Các tin tức tại MEDlatec

Đề kháng thành bụng: Quy trình thực hiện và ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh viêm phúc mạc?

Ngày 18/04/2025
Tham vấn y khoa: BS. Phạm Văn Quang
Viêm phúc mạc là bệnh lý nội khoa cần được cấp cứu nhanh chóng để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Một trong những dấu hiệu lâm sàng đóng vai trò chẩn đoán bệnh lý này là đề kháng thành bụng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết kiểm tra đề kháng thành bụng diễn ra thế nào và có ý nghĩa gì đối với chẩn đoán bệnh viêm phúc mạc.

1. Khái quát về bệnh viêm phúc mạc

Phúc mạc là phần bao bọc mọi cơ quan trong ổ bụng và hố chậu, cấu tạo gồm 2 lớp:

- Lớp thanh mạc: Có chức năng tiết dịch nhằm bôi trơn bề mặt phúc mạc, giúp các cơ quan trong ổ bụng di chuyển trơn tru và giảm ma sát khi cử động.

- Lớp trong: Chứa mô sợi liên kết, để tăng độ chắc chắn và độ đàn hồi cho phúc mạc.

viêm phúc mạc là tình trạng viêm xảy ra ở lớp màng bao phủ trong bụng và các cơ quan nội tạng. Nguyên nhân của bệnh lý này thường xuất phát từ viêm ruột thừa, nhiễm trùng sau phẫu thuật, thủng túi mật, bệnh viêm loét đại tràng gây thủng hoặc dò, sinh ra bệnh viêm phúc mạc, bệnh Crohn hoặc các tổn thương nội tạng khác. 

Viêm phúc mạc gây đau bụng dữ dội cho bệnh nhân

2. Đề kháng thành bụng trong bệnh viêm phúc mạc: Quy trình thực hiện và ý nghĩa chẩn đoán

2.1. Đề kháng thành bụng là gì?

Đề kháng thành bụng là tình trạng cơ thành bụng phát sinh phản ứng co để chống lại lực khám của bác sĩ khi dùng tay ấn nhẹ vào bụng người bệnh.

Đề kháng thành bụng được biểu hiện bằng sự căng cứng thớ cơ thành bụng giống như khi lên gân bụng. Khi phản ứng này xuất hiện, người bệnh sẽ biểu hiện sự đau đớn trên khuôn mặt và có hành động đối kháng như giữ tay bác sĩ lại, gạt tay bác sĩ ra,… Phản ứng này là kết quả từ phản xạ của thành bụng để bảo vệ các tạng bên trong trước tổn thương.

2.2. Đề kháng thành bụng trong bệnh viêm phúc mạc xảy ra như thế nào?

Đối với trường hợp viêm phúc mạc, đề kháng thành bụng là dấu hiệu lâm sàng giúp các bác sĩ có thêm thông tin sàng lọc và chẩn đoán, nhất là trường hợp nhiễm trùng lan tỏa nhanh chóng.

Phúc mạc bị viêm kích thích cung phản xạ khiến cơ thành bụng co lại. Lúc này, thần kinh bản thể phân phối các sợi thần kinh cho phúc mạc thành để xuất hiện cơn đau nhói khu trú. Do phúc mạc bị viêm nên các nơron cảm giác bản thể bị kích thích, truyền qua thần kinh ở tủy sống và synapse ở sừng sau tủy sống. Thần kinh ở khu vực này được nối liền với nơron vận động ở sừng trước tủy sống từ đó làm xuất hiện cơn co khu trú ở cơ thành bụng. Khi phản xạ đi lên não, người bệnh không kiểm soát được nên sẽ có cơn co thành bụng ngoài chủ đích.

2.3. Quy trình thăm khám đề kháng thành bụng chẩn đoán bệnh viêm phúc mạc

Quy trình kiểm tra đề kháng thành bụng được bác sĩ thực hiện như sau:

- Bước 1: Người bệnh nằm ở tư thế ngửa, bên dưới đầu có kê gối, kéo áo để lộ vùng bụng từ vị trí của xương ức đến hai nếp bẹn, hai tay để xuôi theo hai bên người, hai chân co để cơ thành bụng giãn tối đa.

