Các tin tức tại MEDlatec
Giải phẫu đường mật và nhận diện triệu chứng bệnh đường mật
- 07/07/2022 | Nhiễm trùng đường mật nguy hiểm như thế nào? Phương pháp phòng bệnh ra sao?
- 01/11/2023 | Teo đường mật có nguy hiểm không?
- 01/12/2023 | Chẩn đoán teo đường mật bằng phương pháp nào?
1. Khái quát về vai trò của đường mật
Đường mật là một mạng lưới khép kín của các cơ quan và mạch máu được kết nối với nhau thông qua ống dẫn mật. Các ống dẫn này có vai trò đưa mật đến đường tiêu hóa. Cụ thể, đường mật đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển mật từ gan và túi mật tới tá tràng để hỗ trợ tiêu hóa, giúp hệ tiêu hóa hấp thụ dưỡng chất từ thức ăn. Ngoài ra, mật còn chứa sản phẩm thải từ cơ thể và đường mật sẽ đưa sản phẩm thải này ra khỏi cơ thể qua ruột.
2. Chi tiết giải phẫu đường mật
2.1. Vị trí của đường mật
Toàn bộ đường mật nằm trong khoang bụng trên. Gan là nơi tạo ra mật, nằm ở phía trên bên phải. Túi mật nằm bên dưới gan, gần với dạ dày.
Vị trí giải phẫu đường mật cụ thể như sau:
- Đường mật trong gan:
Đường mật trong gan khởi phát từ các tiểu ống trong thùy rồi đổ ra các ống quanh thuỳ. Các ống này nối với nhau rồi hợp lại thành ống lớn hơn. Đường mật trong gan có 1 - 2 ống mật ở tĩnh mạch phân thuỳ về rốn gan tạo thành 2 ống gan ở bên trái và bên phải.
- Đường mật ngoài gan:
Đường mật này gồm 4 đoạn. Hai đoạn đầu của đường mật tạo thành cuống gan bao gồm động mạch gan, tĩnh mạch cửa và ống gan chung. Tĩnh mạch cửa nằm ở mặt phẳng sau cuống gan, mặt phẳng trước cuống gan gồm động mạch gan đi lên phía bên trái và đường mật chính đi xuống phía bên phải.
Đường mật đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển mật từ gan và túi mật tới tá tràng
2.2. Các bộ phận của đường mật
Các bộ phận thuộc giải phẫu đường mật bao gồm:
2.2.1. Gan
Đây là nơi tạo ra mật từ quá trình lọc máu, phân loại cholesterol, bilirubin dư thừa và các chất thải khác. Mật còn là nơi chứa axit mật do gan tạo ra từ cholesterol. Những axit này giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa của ruột non. Gan cũng là nơi thu thập mật vào đường mật trong và ngoài gan.
2.2.2. Ống dẫn mật
Ống dẫn mật thu thập mật trong gan và đưa mật đến các cơ quan thuộc đường mật. Ống mật chủ kết nối với gan qua ống gan chung, qua ống túi mật đi đến túi mật. Ống mật chủ được tạo thành từ sự hợp nhất của ống gan chung và ống túi mật, đi xuống sau tá tràng, nhập vào ống tụy tại bóng Vater trước khi đổ vào tá tràng.
2.2.3. Túi mật
Một nửa mật từ gan đi thẳng đến ống mật chủ và tá tràng, một nửa mật còn lại đi đến túi mật và lưu trữ tại đây. Túi mật lưu trữ và cô đặc mật cho đến khi cơ thể cần sử dụng. Khi phát hiện ra chất béo và protein cần phân hủy, ruột non sẽ phát tín hiệu để túi mật tự động co lại và giải phóng mật vào các ống dẫn.
2.2.4. Tuyến tụy
Tuyến tụy phản ứng với tín hiệu từ ruột non để giải phóng hỗn hợp các enzyme làm phân hủy protein, carbohydrate và chất béo vào trong ống tụy. Ống tụy mang enzyme tiêu hóa từ tuyến tụy vào tá tràng. Nó hợp với ống mật chủ ở bóng Vater, không có chức năng chứa dịch mật hay enzyme.
