy hiểm cao, diễn ra đột ngột khi lưu lượng máu cung cấp cho não bộ bị gián đoạn khiến cho các tế bào não gặp tổn thương nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện kịp thời và xử trí đúng cách, đột quỵ có thể tước đi mạng sống của bệnh nhân bất cứ lúc nào.

Trên thực tế nhiều trường hợp ngay cả khi được cấp cứu kịp thời cũng có thể phải chịu những di chứng nặng nề, nguy cơ tàn tật cao sau đột quỵ. Vì vậy giải pháp hàng đầu cho bệnh nhân là sử dụng các loại thuốc chống đột quỵ.

Những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới đột quỵ đó là do bệnh nhân mắc phải các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, tim mạch, huyết ápmỡ máu cao. Tình trạng này phổ biến ở người cao tuổi và hiện nay đã xuất hiện ở nhiều người trẻ tuổi do thói quen sinh hoạt, làm việc không điều độ. Bên cạnh việc xây dựng một lối sống và thực đơn ăn uống lành mạnh hơn, người bệnh mắc các bệnh lý nền cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ và các biến chứng khác hiệu quả.

Đột quỵ diễn ra đột ngột gây ra biến chứng nghiêm trọng và nguy cơ tử vong cao

Cụ thể những người đang có bệnh lý nền cần uống thuốc theo đúng liệu trình điều trị, không tự ý đổi thuốc, đổi liều hoặc ngừng dùng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Có nhiều trường hợp khi thấy bệnh chưa được cải thiện đã tự ý chuyển sang loại thuốc khác hoặc dùng theo đơn của người mắc bệnh lý tương tự, hoặc tạm ngừng dùng thuốc khi thấy bệnh đã chuyển biến tốt khiến bệnh tình diễn tiến xấu đi, trong đó có nguy cơ gặp phải biến chứng đột quỵ. Đặc biệt là người cao tuổi trí nhớ kém, đôi khi bị quên mất lịch uống thuốc nên cần phải có sự giúp đỡ, giám sát của người thân.

2. Ghi nhớ tên các loại thuốc chống đột quỵ phổ biến

2.1. Các loại thuốc chống đông máu

Những thuốc này sẽ được kê đơn cho những trường hợp bệnh nhân đang lắp van tim nhân tạo, bị rối loạn nhịp tim hoặc đã từng bị đột quỵ trước đó.

Tác dụng chính của thuốc chống đông máu là phòng ngừa và điều trị các bệnh lý do đông máu gây nên, hay gặp nhất là đột quỵ với cơ chế ngăn cản sự hình thành huyết khối trong lòng mạch máu.

Không chỉ có vậy, thuốc chống đông máu cũng là giải pháp thường được chỉ định để phòng tránh nguy cơ đột quỵ do nguyên nhân thiếu máu não cục bộ.

Một số loại thuốc chống đông máu phổ biến hiện nay đó là warfarin và thuốc chống đông máu kháng vitamin K, thuốc chống kết tập tiểu cầu, heparin không phân đoạn (UFH) và trọng lượng phân tử thấp (LMWH).

Thuốc chống đông máu có tác dụng phòng ngừa rủi ro đột quỵ

Những thuốc này có khả năng gây ra các tác dụng phụ như:

  • Chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng;

  • Bầm tím dưới da;

  • Rong kinh, rong huyết ở phụ nữ;

  • Phân và nước tiểu có màu đỏ, hồng hoặc nâu đen;

  • Bụng đau, có thể nôn ra máu;

  • Xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, nguy cơ tử vong cao.

Nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường nêu trên trong giai đoạn dùng thuốc thì người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.

2.2. Thuốc làm tan huyết khối

Huyết khối (cục máu đông) hình thành là do sự tích tụ của các mảng xơ vữa và lắng đọng tiểu cầu liên kết với những sợi fibrin. Khi huyết khối di chuyển trong lòng mạch sẽ làm gián đoạn hoặc tắc nghẽn dòng chảy của máu gây đột quỵ. Đôi khi huyết khối có thể tự vỡ một phần nhưng phần còn lại thì cần có sự hỗ trợ của thuốc để đánh tan.

