Các tin tức tại MEDlatec

Dùng thuốc trị nấm ngoài da cho bà bầu như thế nào?

Ngày 15/04/2025
Tham vấn y khoa: BS Nguyễn Thu Trang
Mang thai là giai đoạn cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi lớn về nội tiết tố, hệ miễn dịch và sinh lý da, dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh da liễu, trong đó có nấm da. Tuy nhiên, việc lựa chọn thuốc điều trị cần hết sức thận trọng để tránh ảnh hưởng tới mẹ và bé. Vậy nên dùng thuốc trị nấm ngoài da cho bà bầu như thế nào nhằm đảm bảo an toàn thai kỳ?

1. Bệnh nấm ngoài da ở phụ nữ mang thai 

Những thay đổi sinh lý của cơ thể phụ nữ trong thời kỳ mang thai dễ dẫn tới nguy cơ mắc bệnh nấm ngoài da. Một số nguyên nhân chính khiến mẹ bầu bị nấm ngoài da, bao gồm:

  • Thay đổi nội tiết tố khi mang thai làm tăng cao nồng độ hormone estrogen và progesterone, từ đó làm thay đổi cấu trúc da, tăng tiết dầu và mồ hôi, tạo điều kiện lý tưởng cho vi nấm phát triển.
  • Để bảo vệ thai nhi, hệ miễn dịch của mẹ bầu có xu hướng giảm hoạt động, điều này khiến cơ thể mẹ dễ bị nhiễm nấm hơn.
  • Các vùng nếp gấp da (như vùng bẹn, dưới ngực, kẽ ngón chân, tay) thường xuyên ẩm ướt do mồ hôi và tiết dầu nhiều hơn. Nếu mẹ bầu không vệ sinh sạch sẽ, vi nấm có thể phát triển nhanh chóng và gây nấm da. 
  • Nấm da ở mẹ bầu có thể do dùng chung khăn tắm, quần áo, giày dép với người bị nấm.
  • Một số mẹ bầu phải sử dụng kháng sinh trong thai kỳ, từ đó làm mất cân bằng hệ vi khuẩn tự nhiên trên da, tạo điều kiện cho nấm phát triển.

Vi nấm ký sinh trên da, tóc, móng,… phát triển mạnh khi có môi trường thuận lợi gây bệnh nấm da

2. Triệu chứng của nấm ngoài da ở bà bầu

Triệu chứng của nấm ngoài da có thể khác nhau tùy vào loại vi nấm gây bệnh và vị trí nhiễm nấm, có thể kể đến như:

  • Nấm da (Dermatophytosis): Biểu hiện ở mẹ bầu thường xuất hiện vết đỏ, có vảy bong tróc, có thể hình vòng tròn, gây ngứa nhiều.
  • Nấm candida (nấm men): Nấm candida xuất hiện ở nếp gấp da, có màu đỏ tươi, bề mặt bóng kèm theo cảm giác ngứa rát, có thể chảy dịch trắng.
  • Nấm móng: Khi mẹ bầu bị nấm móng, móng tay/móng chân bị dày lên, giòn, dễ gãy, đổi màu vàng hoặc trắng đục.
  • Nấm da đầu: Nấm da đầu ở phụ nữ mang thai có biểu hiện vùng da bong tróc, có thể gây rụng tóc từng mảng.

Triệu chứng của nấm ngoài da có thể khác nhau tùy vào loại vi nấm gây bệnh và vị trí nhiễm nấm

3. Thuốc trị nấm ngoài da cho bà bầu

Sử dụng thuốc trị nấm ngoài da cho bà bầu cần cẩn trọng để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho mẹ và thai nhi. Việc sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ, ưu tiên thuốc bôi ngoài da thay vì thuốc uống để hạn chế tác động toàn thân.

3.1. Thuốc bôi trị nấm an toàn cho bà bầu

Các loại thuốc bôi có khả năng kháng nấm, giảm viêm và hạn chế lây lan nấm, có thể sử dụng được trong thai kỳ bao gồm:

Clotrimazole

  • Công dụng: Clotrimazole giúp ức chế tổng hợp ergosterol – thành phần quan trọng của màng tế bào nấm, khiến nấm bị tiêu diệt. Thuốc bôi này được chỉ định trong điều trị nấm da, nấm bẹn, nấm candida.
  • An toàn thai kỳ: Xếp loại B theo FDA.
  • Cách dùng: Rửa sạch vùng da bị nấm rồi lau khô. Thoa một lớp mỏng thuốc lên vùng da bị tổn thương 2 lần/ngày, dùng trong 2 - 4 tuần. 
  • Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ thường gặp như ngứa nhẹ, kích ứng da thoáng qua.

