Các tin tức tại MEDlatec
Dày sừng nang lông là gì và có chữa dứt điểm được không?
- 08/06/2021 | Điểm danh các loại viêm nang lông và cách phòng ngừa
- 08/05/2021 | Vị trí thường bị kén nang lông và cách điều trị hiệu quả
- 18/05/2021 | Lời khuyên của bác sĩ: Nên làm gì khi bị viêm nang lông?
1. Dày sừng nang lông là gì? Dấu hiệu khi bị dày sừng nang lông
Bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể bị dày sừng nang lông nhưng hay gặp nhất là trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh có khuynh hướng được cải thiện theo độ tuổi, thường vào mùa đông khi độ ẩm không khí thấp sẽ có biểu hiện nặng hơn.
Dấu hiệu cho thấy một người đang bị dày sừng nang lông đó là sự xuất hiện của các tổn thương ở nang lông, nhô lên khỏi bề mặt da. Khi sờ vào sẽ có cảm giác sần sùi và thô ráp. Các vị trí dễ bị dày sừng nang lông nhất: mông, đùi, cánh tay, thậm chí là ở má đối với trẻ em. Đặc điểm nhận dạng cụ thể như sau:
-
Trên da có các nốt sần màu nâu hoặc đỏ, giống như bị phát ban hoặc nổi mụn nhọt;
-
Da khô, ráp như giấy nhám;
-
Khi chạm vào không có cảm giác đau;
-
Thường xuyên bị ngứa.
2. Các nguyên nhân dẫn đến bệnh dày sừng nang lông là gì?
Dày sừng nang lông là do keratin tích tụ gây nên. Đây là một loại protein cứng ở lông và tóc, đóng vai trò bảo vệ da trước những tác nhân gây nhiễm trùng và các chất có hại. Khi các keratin tích tụ sẽ tạo nên nút tế bào chết và khiến nang lông bị chặn vít lại. Ở những người bị dày sừng nang lông khi có quá nhiều nút tế bào sẽ khiến da trở nên sần sùi.
Tích tụ Keratin là nguyên nhân gây dày sừng nang lông
Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân khiến keratin tích tụ dưới da gây dày sừng nang lông là gì. Nhưng có thể xét tới một vài yếu tố sau làm gia tăng nguy cơ dày sừng nang lông:
-
Do di truyền: trong gia đình có người thân bị dày sừng nang lông;
-
Da khô;
-
Hen suyễn;
-
Thừa cân;
-
Viêm da cơ địa (bệnh chàm);
-
Vệ sinh cơ thể không sạch sẽ;
-
Sốt cỏ khô.
3. Cách chữa dứt điểm dày sừng nang lông là gì?
Về cơ bản bệnh dày sừng nang lông không gây tổn hại tới sức khỏe của người bệnh nên cũng không nhất thiết phải điều trị. Bệnh không thể trị dứt điểm, nhưng nếu bệnh đem tới sự phiền toái vì tình trạng khô da, ngứa ngáy, mất thẩm mỹ thì bệnh nhân có thể điều trị cải thiện tình hình bằng những phương pháp như sau:
Tẩy tế bào chết định kỳ:
Tẩy tế bào chết khoảng 1 lần/tuần sẽ giúp bạn giảm bớt tình trạng thô ráp, sần sùi. Bạn có thể lựa chọn phương pháp tẩy tế bào chết như:
-
Biện pháp cơ học: dùng đá cuội chà nhẹ trên bề mặt da (lưu ý cần lựa chọn những viên đá bề mặt nhẵn nhụi, vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng), hoặc xơ mướp, các dụng cụ tẩy tế bào chết chuyên biệt,...
-
Phương án thứ 2 là tẩy tế bào chết bằng các sản phẩm thiên nhiên: bột đậu đỏ, muối tắm,...
-
Dùng sản phẩm chứa axit salicylic, axit alpha-hydroxy, axit lactic,... với công dụng tẩy da chết một cách an toàn và nhẹ nhàng. Nhưng trong một số trường hợp axit có thể gây kích ứng, châm chích hoặc mẩn đỏ. Do đó không nên dùng những sản phẩm cho người da nhạy cảm, đặc biệt là trẻ em.
