Các tin tức tại MEDlatec

Giải đáp thắc mắc: Bé sơ sinh bị sôi bụng có tác động nghiêm trọng tới sức khỏe không?

Ngày 13/01/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Bé sơ sinh bị sôi bụng là tình trạng thường gặp, nhưng có nhiều cha mẹ vẫn chưa hiểu rõ về nguyên nhân và cách khắc phục. Cha mẹ hãy tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây để có hướng theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho trẻ hiệu quả.

1. Nguyên nhân khiến bé sơ sinh bị sôi bụng 

Sôi bụng là tình trạng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh, khiến các bé quấy khóc, khó chịu xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cụ thể như sau: 

  • Chức năng của hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện: Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh vẫn đang trong quá trình phát triển, chưa hoàn toàn thích nghi với việc tiêu hóa thức ăn;
  • Nuốt phải không khí: Khi bú bình hoặc bú mẹ không đúng cách, trẻ có thể nuốt phải nhiều không khí, gây đầy hơi và sôi bụng;
  • Dị ứng với một số thành phần trong sữa: Một số trẻ có thể bị dị ứng với lactose (đường sữa) hoặc protein trong sữa, gây ra các tình trạng rối loạn nhu động ruột, từ đó có triệu chứng sôi bụng;

Tình trạng dị ứng với các thành phần trong sữa có thể khiến trẻ bị sôi bụng 

  • Rối loạn tiêu hóa: Vi khuẩn đường ruột chưa cân bằng hoặc nhiễm trùng đường ruột cũng có thể gây ra sôi bụng;
  • Chế độ ăn của mẹ (đối với trẻ bú mẹ): Nếu mẹ ăn các loại thực phẩm dễ gây đầy hơi như bắp cải, hành tây, các loại đậu, sữa... làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ. 

2. Hướng xử trí khi bé sơ sinh bị sôi bụng? 

Khi bé sơ sinh bị sôi bụng, tình trạng lo lắng của cha mẹ là điều dễ hiểu. Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để giúp bé giảm khó chịu:

Điều chỉnh tư thế khi cho bé bú:

  • Giữ bé thẳng lưng: Đảm bảo đầu và cổ của bé cao hơn bụng để tránh nuốt phải quá nhiều không khí;
  • Vỗ ợ hơi: Sau khi cho bé bú, hãy vỗ nhẹ lưng bé để bé ợ hơi ra ngoài.

Chú ý đến chế độ ăn của mẹ (đối với trẻ bú mẹ):

  • Tránh các loại thực phẩm dễ gây đầy hơi: Hạn chế các loại thực phẩm như bắp cải, hành tây, các loại đậu, đồ uống có ga, đồ ăn cay nóng;
  • Uống nhiều nước: Uống đủ nước để đảm bảo sữa mẹ luôn đủ và dễ tiêu hóa.

Điều chỉnh chế độ ăn của bé (đối với trẻ bú bình):

  • Thay đổi loại sữa: Nếu nghi ngờ bé dị ứng với một thành phần nào đó trong sữa, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để thay đổi loại sữa phù hợp;
  • Pha sữa đúng cách: Việc pha sữa theo đúng tỷ lệ là rất quan trọng để tránh những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé.

Massage bụng cho bé:

  • Massage bụng theo chiều kim đồng hồ để giúp bé tiêu hóa tốt hơn;
  • Có thể kết hợp chườm khăn ấm giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. 

Cha mẹ có thể áp dụng biện pháp massage bụng giúp bé cảm thấy dễ chịu 

Tạo tư thế thoải mái cho bé:

  • Ôm bé vào lòng: Ôm bé vào lòng, vuốt ve nhẹ nhàng để bé cảm thấy an toàn và thư giãn;
  • Đặt bé nằm sấp: Đặt bé nằm sấp trên một bề mặt mềm và phẳng để giúp giảm đau bụng.

3. Bé sơ sinh bị sôi bụng - cần đưa trẻ đi khám khi nào? 

Như đã thông tin ở trên, tình trạng bé sơ sinh bị sôi bụng do nhiều nguyên nhân gây ra, Đối với những trẻ có triệu chứng nhẹ cha mẹ có thể tự khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, trong những trường hợp dưới đây cha mẹ cần chủ động đưa bé đi khám bác sĩ:

  • Sôi bụng kéo dài và không giảm;
  • Bé sốt, quấy khóc dữ dội;
  • Bé bị tiêu chảy hoặc táo bón nghiêm trọng;
  • Bé có dấu hiệu mất nước;
  • Bé có các triệu chứng bất thường khác:

Nếu tình trạng sôi bụng của bé kéo dài, hãy đưa bé đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác và được tư vấn điều trị phù hợp. Việc áp dụng các biện pháp điều trị tình trạng sôi bụng ở trẻ cần được diễn ra trong thời gian dài. Mẹ cần kiên nhẫn và đều đặn thực hiện các biện pháp được hướng dẫn để khắc phục tình trạng sôi bụng.

4. Cách hạn chế tình trạng sôi bụng ở trẻ sơ sinh 

Sôi bụng và đi ngoài khiến hệ tiêu hóa của bé hoạt động không ổn định, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu chất dinh dưỡng. Điều này khiến bé dễ bị sụt cân, khiến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ bị ảnh hưởng đáng kể. Để bảo vệ sức khỏe cho bé, mẹ có thể tham khảo những cách phòng tránh sau:

  • Trong 6 tháng đầu đời, mẹ nên duy trì việc cho bé bú sữa mẹ đều đặn. Nếu lượng sữa mẹ không đủ, hãy bổ sung ngũ cốc. Đây là nguồn cung cấp chất xơ và các vitamin cần thiết, giúp mẹ tăng tiết sữa hiệu quả;

Duy trì việc cho bé sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời 

  • Trường hợp mẹ không thể cho bé bú trực tiếp và phải sử dụng sữa ngoài, cần chọn loại sữa phù hợp với bé, chú ý đến thành phần dinh dưỡng và luôn giữ vệ sinh dụng cụ pha sữa thật sạch sẽ;
  • Mẹ nên pha sữa ngay trước khi cho bé bú để đảm bảo sữa luôn tươi mới và giữ được nhiệt độ thích hợp, giúp bé tiêu hóa tốt hơn. Việc để bình sữa đứng thẳng sẽ giúp bọt khí tự động nổi lên và tan hết, tạo điều kiện cho bé bú sữa một cách dễ dàng;
  • Mẹ nên có chế độ ăn uống hợp lý, tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng hay khó tiêu, đồng thời bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ và có tính mát, giúp hỗ trợ tiêu hóa;
  • Trong khi cho bé bú, mẹ cũng có thể nhẹ nhàng vỗ lưng, xoa bụng và lắc nhẹ người để giảm nguy cơ bé bị sôi bụng, giúp bé thoải mái và dễ dàng tiêu hóa.

Với những thông tin về tình trạng bé sơ sinh bị sôi bụng được trình bày ở trên bao gồm nguyên nhân, cách xử trí và hướng phòng ngừa, hy vọng giúp cha mẹ áp dụng hiệu quả vào quá trình chăm sóc trẻ một cách hiệu quả. Nếu có thắc mắc cần giải đáp có liên quan hoặc nhu cầu thăm khám sức khỏe tổng quát cho trẻ, cha mẹ hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.