Miconazole

  • Công dụng: Miconazole có tác dụng phá vỡ màng tế bào nấm, ngăn chặn sự phát triển của nấm, từ đó điều trị nấm da, nấm candida, nấm bẹn.
  • An toàn thai kỳ: FDA nhóm B, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng.
  • Cách dùng: Bôi thuốc 1 - 2 lần/ngày trong ít nhất 2 - 4 tuần để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Tác dụng phụ: Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị kích ứng nhẹ, nóng rát tại chỗ.

Ketoconazole

  • Công dụng: Ketoconazole có tác dụng ức chế enzyme tổng hợp ergosterol, tiêu diệt tế bào nấm.
  • An toàn thai kỳ: FDA nhóm C – có bằng chứng về nguy cơ gây hại, chỉ dùng khi thực sự cần thiết.
  • Cách dùng: Bôi thuốc 1 lần/ngày, kéo dài 2 - 6 tuần. Tuy nhiên không bôi diện rộng và trong thời gian dài để tránh hấp thu vào máu và gây tác dụng toàn thân. 

Các loại thuốc bôi có khả năng kháng nấm, giảm viêm, và hạn chế lây lan nấm

3.2. Thuốc uống trị nấm ngoài da cho bà bầu

Hầu hết các kháng sinh chống nấm đều có nguy cơ gây hại trên phụ nữ có thai, chính vì vậy, bạn không được tự ý sử dụng thuốc mà cần có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị phù hợp nhất. Một số loại thuốc uống chống nấm tham khảo (không tự ý dùng):

Fluconazole

Fluconazole có tác dụng ức chế enzyme, ngăn chặn sự phát triển của nấm, tác dụng điều trị nấm candida lan rộng hoặc nấm móng nặng. Tuy nhiên, Fluconazole thuộc nhóm FDA nhóm C, có thể gây dị tật thai nhi nếu dùng liều cao, cần cân nhắc kỹ trước khi dùng. Mẹ bầu không nên tự ý dùng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh đó, các loại thuốc như Griseofulvin, Terbinafin bị chống chỉ định cho điều trị nấm ngoài da ở phụ nữ mang thai, vì có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh. Do đó, mẹ bầu không nên tự ý sử dụng thuốc.

Thuốc trị nấm dạng uống chỉ được bác sĩ chỉ định dùng khi thật sự cần thiết

4. Cách phòng ngừa nấm ngoài da cho mẹ bầu

Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh và tái phát, mẹ bầu cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, tắm rửa bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ để loại bỏ vi khuẩn, vi nấm trên da. 
  • Giữ da khô thoáng, lau khô các vùng dễ ẩm ướt như nếp gấp da vùng bẹn, dưới ngực, kẽ ngón tay, chân,...
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, ưu tiên chất liệu cotton giúp thấm hút mồ hôi tốt. Thay quần áo khi ra mồ hôi nhiều, hạn chế đồ bó sát, đặc biệt là quần lót ôm chặt vì có thể gây tích tụ độ ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm sinh sôi.
  • Mẹ bầu cần tránh dùng chung khăn tắm, quần áo, tất, giày dép với người khác để hạn chế lây nhiễm nấm. Nếu gia đình có người bị nấm da, cần giặt riêng quần áo và khử trùng đồ dùng cá nhân để tránh lây lan. 
  • Khi nhiễm nấm da, không gãi hoặc chà xát mạnh lên vùng da bị tổn thương để tránh làm lan rộng nấm. Sử dụng kem dưỡng ẩm giúp bảo vệ da, tránh da bị khô, nứt nẻ tạo điều kiện cho vi nấm xâm nhập.
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C (cam, chanh, ổi, bưởi, dâu tây), kẽm, selen để tăng cường hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại vi nấm.
  • Hạn chế ăn đường và thực phẩm chế biến sẵn vì đường có thể thúc đẩy sự phát triển của vi nấm, đặc biệt là nấm candida.
  • Uống đủ nước (2 - 2.5 lít/ngày) để hỗ trợ thải độc tố và duy trì làn da khỏe mạnh.

Nếu có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm nấm ngoài da (ngứa, bong tróc da, nổi vảy, đỏ da…), mẹ bầu nên đi khám sớm để được tư vấn điều trị phù hợp. Đặc biệt, mẹ bầu nên tránh tự ý dùng thuốc trị nấm nếu chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc uống có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về thuốc trị nấm ngoài da cho bà bầu. Mọi thông tin chi tiết cần thăm khám và tư vấn, hãy liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC theo hotline: 1900 56 56 56 để được hỗ trợ tốt nhất.

Từ khoá: hormone Estrogen

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.