Các tin tức tại MEDlatec
Gặp gỡ ThS.BS Phạm Thị Bạch Quí - Người mang trái tim nhiệt huyết với bệnh truyền nhiễm ở miền Tây
- 03/07/2025 | Trung tâm Xét nghiệm - Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Cần Thơ chinh phục thành công chứng chỉ ISO 15189:2022
- 09/11/2015 | MEDLATEC nâng cao chất lượng chẩn đoán bệnh truyền nhiễm qua thành công của Hội nghị
- 30/07/2022 | Chuyên gia truyền nhiễm tư vấn phòng và điều trị cúm
Nghị lực vươn lên của cô học trò vùng quê nghèo miền Tây sông nước
Thạc sĩ Phạm Thị Bạch Quí - hiện đang là bác sĩ tại chuyên khoa Truyền nhiễm thuộc Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Cần Thơ, Hệ thống Y tế MEDLATEC. Bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề nông ở Cần Thơ. Cha mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để lo đủ từng bữa ăn cho 9 anh chị em bà. Dẫu cuộc sống vất vả, khó khăn nhưng cha mẹ bà vẫn đau đáu một mong ước giản dị, đó là cho các con được ăn học đến nơi đến chốn.
Từ nhỏ, ThS.BS Bạch Quí đã thấm thía giá trị của việc học và hiểu rằng, chỉ có con đường tri thức mới giúp bản thân và gia đình vượt qua khó khăn. Cha mẹ bà định hướng cho các con theo học hai nghề cao quý là giáo viên và y, bác sĩ. Không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, các anh chị em bà học hành chăm chỉ. Thành quả ngọt ngào đến khi trong gia đình có chị gái làm giáo viên, bà và 2 anh trai làm bác sĩ.
Chân dung ThS.BS Phạm Thị Bạch Quí đang làm việc tại PKĐK MEDLATEC Cần Thơ
Sự nghiệp của ThS.BS Bạch Quí bắt đầu khi bà tốt nghiệp trường y năm 1990. Bà về công tác tại Trạm Y tế phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ (nay là phường Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) với vai trò y sĩ Sản nhi. Bà hiểu rằng, ngành y là không ngừng học hỏi, tiếp thu càng nhiều kiến thức thì càng giúp ích được cho người bệnh, do đó, song song với quá trình công tác, từ năm 2004-2008, bà đi học bác sĩ đa khoa tại Đại học Y dược TP. Cần Thơ.
Đến năm 2009, bà nhận điều động của đơn vị về công tác tại Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều, làm bác sĩ điều trị HIV/AIDS và nghiện chất.
Sau đó, Sở Y tế tiếp tục điều động bà về công tác tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS. Tại đây, bà kinh qua nhiều vị trí khác nhau như: Trưởng Khoa tư vấn chăm sóc điều trị HIV/AIDS; Trưởng Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất.
Năm 2019, có 5 đơn vị chuyên môn sáp nhập thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Cần Thơ. Bà được điều chuyển về đây công tác và giữ chức vụ Trưởng phòng khám Đa khoa - Chuyên khoa. Dù ở bất cứ vị trí công tác nào hay đơn vị nào, ThS.BS Bạch Quí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhận được sự tín nhiệm của đồng nghiệp và sự tin yêu của người bệnh.
Nữ bác sĩ mang trái tim nhiệt huyết, tận tình vì sức khỏe của người dân miền Tây
Trong suốt nhiều năm gắn bó với chuyên ngành truyền nhiễm, ThS.BS Phạm Thị Bạch Quí đã đồng hành và điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục như: HIV/AIDS, viêm gan virus B, C… trong đó, có những trường hợp để lại ấn tượng sâu sắc không thể nào quên.
Hàng ngàn bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm đã được ThS.BS Bạch Quí khám và điều trị
Nữ bác sĩ kể lại, vào khoảng năm 2010, một bệnh nhân nam 24 tuổi mắc đồng thời bệnh lao, nhiễm HIV/AIDS giai đoạn suy mòn và nghiện chất dạng thuốc phiện. Tại Cần Thơ khi đó triển khai 2 cơ sở điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Gia đình bệnh nhân mong muốn được điều trị bằng Methadone để hạn chế tiêm chích nhưng cơ sở điều trị tại địa phương từ chối vì tình trạng bệnh nhân quá suy kiệt.
