Các tin tức tại MEDlatec

Dấu hiệu viêm gan B qua các giai đoạn và hướng điều trị

Ngày 01/03/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Viêm gan B là một trong những bệnh lý nhiễm trùng gan thường gặp nhất hiện nay. Bệnh có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng và thậm chí đe dọa đến tính mạng. Chính vì vậy, việc nắm rõ các dấu hiệu viêm gan B là thực sự cần thiết để phát hiện bệnh kịp thời.

1. Nhận biết dấu hiệu viêm gan B qua các giai đoạn

Viêm gan B do virus HBV gây nên. Chủng virus này có thể lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và lây từ mẹ sang con. Khoảng thời gian ủ bệnh thường kéo dài khoảng 1 - 6 tháng.

Virus HBV tấn công cơ thể và hình thành bệnh lý viêm gan B

Những người bị nhiễm virus gây bệnh trong 6 tháng đầu thường được xác định là bệnh cấp tính. Sau khoảng thời gian trên, nếu bệnh nhân không được phát hiện cũng như được điều trị đúng cách thì bệnh sẽ phát triển thành mạn tính, lâu dài có thể gây hậu quả nguy hiểm và việc điều trị cũng phức tạp hơn. 

1.1. Dấu hiệu ở giai đoạn cấp tính

Phần lớn các trường hợp bị viêm gan B cấp tính sẽ không có các triệu chứng rõ ràng. Hoặc nếu có thì những dấu hiệu viêm gan B ở giai đoạn này cũng khá mơ hồ, khiến bệnh nhân có phần chủ quan. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp bệnh có những triệu chứng khiến người bị bệnh phải nhập viện điều trị.

Những bệnh nhân bị viêm gan B cấp tính có hệ miễn dịch tốt thì có thể tự đào thải virus này ra khỏi cơ thể. Sau đó khoảng vài tháng, cơ thể sẽ tự động phục hồi mà không có di chứng nào đáng lo ngại.

Ở thể cấp tính, một số người có thể gặp những dấu hiệu như:

●       Cơ thể mệt mỏi.

●       Cảm giác chán ăn.

●       Nôn mửa.

●       Sốt cao.

●       Các triệu chứng khá giống bệnh cúm thông thường: Nghẹt mũi, đau đầu, tiêu chảy,...

Dấu hiệu viêm gan B cấp tính thường khá nhẹ nhàng, triệu chứng có thể gặp như đau đầu, nhức mỏi, tiêu chảy,...

1.2. Dấu hiệu ở giai đoạn mạn tính

Đây là giai đoạn cho thấy gan bị nhiễm trùng với thời gian dài hơn 6 tháng. Những bệnh nhân có hệ miễn dịch kém sẽ không thể tự đào thải virus ra khỏi cơ thể. Thay vào đó, những con virus này sẽ tồn tại ở trong máu, gan của người bệnh và âm thầm phát triển. Một vài dấu hiệu viêm gan B mạn tính mà bệnh nhân cần lưu ý như:

●       Cơ thể mệt mỏi nhiều, làn da xanh hơn.

●       Cảm thấy chán ăn, không ngon miệng.

●       Bị buồn nôn hoặc nôn mửa.

●       Nước tiểu sẫm màu.

●       Xương khớp bị đau nhức.

●       Hạ sườn bên phải bị đau.

●       Phân có màu đen.

●       Rối loạn tiêu hóa.

●       Chướng bụng hoặc phù chân.

●       Xuất huyết ở bên dưới da.

●       Nguy hiểm hơn có thể bị hôn mê.

Bước sang giai đoạn mạn tính, các triệu chứng bệnh lý dần rõ ràng hơn

2. Các con đường lây truyền

Virus HBV là nguyên nhân gây nên bệnh viêm gan B. Đường lây nhiễm của loại virus này khá giống với virus HIV nhưng mức độ lây nhiễm cao hơn.

2.1. Lây truyền qua đường máu

●       Sử dụng chung kim tiêm (nhất là khi tiêm chích ma túy).

●       Khi nhận truyền máu hoặc những chế phẩm từ máu đã bị nhiễm virus.

●       Dùng lại các dụng cụ y tế không được khử trùng.

●       Xăm mình hoặc xỏ khuyên, làm nail, các thủ thuật y tế,... không đảm bảo an toàn.

●       Dùng chung các đồ dùng cá nhân với người bệnh.

2.2. Lây từ mẹ sang con

Những mẹ bầu đang bị nhiễm virus viêm gan B có thể lây cho con. Tỷ lệ lây bệnh thường sẽ tùy thuộc vào thời điểm mẹ bầu bị nhiễm virus gây bệnh. Nếu người mẹ bị nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu thì khả năng lây truyền virus sang con chỉ khoảng 1%.