- Bước 2: Bác sĩ thực hiện thao tác ấn nông vào vị trí nghi ngờ bị viêm phúc mạc. Độ sâu của vùng ấn chỉ khoảng 2 - 3cm (với thành bụng mỏng) hoặc độ vừa tới lớp cơ bụng (với thành bụng dày, nhiều mỡ). 

- Bước 3: Bác sĩ quan sát biểu hiện của bệnh nhân trong quá trình được ấn bụng. Nếu ấn nông thấy bệnh nhân đau, bác sĩ sẽ tiến hành ấn sâu hơn, lúc này bệnh nhân sẽ thấy đau nhiều hơn nên phản ứng bằng cách gồng bụng lên để cản lại lực ấn từ tay bác sĩ. Phản ứng đó gọi là đề kháng thành bụng, có thể xảy ra ở một vùng cố định nhưng cũng có thể xuất hiện ở khắp vùng bụng.

Từ quá trình kiểm tra trên, nếu hệ thống cơ thành bụng co cứng liên tục, người bệnh phản ứng lại và kêu đau tức là dương tính với đề kháng thành bụng, thường gặp trong bệnh viêm phúc mạc.

Người bệnh được bác sĩ kiểm tra đề kháng thành bụng chẩn đoán viêm phúc mạc

3. Các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán viêm phúc mạc khác

3.1. Chẩn đoán phân biệt

Phản ứng đau trong kiểm tra đề kháng thành bụng ở mỗi bệnh nhân có thể khác nhau tùy vào thành phần bên trong ổ bụng:

- Nếu là axit: Thành bụng gồng cứng.

- Nếu là phân: Thành bụng phản ứng rất mạnh.

- Nếu là nước tiểu: Thành bụng phản ứng yếu. 

- Vỡ gan, lách: Máu từ gan tổn thương có thể kèm dịch mật, khiến thành bụng phản ứng mạnh hơn.

- Máu vỡ thai ngoài tử cung: Thành bụng phản ứng yếu hơn vì đây là máu sạch.

Để tránh tình trạng đề kháng thành bụng giả tạo do người khám bệnh gây nên, trước khi khám, bác sĩ cần làm ấm bàn tay của mình bằng cách áp sát toàn bộ bàn tay lên bụng. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ so sánh tình trạng thành bụng bên đau với bên đối diện.

3.2. Chẩn đoán cận lâm sàng khác

Khi chẩn đoán đề kháng thành bụng dương tính, để đưa ra kết luận chính xác, bác sĩ sẽ chỉ định các chẩn đoán hỗ trợ như siêu âm hoặc chụp CT-Scanner vùng bụng, khung chậu để tìm kiếm dấu hiệu thủng tạng ổ bụng.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm công thức máu để xác định tình trạng tăng bạch cầu do viêm hoặc xét nghiệm cấy máu để xác định tác nhân gây viêm nhiễm.

4. Điều trị viêm phúc mạc bằng cách nào?

Phương án điều trị bệnh viêm phúc mạc sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa trên mức độ viêm của bệnh nhân, có thể bao gồm:

- Điều trị thuốc kháng sinh nhằm mục đích ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng.

- Phẫu thuật dẫn lưu ổ áp xe qua da với mục đích gia tăng khả năng kháng khuẩn. 

- Phẫu thuật cắt bỏ mô nhiễm trùng nếu nguyên nhân viêm do vỡ ruột thừa, ruột già, dạ dày,...

- Phương pháp hỗ trợ điều trị khác: giảm đau, truyền dịch tĩnh mạch, truyền máu, thở oxy,...

Bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị cho bệnh nhân sau khi có kết quả chẩn đoán viêm phúc mạc

Như vậy, đề kháng thành bụng là dấu hiệu lâm sàng quan trọng để bác sĩ nhận biết sớm viêm phúc mạc để có biện pháp chẩn đoán xác định, điều trị kịp thời.

Nếu có dấu hiệu đau bụng dữ dội, sốt,... quý khách hàng hãy liên hệ ngay Hotline 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa, kịp thời chẩn đoán để điều trị ngăn chặn biến chứng do viêm phúc mạc gây ra.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.