2.3. Thuốc giảm nồng độ cholesterol

Những bệnh nhân sau khi bị đột quỵ hoặc có bệnh nền mỡ máu sẽ được bác sĩ kê đơn sử dụng thuốc hạ cholesterol để hạn chế rủi ro đột quỵ trong tương lai. Thuốc hạ cholesterol máu bao gồm các loại phổ biến như Resins, Fibrate và Statin.

2.4. Thuốc kháng tiểu cầu

Thuốc kháng tiểu cầu cũng là một dạng thuộc nhóm thuốc chống đông máu, công dụng chính của thuốc này là ngăn cản các tiểu cầu không dính vào nhau để phòng ngừa nguy cơ huyết khối hình thành, hạn chế rủi ro đột quỵ. Có 2 nhóm thuốc kháng tiểu cầu được dùng nhiều hiện nay đó là thuốc ức chế Receptor P2Y12 và Aspirin.

2.5. Thuốc dự phòng đột quỵ

Đối với những người có tiền sử bị thiếu máu não thoáng qua và từng mắc bệnh lý mạch máu hoặc tiền sử gia đình có người mắc thì nên dùng thuốc dự phòng đột quỵ. Những thuốc thuộc nhóm này bao gồm: Aggrenox, Dipyridamole, Clopidogrel,…

Khi dùng thuốc chống đột quỵ cần tuân thủ đúng liều lượng và kê đơn của bác sĩ

2.6. Thuốc ổn định huyết áp

Bệnh lý huyết áp cao là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ biến chứng đột quỵ. Khi huyết áp máu tăng cao sẽ làm tổn thương thành động mạch, gây tắc nghẽn các mạch máu não và hình thành huyết khối. Cần lưu ý là tỷ lệ đột quỵ tái phát là rất cao (lên đến 35%) nên bệnh nhân cần phải uống thuốc hạ huyết áp để ngăn ngừa nguy cơ này.

Nhóm thuốc hạ huyết áp thường được chỉ định hiện nay gồm có:

  • Thuốc lợi tiểu: hypothiazide, hydrochlorothiazide, chlorthalidone và furosemide;

  • Nhóm thuốc felodipine, diltiazem và amlodipine;

  • Nhóm thuốc ức chế trực tiếp thụ thể angiotensin và ức chế men chuyển (ACE).

3. Một số nguyên tắc cần tuân thủ khi dùng các thuốc chống đột quỵ

Để áp dụng hiệu quả và an toàn các loại thuốc chống đột quỵ, bệnh nhân cần lưu ý những điều sau:

  • Dùng thuốc đúng liệu trình, đúng liều, đúng loại, đúng giờ;

  • Không được tự ý đổi thuốc hoặc ngừng dùng thuốc mà chưa có chỉ định cụ thể từ bác sĩ;

  • Theo dõi sức khỏe thường xuyên, nếu xuất hiện các dấu hiệu như nôn ra máu, chảy máu chân răng, đau bụng, đại tiện phân đen, chóng mặt thì phải đi tái khám ngay;

  • Thuốc tan huyết khối và thuốc chống đông máu có tác dụng phụ là làm tăng nguy cơ chảy máu, khó cầm máu nếu xảy ra thương tích. Vì vậy nếu bệnh nhân đang điều trị bệnh về răng miệng, có vết thương hở thì không nên dùng các thuốc này;

  • Nhằm đề phòng tình trạng chảy máu răng lợi, bạn nên đổi sang dùng bàn chải lông mềm, không dùng tăm để vệ sinh răng miệng;

  • Nếu đang phải dùng thuốc chống đông máu bệnh nhân cần cẩn trọng khi tham gia các hoạt động thể lực, vận động dễ gây thương tích.

Bệnh nhân thuộc nhóm đối tượng nguy cơ đột quỵ cao thì cần thăm khám sức khỏe định kỳ chặt chẽ

Đột quỵ là tình trạng cấp cứu ngoại khoa vô cùng nguy hiểm, do đó việc sử dụng thuốc chống đột quỵ là điều cần thiết những cần phải được dưới theo chỉ định và dưới sự giám sát của bác sĩ. Mong rằng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về các thuốc chống đột quỵ và những lưu ý quan trọng khi sử dụng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.