Các tin tức tại MEDlatec

Có mấy chủng sốt xuất huyết? Chủng nào nguy hiểm nhất?

Ngày 06/01/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Bùi Thị Thanh
Hàng năm, có nhiều đợt sốt xuất huyết bùng phát - căn bệnh nguy hiểm do virus Dengue gây ra tại nhiều địa phương. Vậy có mấy chủng sốt xuất huyết? Biện pháp phòng tránh là gì? Tham khảo bài viết dưới đây để trang bị nhiều thông tin bổ ích.

1. Sốt xuất huyết là bệnh gì?

Virus Dengue là tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết - một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Mặc dù đa phần bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thể nhẹ có thể hồi phục sau khoảng một tuần điều trị, nhưng cũng không ít trường hợp bệnh trở nặng và yêu cầu cấp cứu khẩn cấp. Việc chậm trễ trong điều trị có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường sau đây, rất có thể bạn đã mắc sốt xuất huyết:

  • Sốt cao trên 40 độ C;

Sốt cao trên 40 độ C là một trong các dấu hiệu của sốt xuất huyết 

  • Đau đầu, đau cơ, đau khớp và đau hốc mắt;
  • Buồn nôn và nôn mửa;
  • Sưng hạch bạch huyết;
  • Phát ban toàn thân.

Sốt xuất huyết được chia thành ba giai đoạn chính:

  • Sốt xuất huyết thể nhẹ: Giai đoạn ủ bệnh kéo dài từ 4 đến 7 ngày sau khi bị muỗi mang virus đốt. Trong giai đoạn đầu, người bệnh thường sốt cao 39-40 độ C, kéo dài từ 2-7 ngày, có thể đáp ứng kém với thuốc hạ sốt. Ngoài ra, người bệnh xuất hiện thêm các triệu chứng như đau khớp, đau cơ, nổi mẩn, chán ăn, buồn nôn;
  • Sốt xuất huyết cảnh báo: Sau khi sốt giảm, bệnh nhân bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất. Một số biến chứng có thể xuất hiện bao gồm giảm tiểu cầu, xuất huyết dưới da, tiểu ra máu, chảy máu mũi, chảy máu lợi và xuất huyết trong, thoát huyết tương;
  • Hồi phục (48-72 giờ): Sau giai đoạn nguy hiểm, cơ thể tự động điều chỉnh, lòng mạch bắt đầu tái hấp thu dịch từ mô kẽ, cơ thể dần hồi phục. Sự hồi phục được thể hiện qua các dấu hiệu: đi tiểu nhiều hơn, hết sốt, huyết áp ổn định và sức khỏe dần cải thiện.

Với các dấu hiệu của sốt xuất huyết, bệnh nhân tuyệt đối không nên chủ quan, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời

2. Có mấy chủng sốt xuất huyết? Chủng nào nguy hiểm nhất?

Virus Dengue gây ra bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng khác nhau, được phân loại là:

  • DEN-1
  • DEN-2
  • DEN-3
  • DEN-4

Có mấy chủng sốt xuất huyết là thông tin nhiều người tìm hiểu  

Mặc dù có sự tương đồng về huyết thanh, các chủng virus gây sốt xuất huyết lại mang những đặc điểm kháng nguyên riêng biệt. Việt Nam đang phải đối mặt với sự lưu hành rộng rãi của cả bốn chủng virus sốt xuất huyết, trong đó DEN-1 và DEN-2 là hai chủng phổ biến nhất, thay phiên nhau gây dịch bệnh hàng năm.

DEN-1 và DEN-2 là hai chủng sốt xuất huyết phổ biến nhất tại Việt Nam 

Theo Cục Y tế Dự phòng, sốt xuất huyết có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực nào, do muỗi Aedes phát triển mạnh mẽ quanh năm, đặc biệt trong điều kiện thích hợp, chúng có thể sống đến 3 tháng và đẻ từ 100 đến 200 trứng mỗi lần.

Với bốn chủng virus Dengue, một người có thể bị mắc sốt xuất huyết lên đến bốn lần trong đời. Việc nhiễm bệnh kích hoạt cơ thể sản sinh ra kháng thể đặc hiệu, tạo thành một hàng rào bảo vệ vững chắc chống lại sự xâm nhập của cùng một chủng virus trong tương lai. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể mắc phải các chủng virus khác và các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn do hiện tượng miễn dịch chéo.

Hiện nay, chưa có thông tin kết luận về chủng virus sốt xuất huyết nào nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu lâm sàng, chủng DEN-2 được đánh giá là có độc lực cao nhất trong số 4 chủng virus. Những bệnh nhân nhiễm chủng DEN-2 dễ rơi vào tình trạng sốc phản vệ và tổn thương các cơ quan nội tạng. Chủng DEN-3 đứng thứ hai về mức độ nguy hiểm, tiếp theo là DEN-1 và DEN-4, thường gây ra các trường hợp bệnh nhẹ.

3. Sốt xuất huyết được phòng ngừa bằng cách nào? 

Hiện nay, chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh đồng thời cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy mỗi người cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả như sau:

  • Thường xuyên vệ sinh chậu hoa, bình cắm hoa, bể cá. Để đảm bảo vệ sinh, hãy rửa sạch và úp ngược các vật dụng này khi không sử dụng;
  • Nếu nuôi thú cưng, hãy thay nước và dọn dẹp khu vực sống của chúng mỗi ngày;
  • Dọn dẹp và tiêu hủy các vật dụng bỏ đi như chai lọ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ xung quanh nhà;
  • Đảm bảo cống rãnh và hệ thống thoát nước được dọn dẹp định kỳ;
  • Mặc quần áo dài tay để tránh nguy cơ muỗi đốt;
  • Mắc màn khi đi ngủ kể cả ban ngày và ban đêm;

Buông màn khi ngủ để hạn chế khả năng bị muỗi đốt 

  • Dùng kem chống muỗi, vợt điện đuổi muỗi hoặc các loại thuốc xịt côn trùng;
  • Không nên hoạt động ở những nơi ẩm thấp, nhiều cây cối;
  • Người bệnh cần được cách ly cẩn thận để hạn chế khả năng lây nhiễm bệnh sang người thân trong gia đình thông qua đường muỗi đốt.

Trên đây là thông tin lý giải cho thắc mắc có mấy chủng sốt xuất huyết cùng những hướng dẫn chi tiết trong cách phòng bệnh, từ đó giúp bạn đọc trang bị thêm kiến thức trong bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình trước bệnh lý nguy hiểm này. Chủ động trong phòng ngừa sốt xuất huyết cũng là một trong những biện pháp hữu ích trong việc góp phần hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. 

Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần liên hệ ngay tới các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám sớm, chẩn đoán chính xác và tư vấn hướng điều trị phù hợp. Việc tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà có thể tiềm ẩn những nguy cơ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng. Hiện nay, Hệ thống Y tế MEDLATEC đáp ứng việc chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết một cách hiệu quả. Mọi thông tin cần tư vấn hoặc đặt lịch thăm khám, người dân hãy liên hệ tới Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời.  

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.