Các tin tức tại MEDlatec

Giải đáp những vấn đề xoay quanh có nên nhổ răng khôn hay không

Ngày 07/10/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Mỗi lần mọc răng khôn có lẽ là lỗi ám ảnh của không ít người bởi nó gây nên đau đớn, thậm chí là sốt hay mệt mỏi, bất tiện trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày của con người. Vậy có nên nhổ răng khôn hay không? Liệu nhổ răng có gây ảnh hưởng tới sức khỏe? Chúng mình cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1. Tìm hiểu về răng khôn?

Trước khi tìm hiểu khi nào nên nhổ răng khôn, trước hết cần biết được răng khôn là gì. Răng khôn hay còn được gọi là răng hàm số 8 - một trong những chiếc răng mọc cuối cùng trong cơ thể con người trước khi bước vào độ tuổi trưởng thành, thông thường độ tuổi mọc loại răng này từ 17 - 25 tuổi. Răng khôn về bản chất không có ý nghĩa gì về chức năng nhai, thậm chí còn gây nên mất thẩm mỹ, xô lệch hàm nếu răng khôn mọc lệch bởi hàm răng có 28 cái đã đủ để con người thực hiện chức năng nhai, ăn uống sinh hoạt hàng ngày.

Thậm chí, răng khôn còn có nhược điểm lớn là nằm quá sâu bên trong hàm nên việc vệ sinh rất khó, dễ dẫn tới bị sâu răng và có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng của những bạn răng xinh bên cạnh. Khi hàm răng đã hoàn thiện đầy đủ 28 cái thì răng khôn mới mọc, chúng mọc sau cùng nên vòm miệng thường không có chỗ cho răng số 8 mọc bình thường gây nên hiện tượng răng khôn mọc lệch, xô lẫn nhau hoặc mọc chen chỗ các răng khác dẫn đến hiện tượng sưng, đau.

Hình ảnh mô tả răng khôn

Tùy vào cơ địa của từng người, có những người răng khôn mọc ngầm, mọc lệch nếu không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn tới phần nướu răng sưng tấy, thức ăn còn dễ tích đọng tại đây gây nên hiện tượng miệng hôi, hơi thở có mùi, viêm lợi,...

Răng khôn được coi là “kẻ thù” của rất nhiều người bởi chúng mang lại phiền toái, đau đớn cho cơ thể. Theo các bác sĩ nha khoa, hầu hết răng khôn đều phải nhổ bỏ thay vì tồn tại được hết cả quãng đời còn lại.

2. Khi nào nên nhổ răng khôn?

Theo các chuyên gia nha khoa, răng khôn cần được nhổ bỏ bởi chúng mọc ở những vị trí không thuận lợi cho quá trình chăm sóc răng miệng hoặc răng khôn thường mọc khi xương hàm đã hết chỗ, răng mọc quá sâu bên trong hàm khiến cho việc vệ sinh răng miệng trở lên khó khăn hơn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tích tụ, phát triển sinh sôi, tăng nguy cơ viêm lợi, sâu răng,... Bạn nên nhổ răng khôn khi:

- Mọc răng khôn lệch nhưng không nhổ bỏ kịp thời gây lây lan và nhiễm trùng sang khu vực răng, lợi xung quanh, ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng, mất thẩm mỹ.

- Cần nhổ răng khôn khi răng mọc có các biến chứng đau, thậm chí còn có u nang ở răng.

- Khe hở giữa răng số 8 và răng số 7 quá lớn khiến khe giắt thức ăn giữa hai răng này quá lớn, kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới răng bên cạnh thì cũng nên nhổ bỏ răng số 8 để ngăn ngừa biến chứng.

- Trong trường hợp răng khôn mọc thẳng, xương hàm vẫn còn đủ chỗ, không hề cản trở tới những răng còn lại nhưng không có răng đối diện khớp cắn, khiến cho răng mọc quá dài tới hàm đối diện, tạo bậc thang giữa các răng gây lở loét lợi thì nên nhổ bỏ.

Răng khôn mọc lệch gây ra sưng đau và nhiều ảnh hưởng khó chịu tới cuộc sống

- Răng khôn bị sâu, bệnh nhân cần phẫu thuật chỉnh hình hoặc làm răng giả.

- Răng số 8 còn được cho là nguyên nhân của một số bệnh toàn thân khác.

Nhưng không phải bất cứ răng khôn nào cũng cần nhổ bỏ, có thể giữ lại răng khôn ở những trường hợp sau:

- Răng khôn mọc thẳng, bình thường, không gây bất cứ biến chứng nào tới hàm răng.

- Những người có tiền sử mắc các bệnh lý mạn tính như tim mạch, tiểu đường, rối loạn quá trình đông và cầm máu,...

