Các tin tức tại MEDlatec

Điểm danh 5 nhóm thuốc giảm đau thần kinh phổ biến nhất

Ngày 02/08/2024
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Thuốc giảm đau thần kinh gồm nhiều loại. Tùy theo tình trạng bệnh lý, mức độ cơn đau, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng loại thuốc phù hợp. Sau đây là thông tin về 5 nhóm thuốc giảm đau thần kinh được sử dụng nhiều hiện nay, bạn đọc có thể tham khảo.

1. Thuốc giảm đau thần kinh là gì? 

Đau thần kinh là hệ quả của bệnh lý thần kinh mạn tính. Ngoài ra, tình trạng chấn thương hoặc nhiễm trùng cũng có thể gây đau thần kinh. Cơn đau thường xuất hiện theo hướng bất chợt, khiến người bệnh gặp phải không ít khó chịu. 

Một số loại thuốc giúp giảm đau thần kinh

Tập vật lý trị liệu, chườm nóng hoặc chườm lạnh, thực hiện bài tập kéo giãn, dùng thuốc giảm đau, phẫu thuật,... là một số phương pháp điều trị chứng đau thần kinh hay được áp dụng. 

Trong đó, thuốc giảm đau thần kinh không giống với các loại thuốc giảm đau thông thường, cụ thể hơn, những loại thuốc hỗ trợ giảm đau thông thường gần như không có hiệu quả với người bị đau thần kinh. Thay vào đó, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng một số loại thuốc đặc biệt như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật, thuốc giảm đau tại chỗ,... tùy tình trạng bệnh lý.

2. Một số loại thuốc giảm đau thần kinh phổ biến 

2.1. Thuốc chống trầm cảm

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng thuốc chống trầm cảm để giảm đau thần kinh. Những loại thuốc này có khả năng hỗ trợ giảm cơn đau, giúp người bệnh dễ chịu hơn. 

Thuốc chống trầm cảm có khả năng làm giảm triệu chứng đau thần kinh

Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA) và thuốc ức chế tái hấp thụ SNRI là hai nhóm thuốc chống trầm cảm phổ biến được dùng cho người bị đau thần kinh. Ngoài ra, một vài loại thuốc ức chế tái hấp thụ SSRI cũng được cho là có tác dụng giảm đau thần kinh nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để khẳng định tác dụng này. 

2.2. Thuốc chống co giật

Thuốc chống co giật là những loại thuốc giúp kiểm soát, làm giảm tác động của cơn động kinh. Bên cạnh đó, loại thuốc này cũng được cho là có tác dụng giảm đau thần kinh, thường được dùng nhiều cho những người bị đau dây thần kinh. 

Thuốc chống co giật thường gây tác dụng phụ là buồn nôn

Gabapentin Oids, Gabapentin, Topiramate,... thường dùng trong điều trị hỗ trợ giảm đau thần kinh. Cho đến nay, người ta vẫn chưa biết chính xác vì sao một số loại thuốc chống co giật lại có thể giúp giảm đau thần kinh. Tuy nhiên theo một vài nhà nghiên cứu, nhóm thuốc này có khả năng can thiệp vào quá trình truyền tín hiệu đau, giúp người bệnh giảm triệu chứng đau. 

Tuy nhiên, thuốc chống co giật lại có thể gây ra một số tác dụng phụ như táo bón, mất tập trung, buồn ngủ, nôn ói,... Nếu dùng trong thời kỳ mang thai, nhóm thuốc này dễ gây dị tật cho thai nhi nên không được chỉ định cho phụ nữ mang thai. 

2.3. Thuốc giảm đau tác dụng tại chỗ

Bên cạnh thuốc uống, nhiều hãng dược đã tung ra thị trường một số loại thuốc giảm đau tại chỗ theo dạng bôi, miếng dán,... Những loại thuốc này phát huy tác dụng giảm đau khá tốt nếu như vùng đau chưa lan rộng, cơn đau chỉ xuất hiện cục bộ. 

Miếng dán hỗ trợ giảm đau tại chỗ

Thế nhưng cần lưu ý rằng thuốc giảm đau tại chỗ đôi khi dễ gây tác dụng phụ tại vùng da bôi thuốc. Hơn nữa, nếu vùng da bị đau đang tổn thương, bạn cũng không được dùng loại thuốc này. Ngoài ra trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần chú ý rửa sạch tay trước và sau khi bôi hoặc dán thuốc. 

2.4. Thuốc giảm đau thuộc nhóm Opioid

Thuốc giảm đau thuộc nhóm Opioid thường được chỉ định khi người bệnh gặp phải cơn đau thần kinh nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy rằng nhóm thuốc này phát huy khá hiệu quả tác dụng giảm đau dây thần kinh như thuốc chống trầm cảm và thuốc chống co giật. 

Tuy vậy, các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm Opioid thường gây tác dụng phụ lên hệ thần kinh, đường ruột, thậm chí là gây nghiện. Vậy nên, chỉ khi không còn lựa chọn nào khác, bác sĩ mới chỉ định cho người bị đau thần kinh dùng loại thuốc này. 

2.5. Thuốc chống viêm không chứa steroid

Các loại thuốc chống viêm không chứa Steroid có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm. Chúng là những loại thuốc không kê đơn thường được điều chế theo dạng kem bôi, gel, miếng dán. 

Mặc dù không nằm trong nhóm thuốc kê đơn nhưng người bệnh vẫn nên thận trọng khi sử dụng nhóm thuốc chống viêm này. Bởi trong một vài trường hợp, chúng có thể gây tác dụng phụ. Hơn nữa, các loại thuốc chống viêm không chứa Steroid thường chỉ có tác dụng tạm thời, không tác động đến nguồn gốc cơn đau. 

3. Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau thần kinh 

Thuốc giảm đau thần kinh trên thị trường hiện nay tương đối đa dạng. Thế nhưng không vì vậy mà người bệnh chủ quan, tự ý mua về dùng khi chưa thăm khám và chưa tham khảo ý kiến bác sĩ. Bởi bên cạnh tác dụng giảm đau, hầu hết các loại thuốc vẫn có thể gây tác dụng phụ không mong muốn. 

Người bệnh nên tham khảo tư vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc

Để đảm bảo an toàn, điều trị giảm triệu chứng cơn đau thần kinh một cách hiệu quả, trước tiên, người bệnh cần đi khám, tham khảo tư vấn điều trị của bác sĩ. Trường hợp được chỉ định dùng thuốc thì phải nghiêm túc tuân thủ hướng dẫn về liều dùng, thời gian dùng thuốc (tuyệt đối không tự ý tăng hay giảm liều dùng). 

Trong quá trình dùng thuốc nếu nhận thấy tác dụng phụ ảnh hưởng đến cơ thể, không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ và tái khám. 

Thông tin về những loại thuốc giảm đau thần kinh vừa tổng hợp trên đây chỉ có tính chất tham khảo. Vì vậy, bạn tuyệt đối không nên tự ý mua về dùng nếu chưa khám xét, tham khảo tư vấn của bác sĩ. Nếu đang bị cơn đau thần kinh hành hạ, bạn có thể tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ kiểm tra, thăm khám và điều trị. Một địa chỉ bạn có thể tham khảo là chuyên khoa Thần kinh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách có thể liên hệ đường dây tư vấn 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ. 

Từ khoá: thuốc giảm đau

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.