Đứng trước sự bất lực của người thân bệnh nhân, bác sĩ Bạch Quí khi ấy đang phụ trách điều trị Methadone tại một quận khác đã quyết định tiếp nhận trường hợp này. Bà cùng gia đình xây dựng kế hoạch điều trị cho bệnh nhân theo từng giai đoạn: khám hằng ngày, hằng tuần để theo dõi dò liều thuốc Methadone, theo dõi tương tác phức tạp giữa thuốc Methadone - lao - ARV, hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng… giúp bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng. Sau 5 năm điều trị kiên trì, bệnh nhân hoàn toàn cai nghiện, có việc làm ổn định và sức khỏe tốt lên.
“Sau nhiều năm, tôi chuyển công tác nhiều lần, bệnh nhân tình cờ gặp lại tôi. Cậu ấy đến chào hỏi, báo cáo tình hình sức khỏe, công việc và chia sẻ những câu chuyện về gia đình… mọi thứ đều tốt lên sau khi được tôi điều trị. Thấy bệnh nhân khỏe mạnh, sống tốt hơn, đó chính là động lực để tôi làm việc không thấy mệt mỏi”, ThS.BS Bạch Quí bày tỏ.
Không chỉ đối diện với những ca bệnh nguy hiểm, phức tạp, ThS.BS Bạch Quí còn là nhân chứng và là người trong cuộc của nhiều giai đoạn chống dịch cam go, trong đó áp lực nhất là đợt bùng phát COVID-19 năm 2021. Khi cả thành phố Cần Thơ phong tỏa, bà cùng đồng nghiệp tại CDC TP. Cần Thơ vừa phải căng mình chống dịch, vừa phải lo sao cho hàng trăm bệnh nhân HIV được cấp phát thuốc đầy đủ. Mục tiêu “không để ai bị thiếu thuốc” bà cùng các đồng nghiệp đã giúp hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân duy trì được điều trị liên tục, an toàn.
Nữ bác sĩ luôn tận tâm, tận tình vì sức khỏe người dân
Điều khiến ThS.BS Bạch Quí gắn bó sâu sắc với chuyên ngành Truyền nhiễm suốt nhiều năm không chỉ là y đức mà còn là sự thấu cảm. Bà từng chứng kiến nhiều bệnh nhân trẻ, lúc đầu biết nhiễm bệnh gần như tuyệt vọng, sau đó điều trị ổn định đã lập gia đình, sinh con khỏe mạnh.
“Người mắc bệnh truyền nhiễm thường mặc cảm, có người tự kỳ thị chính mình, buông xuôi cho số phận. Tuy nhiên, khi họ gặp được người đồng cảm, biết lắng nghe, động viên và không phán xét thì họ sẽ dần mở lòng, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn gặp phải và cùng nhau bàn bạc, lập kế hoạch điều trị, từ đó, bệnh nhân có ý thức quan tâm sức khỏe hơn, biết phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng hơn… Đó là những điều giản dị nhưng tiếp thêm động lực cho tôi yêu nghề, yêu chuyên khoa mà mình đã chọn”, ThS.BS Bạch Quí chia sẻ.
Và có lẽ, lý do lớn nhất khiến ThS.BS Bạch Quí vẫn gắn bó với y tế miền Tây suốt ngần ấy năm chính là hai chữ “quê hương”. Sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ, bà hiểu đặc điểm dịch tễ đặc thù của vùng sông nước, nơi có đời sống giao lưu nhộn nhịp, song các bệnh truyền nhiễm như: HIV/AIDS, viêm gan B, C… vẫn âm thầm lây lan trong cộng đồng. Chính sự nguy hiểm ấy khiến bác sĩ Bạch Quí luôn day dứt và thôi thúc bà tiếp tục ở lại, cống hiến cho vùng đất đã nuôi dưỡng mình nên người.