- Vị trí mọc của răng số 8 liên quan trực tiếp đến một vài cấu trúc quan trọng như dây thần kinh, xoang hàm,…

3. Nhổ răng khôn phải làm sao?

Để quá trình nhổ răng khôn diễn ra an toàn, thuận lợi nhất thì trước khi phẫu thuật, người bệnh cần được thăm khám tư vấn cẩn thận bởi bác sĩ có trình độ chuyên môn kết hợp với kiểm tra tổng thể sức khỏe răng miệng, chụp X-quang toàn bộ hàm để kiểm tra phần chân răng, chẩn đoán chính xác được hướng mọc, vị trí mọc và xương hàm xung quanh răng khôn,...

Đồng thời, trong quá trình kiểm tra sức khỏe răng miệng, nếu hàm răng có dấu hiệu sưng đỏ, bị nhiễm trùng thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc đảm bảo sao cho tới ngày phẫu thuật, lợi khỏe mạnh bình thường, không còn sưng tấy hay viêm,...

Ngoài ra, bác sĩ sẽ phải kiểm tra một vài chỉ số cơ bản như đo huyết áp, kiểm tra tốc độ đông máu của bệnh nhân,... cùng với người bệnh nên chủ động khai báo thực tế sức khỏe của mình có tốt hay không, có mắc các bệnh lý mạn tính như tim mạch, tiểu đường hoặc các bệnh về máu thì không nên nhổ răng khôn. Thông thường, nhổ răng khôn sẽ được bác sĩ khuyến nghị vào buổi sáng - thời điểm bệnh nhân có sức khỏe tốt nhất.

Người bị bệnh tim mạch không nên nhổ răng khôn

Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được súc miệng bằng nước súc miệng chuyên dụng và sát khuẩn vùng răng cần nhổ. Tiếp đến, trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ gây tê vùng răng cần nhổ cùng với sự hỗ trợ của các dụng cụ nha khoa. Sau khi nhổ răng khôn xong, bác sĩ khâu lại vết thương với chỉ tự tiêu, khoảng một tuần sau đó chỉ khâu sẽ tự tiêu và vết thương được lành dần.

Người bệnh nên lưu ý sau khi nhổ răng không xong cần cắn chặt bông trong khoảng thời gian tối thiểu là nửa tiếng, khi thấy hiện tượng chảy máu đã đỡ hơn thì lấy bông ra, trong quá trình lấy bông nếu thấy máu chưa được cầm thì nên ngậm chặt bông trong thời gian nửa tiếng nữa để đảm bảo máu có thể được cầm và lấy bông ra khỏi miệng. Bệnh nhân nên kết hợp với chườm lạnh để giảm đau và tiêu sưng sau phẫu thuật.

Để ý và tránh các tác động lên răng số 8 vừa nhổ bằng thói quen đẩy lưỡi vào răng hoặc đưa các vật nhọn lên phần răng vừa nhổ. Về chế độ dinh dưỡng sau khi nhổ răng xong người bệnh nên ăn cháo, các đồ ăn mềm dễ nuốt, không được ăn đồ ăn cứng, đồ ăn dai tránh những tác động không tốt đến phần lợi còn bị hở khi vừa nhổ chân răng. Bạn nên để thời gian sau đó 1 - 2 tuần, khi chân răng dần được hồi phục, quá trình ăn uống của bạn có thể diễn ra như bình thường.

4. Nhổ răng khôn có nguy hiểm không?

Nhổ răng khôn có nguy hiểm hay không có lẽ là thắc mắc của rất nhiều bạn đọc trước khi quyết định “chia tay” bạn răng số 8 đầy phiền phức. Tùy thuộc vào độ khó hay dễ của việc nhổ răng sẽ phụ thuộc chính vào chân răng của người bệnh là bình thường hay không bình thường. Bác sĩ sẽ có được cái nhìn tổng quan về mức độ khó hay dễ thông qua phim chụp X-quang. Thông thường, răng khôn ở hàm trên sẽ dễ nhổ hơn răng khôn hàm dưới.

Hình ảnh răng khôn đã được nhổ bỏ

Sau khi nhổ răng số 8, bạn có thể bị đau, sưng miệng mất mấy ngày nhưng vùng răng được nhổ sẽ sớm lành vết thương, bạn nên tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ, uống thuốc đúng liều, đúng giờ,...

Lựa chọn cơ sở y tế uy tín để tạm biệt răng khôn cũng là yếu tố quyết định tới việc nhổ răng có ảnh hưởng gì tới sức khỏe hay có nguy hiểm không,...

Nha khoa Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một trong những địa chỉ chăm sóc răng miệng uy tín của hàng triệu người dân thủ đô và khắp các tỉnh thành trong cả nước. Nếu có bất cứ vấn đề gì về răng miệng, hay cần nhổ răng khôn bạn hãy gọi ngay cho MEDLATEC qua tổng đài chăm sóc sức khỏe 1900 565656.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.