Các tin tức tại MEDlatec
Lợi ích sức khỏe và cách chế biến món ăn ngon từ củ khoai lang
Củ khoai lang và những công dụng tuyệt vời với sức khỏe không thể bỏ qua
Củ khoai lang là một nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời cho cơ thể và là nguyên liệu không thể thiếu cho nhiều món ăn ngon. Bài viết này sẽ cùng bạn khám phá giá trị của loại củ này và các cách chế biến để khai thác tối đa những lợi ích dinh dưỡng mà củ khoai sở hữu.
1. Tổng quan về củ khoai lang
Khoai lang là một loại cây thân thảo thuộc họ hoa lưỡi rìu. Củ khoai lang có cấu trúc phân lớp gồm lớp vỏ bên ngoài và lớp thịt bên trong. Vỏ củ khoai lang có thể có màu da cam, tím, đỏ hoặc trắng tùy từng loại. Lớp thịt bên trong cũng có màu trắng, cam hoặc tím, tùy thuộc vào giống khoai và dinh dưỡng chứa đựng bên trong.
4 loại củ khoai lang đang được sử dụng phổ biến nhất hiện nay
Có nhiều giống khoai lang khác nhau, mỗi loại đều có đặc điểm riêng, thường trồng nhiều nhất là:
- Khoai lang cam: giống khoai này có vỏ màu cam và thịt màu cam đậm, chứa nhiều beta-carotene giúp cải thiện thị lực và tăng cường sức đề kháng.
- Khoai lang tím: giống khoai này có vỏ và thịt màu tím đậm, chứa nhiều chất chống oxy hóa và anthocyanin giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các gốc tự do.
- Khoai lang đỏ: vị ngọt và hương thơm đặc trưng, là nguồn cung cấp vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch.
2. Giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe của củ khoai lang
2.1. Giá trị dinh dưỡng
Củ khoai lang là một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe:
- Vitamin A: nhiều nhất trong khoai lang cam - chứa hàm lượng lớn beta-carotene có khả năng cải thiện thị lực và bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường. Trung bình 1 củ khoai lang chứa hơn 120% lượng vitamin A cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.
- Vitamin C: nhiều nhất trong khoai lang đỏ - chất chống oxy hóa quan trọng cho hệ miễn dịch, giảm viêm nhiễm và tăng khả năng phục hồi của cơ thể. Mỗi củ khoai lang cung cấp khoảng 45% nhu cầu vitamin C hàng ngày của cơ thể.
- Vitamin B6: hỗ trợ quá trình chuyển hóa protein, đường và chất béo của cơ thể. Không những thế, đây còn là nguồn cung cấp năng lượng để duy trì hoạt động của cơ thể và hệ thần kinh.
- Chất xơ: chất xơ trong khoai lang giúp cải thiện sức tiêu hóa và duy trì cân nặng ổn định. Chất xơ cũng có khả năng giúp kiểm soát đường huyết và tăng cảm giác no. Mỗi củ khoai lang có thể cung cấp 4 - 6g chất xơ cho nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày để duy trì cân nặng ổn định và kiểm soát đường huyết.
Các thành phần dinh dưỡng chính có trong củ khoai lang
- Kali: mỗi củ khoai lang chứa khoảng 15% lượng kali cho nhu cầu cơ thể hàng ngày. Đây là khoáng chất cần cho các hoạt động cơ bản của cơ thể như: hoạt động của hệ thần kinh và cơ bắp.
- Sắt: trung bình 1 củ khoai lang có thể cung cấp 15 - 20% lượng sắt mà cơ thể cần mỗi ngày. Sắt tạo ra hồng cầu và cung cấp oxy cho các tế bào trong cơ thể.
- Mangan: mỗi củ khoai lang cung cấp khoảng 25 - 30% lượng mangan cho nhu cầu của cơ thể mỗi ngày. Mangan là một khoáng chất quan trọng cho nhiều quá trình trong cơ thể, đặc biệt là cung cấp năng lượng và hỗ trợ sức khỏe của hệ xương.
2.2. Lợi ích sức khỏe
Với nguồn dinh dưỡng đa dạng này, khoai lang chính là thực phẩm không thể thiếu cho một chế độ ăn uống lành mạnh. Khoai lang không chỉ đảm bảo nguồn năng lượng mà còn hỗ trợ sức khỏe hệ tim mạch và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Cải thiện thị lực: beta-carotene - một dạng của vitamin A trong củ khoai lang có khả năng cải thiện thị lực và bảo vệ mắt khỏi tác động tiêu cực của các tác nhân gây hại trong ánh sáng mặt trời.
- Hỗ trợ hệ miễn dịch: vitamin C và chất xơ trong củ khoai lang đỏ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, chống lại viêm nhiễm và các bệnh lý do suy yếu hệ miễn dịch gây nên.
- Giảm nguy cơ tiểu đường: chỉ số đường huyết trong củ khoai lang thấp hơn so với khoai tây nên sẽ giúp kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ tiểu đường type 2.
- Tăng cường sức đề kháng: vitamin C và chất chống oxy hóa có trong khoai lang giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, ngăn ngừa các bệnh lý gây nên bởi tác động của các gốc tự do.
- Cung cấp năng lượng: vitamin nhóm B trong củ khoai lang giúp cơ thể tạo ra năng lượng từ cho sức khỏe tinh thần và khả năng vận động của cơ bắp.
- Chất xơ cho hệ tiêu hóa: chất xơ trong củ khoai lang cải thiện quá trình tiêu hóa và duy trì sự cân bằng nước đường ruột nên giảm nguy cơ bị táo bón.
Một số công dụng của củ khoai lang đối với sức khỏe
3. Cách chế biến khoai lang cho bữa ăn gia đình
Củ khoai lang có thể được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như:
- Khoai lang nướng: đây là cách nhiều người lựa chọn để thưởng thức hương vị ngọt ngào của củ khoai lang. Rất đơn giản, bạn chỉ cần để nguyên củ khoai lang đã được rửa sạch đất rồi nướng âm ỉ trên bếp than củi cho đến khi khoai lang chín xém đều hết bề mặt vỏ là được.
- Khoai lang hấp: với cách này, củ khoai lang sẽ giữ nguyên được hương vị và giá trị dinh dưỡng.
- Khoai lang chiên giòn: đây là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Để làm món khoai lang chiên giòn bạn hãy thái khoai lang thành lát mỏng, ngâm qua nước chanh hoặc nước muối rồi chiên trên chảo dầu nóng.
- Canh khoai lang: củ khoai lang có thể được sử dụng nấu canh bằng cách kết hợp với các loại rau, thịt và gia vị khác để tạo nên một món canh thơm ngon và bổ dưỡng.
- Món tráng miệng từ khoai lang: dùng khoai lang trong các món tráng miệng như bánh khoai lang, kem khoai lang, hoặc bánh pudding khoai lang cũng rất hấp dẫn.
Dù là giống khoai nào thì của khoai lang vẫn mang trong mình rất nhiều giá trị dinh dưỡng cho cơ thể khỏe mạnh. Có rất nhiều cách chế biến khoai lang mà bạn có thể chọn theo mục đích và sở thích ăn uống của mình. Vì thế, hãy mạnh dạn thêm loại củ này vào thực đơn của mình để chế biến và thưởng thức, tin rằng bạn sẽ thấy lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn.
BS Vân đã duyệt
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!