Đến với MEDLATEC tiếp tục sứ mệnh chăm lo sức khỏe cộng đồng
Sau nhiều năm công tác trong ngành y, năm 2022, Ths.BS Bạch Quí nghỉ hưu theo chế độ. Đúng thời điểm này, Hệ thống Y tế MEDLATEC triển khai mở Phòng khám Đa khoa MEDLATEC tại Cần Thơ và ThS.BS Bạch Quí đã lựa chọn cống hiến tại đây. Với bà, đây như một mối nhân duyên đẹp đẽ để bà tiếp tục có cơ hội được sống và đam mê với nghề y.
“MEDLATEC Cần Thơ có chủ trương, chính sách y tế mang tính rất nhân văn, vừa chăm sóc sức khỏe người dân nội trú, ngoại trú, vừa có đội ngũ nhân viên lớn mạnh như là cánh tay nối dài đến cộng đồng. Dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi giúp người dân ở những vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn được tiếp cận và hưởng dịch vụ yế chất lượng”, ThS.BS Bạch Quí cho hay.
ThS.BS Bạch Quí lựa chọn MEDLATEC Cần Thơ để tiếp tục cống hiến sau khi đã nghỉ hưu theo chế độ
Đến với MEDLATEC Cần Thơ, bên cạnh chuyên môn, ThS.BS Bạch Quí luôn dành thời gian tư vấn, giúp bệnh nhân và gia đình hiểu đúng về bệnh truyền nhiễm, biết cách phòng ngừa, giảm lây nhiễm và không còn mặc cảm, tự kỳ thị.
Để xây dựng niềm tin với bệnh nhân, bà luôn chọn cách lắng nghe, chia sẻ, đặt mình vào vị trí người bệnh. Bà quan niệm rằng: “Một bác sĩ truyền nhiễm không chỉ cần kiến thức y khoa, mà còn cần một trái tim đủ ấm để đồng cảm. Nếu mình thấu hiểu người bệnh đang sợ hãi điều gì, họ sẽ đủ tin tưởng để đồng hành cùng mình lâu dài”.
Với nhiều năm kinh nghiệm cùng sự tận tâm, chu đáo, ThS.BS Bạch Quí luôn nhận được sự tin yêu của người bệnh
Chị L.T.K.N (34 tuổi, Cần Thơ) phát hiện nhiễm viêm gan B trong một lần khám sức khỏe định kỳ, dù không có triệu chứng gì rõ rệt. Chị hoang mang, lo lắng nên đến MEDLATEC Cần Thơ để thăm khám. May mắn, chị đã gặp bác sĩ Bạch Quí và được bác sĩ tư vấn, điều trị trực tiếp. Sau hơn 2 năm theo dõi định kỳ, sức khỏe gan của chị N. ổn định, tải lượng virus được khống chế. Chị duy trì lối sống lành mạnh, làm việc bình thường.
“Bác sĩ Bạch Quí giải thích rõ cho tôi về virus, chỉ số men gan, cách kiểm soát bệnh và hướng dẫn tiêm phòng cho người thân. Từ đó, tôi hiểu rằng viêm gan B không phải án tử, không tiến triển thành ung thư gan nếu mình chủ động kiểm tra và điều trị đúng cách. Nhờ bác sĩ, tôi yên tâm điều trị”, chị N. chia sẻ.
Chính sự đồng hành, ghi nhận của người bệnh là động lực để ThS.BS Bạch Quí vẫn tiếp tục làm việc và cống hiến cho sức khỏe cộng đồng. Sau những giờ làm việc căng thẳng, điều khiến bà cảm thấy hạnh phúc nhất chính là được quay trở về với gia đình. Bà được sống trọn với đam mê chính là nhờ có sự ủng hộ tuyệt đối và giúp sức rất nhiều từ chồng và con.
“Nếu không có sự chia sẻ của ông xã và các con, có lẽ tôi đã không thể toàn tâm toàn ý chăm lo cho người bệnh đến tận hôm nay. Tôi biết ơn gia đình, đây là hậu phương vững chắc để tôi yên tâm thực hiện sứ mệnh chữa bệnh, cứu người”, ThS.BS Bạch Quí bày tỏ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!