Tẩy da chết có thể giúp cải thiện tình trạng dày sừng nang lông
Dưỡng ẩm cho da:
Bên cạnh việc tẩy da chết, bạn cũng cần chú trọng dưỡng ẩm cho da vì tình trạng dày sừng có thể nghiêm trọng hơn nếu bạn sở hữu một làn da quá khô. Các loại kem dưỡng ẩm có tác dụng làm mềm các nốt sần, giúp da ngậm nước và làm dịu nhanh những cơn ngứa.
Phần lớn hiện nay các loại kem dưỡng ẩm có chứa thành phần Urea thường được lựa chọn trong điều trị bệnh sừng nang lông. Mỗi ngày, bạn nên thoa kem từ 1 - 2 lần tại vùng da bị dày sừng, nhất là thời điểm sau khi tắm xong vì lúc này da vẫn còn ẩm, lỗ chân lông đang giãn nở nên dễ hấp thụ các thành phần trong kem.
Dùng thuốc bôi:
Muốn làm giảm tình trạng keratin tích tụ và nút tắc nang lông, bạn có thể bôi kem chứa Vitamin A (ví dụ như Retinoid). Nếu da bạn bị viêm đỏ và sần nhiều thì có thể dùng corticoid.
Tuy nhiên những loại thuốc trên cần được sử dụng trong thời gian ngắn theo chỉ dẫn của bác sĩ vì có thể gây nên một số tác dụng phụ như làm khô da, gây kích ứng. Đặc biệt phụ nữ có thai, đang cho con bú hoặc có kế hoạch mang thai không nên dùng.
Điều trị dày sừng nang lông bằng laser:
Trong trường hợp bị dày sừng nang lông nghiêm trọng và không thuyên giảm sau khi đã chữa bằng thuốc bôi và kem dưỡng ẩm, người bệnh cần được hỗ trợ điều trị bằng phương pháp laser. Laser là phương pháp giúp cải thiện kết cấu của da, giảm tình trạng viêm sưng, mẩn đỏ.
Công cuộc điều trị bệnh dày sừng nang lông cần sự kiên nhẫn và thời gian. Các biện pháp chữa chỉ mang tính chất tạm thời vì bệnh không khỏi dứt điểm được, do vậy bạn cần duy trì việc điều trị để cải thiện tình trạng này.
4. Các lưu ý chăm sóc da tại nhà khi bị dày sừng nang lông
Một số cách dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế những biểu hiện khó chịu và nguy cơ tái phát của bệnh dày sừng nang lông:
-
Tránh tắm nước quá nóng. Thay vào đó nên duy trì nước tắm ở mức nhiệt độ ấm, vừa phải, mát dịu;
-
Hạn chế thời gian tắm quá lâu (không nên tắm quá 20 phút) để da không bị khô;
-
Tẩy tế bào chết đúng cách và dưỡng ẩm da thường xuyên;
-
Nên dùng sữa tắm hoặc xà phòng có nguồn gốc thiên nhiên, không gây kích ứng, đặc biệt là những loại dành cho da nhạy cảm;
-
Khi tắm không chà xát da quá mạnh vì có thể làm cho tình trạng dày sừng nang lông càng trở nên nghiêm trọng hơn;
-
Mặc trang phục thoải mái, thoáng khi. Không nên mặc quần áo bó quá chật khiến da bị ma sát nhiều dẫn tới trầy xước;
-
Khi ra ngoài nên che chắn cẩn thận, tránh tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời;
Chú ý chăm sóc da tại nhà sẽ giúp da bạn trở nên mịn màng hơn
Trên đây là một số chia sẻ từ chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC về tình trạng dày sừng nang lông. Đây không phải là một bệnh lý nguy hiểm nhưng cũng gây nên một số phiền toái trong sinh hoạt và khiến người bệnh cảm thấy tự ti về làn da không được mịn màng. Để được chẩn đoán về bệnh dày sừng nang lông hoặc những vấn đề sức khỏe khác, quý bạn đọc hãy liên hệ ngay với MEDLATEC qua tổng đài 1900565656.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!