2.2.5. Ruột non
Ruột non là điểm kết nối đường mật với đường tiêu hóa. Khi tiêu thụ thức ăn có chất béo, mật sẽ được giải phóng vào ruột non để phân hủy phần chất béo này.
3. Các triệu chứng dễ gặp phải ở bệnh nhân mắc bệnh đường mật
Thông tin về giải phẫu đường mật trên đây đã giúp bạn hiểu được vị trí và các bộ phận cấu thành đường mật. Các bộ phận này liên kết chặt chẽ với nhau nên chỉ cần một thành phần trong đó gặp vấn đề, toàn bộ hệ thống đường mật sẽ chịu tác động. Người mắc bệnh đường mật thường gặp các triệu chứng điển hình sau:
3.1. Vàng da, vàng mắt
Vàng da, vàng mắt là kết quả từ sự tắc nghẽn đường mật làm cho mật không thoát ra khỏi ruột non mà ứ đọng lại và thấm ngược vào trong máu. Kết quả là người bệnh bị tăng nồng độ bilirubin trong máu. Hiện tượng vàng da, vàng mắt thường gặp ở bệnh nhân tắc ống mật chủ do u, sỏi hoặc hẹp đường mật.
Mắt người mắc bệnh đường mật thường chuyển sắc tố vàng do tăng bilirubin trong máu
3.2. Đau vùng hạ sườn phải
Cơn đau của bệnh nhân mắc bệnh đường mật thường xuất hiện ở vùng hạ sườn phải, đau có thể âm ỉ hoặc quặn thắt dữ dội. Nhiều bệnh nhân còn bị đau lan ra phía sau lưng, lan lên vai phải, đau tăng lên khi người bệnh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ. Triệu chứng này dễ gặp ở bệnh viêm túi mật, sỏi mật, viêm đường mật hoặc tắc ống mật chủ.
3.3. Ngứa da toàn thân
Ngứa da thường xuất hiện khi mật bị ứ đọng lâu ngày, muối mật tích tụ trong máu gây kích ứng các thụ thể dưới da. Tùy từng trường hợp bệnh mà mức độ ngứa có thể dữ dội hoặc âm ỉ, ngứa toàn thân và không đáp ứng với thuốc chống dị ứng thông thường. Ngứa da toàn thân thường gặp ở bệnh nhân xơ gan mật nguyên phát, tắc mật mạn tính, ung thư đường mật.
3.4. Buồn nôn và nôn
Các vấn đề ở đường mật thường ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa nên người bệnh dễ bị buồn nôn hoặc nôn, nhất là sau khi ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ. Đây là triệu chứng hay gặp phải khi bị sỏi mật, viêm túi mật, viêm đường mật.
Bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ bệnh đường mật được bác sĩ chuyên khoa thăm khám
3.5. Đầy bụng, chán ăn
Người bệnh có thể cảm thấy no nhanh, chướng bụng nhẹ, ăn không ngon miệng do quá trình tiêu hóa chất béo bị ảnh hưởng. Người bị viêm túi mật, rối loạn chức năng đường mật, sỏi mật thường xuất hiện tình trạng này.
3.6. Thay đổi màu nước tiểu và phân
Nước tiểu của người mắc bệnh đường mật thường sẫm màu như màu nước trà do sự tăng bài tiết bilirubin vào thận. Ngoài ra, khi đi đại tiện, người bệnh sẽ gặp tình trạng phân bạc màu hoặc có lẫn mỡ do mật không xuống đến ruột khiến quá trình hấp thụ và phân hủy chất béo bị ảnh hưởng. Sự thay đổi màu sắc phân và nước tiểu thường gặp ở bệnh hẹp ống mật, tắc mật do sỏi hoặc u.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về giải phẫu đường mật và nhận diện kịp thời các dấu hiệu cảnh báo bệnh lý đường mật.
Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào đã nói đến ở trên, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được chẩn đoán đúng và điều trị bệnh kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!