Nếu mẹ bị nhiễm bệnh trong khoảng tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 của thai kỳ thì khả năng em bé bị nhiễm bệnh chiếm khoảng 10%. Trong trường hợp, mẹ nhiễm bệnh vào 3 tháng cuối của thai kỳ thì tỷ lệ con nhiễm virus chiếm 60%. Sau khi sinh, nếu không có biện pháp bảo vệ phù hợp thì tỷ lệ con bị nhiễm bệnh lên đến 90%.

Em bé có thể bị nhiễm virus HBV khi còn ở trong bụng mẹ

2.3. Lây nhiễm khi quan hệ tình dục không an toàn

Virus HBV hoàn toàn có thể lây nhiễm qua đường tình dục không an toàn do tiếp xúc trực tiếp với tinh dịch, máu hoặc dịch âm đạo của người đã nhiễm bệnh. Bệnh lý này thường không lây nhiễm qua các tiếp xúc ngoài da thông thường như bắt tay, ôm, ho, hắt hơi,...

3. Sự nguy hiểm của bệnh viêm gan B

Sau khi tìm hiểu về các dấu hiệu viêm gan B thì điều mà mọi người quan tâm chính là mức độ nguy hiểm của bệnh lý này. Có thể khẳng định rằng viêm gan B vô cùng nguy hiểm. Đa số các trường hợp bị nhiễm bệnh đều khá chủ quan trong giai đoạn khởi phát bệnh vì không có nhiều triệu chứng cụ thể. Cho đến khi được phát hiện, bệnh đã bước vào giai đoạn mạn tính và cần điều trị ngay lập tức.

Viêm gan B mạn tính sẽ khiến người bệnh gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm như bị suy gan, xơ gan và thậm chí là ung thư gan. Vì vậy, bệnh nhân cần nắm rõ các triệu chứng ở thời kỳ đầu của bệnh để kịp thời đi khám, phát hiện và có biện pháp điều trị phù hợp nhất.

4. Phương pháp điều trị bệnh viêm gan B

Cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc đặc trị nào dành riêng cho bệnh lý này. Chính vì vậy, đa số các biện pháp chữa trị đều nhằm mục đích hạn chế sự tăng trưởng của virus để bệnh được kiểm soát hiệu quả hơn. Thông qua quá trình điều trị, nguy cơ bị biến chứng cũng được giảm đi đáng kể, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

Các phương pháp điều trị được chỉ định:

●       Thuốc tăng cường miễn dịch cho cơ thể để chống lại các kháng nguyên của virus gây bệnh ở trên bề mặt của các tế bào gan.

●       Thuốc kháng virus: Có tác dụng loại trừ những HBV-DNA. Người bệnh có thể phải duy trì sử dụng thuốc trong nhiều năm hoặc thậm chí là cả đời. Virus HBV có thể hoạt động lại và tái phát bệnh bất cứ khi nào. Vì vậy, việc thăm khám sức khỏe định kỳ là bắt buộc.

●       Ghép gan: Những bệnh nhân bị xơ gan mất bù thường sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện. Tuy nhiên, chi phí ghép gan khá cao và thời gian chờ đợi có thể sẽ lâu vì người bệnh cần tìm được một lá gan khỏe mạnh và tương thích thì mới có thể tiến hành phẫu thuật.

Phẫu thuật cấy ghép gan có thể được chỉ định nếu cần thiết

5. Các biện pháp phòng ngừa bệnh lý

Cho đến nay, tiêm vắc xin vẫn được xem là biện pháp giúp phòng ngừa bệnh lý một cách hiệu quả nhất. Đối với trẻ em, mũi tiêm đầu nên được tiêm sớm trong khoảng 24 giờ sau khi sinh cho bé. Các mũi sau đó có thể tiêm lúc bé được 2 - 3 - 4 tháng tuổi dựa theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Người lớn cũng có thể tiêm vắc xin ngừa viêm gan B theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài tiêm vắc xin, một số biện pháp phòng ngừa khác là:

●       Không sử dụng chung kim tiêm hoặc bất cứ dụng cụ nào đã dính máu hoặc dịch cơ thể của người khác.

●       Đeo găng tay nếu cần phải chạm vào máu hoặc bất cứ vết thương hở nào.

●       Nên chọn lựa các địa chỉ xăm hình, xỏ khuyên uy tín - đảm bảo các dụng cụ thực hiện đều đã được vô trùng.

●       Không sử dụng chung các đồ dùng cá nhân.

●       Quan hệ tình dục an toàn.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi bạn có bất cứ dấu hiệu viêm gan B đáng nghi nào thì nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có phương thức điều trị phù hợp. Một địa chỉ y tế bạn có thể lựa chọn là Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.