Các tin tức tại MEDlatec

Hen phế quản là bệnh gì, cách kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả

Ngày 27/01/2022
Hen phế quản là bệnh đường hô hấp khá nguy hiểm, đặc biệt khi bệnh xảy ra ở trẻ nhỏ, người già, người có sức khỏe yếu. Nếu nắm được hen phế quản là bệnh gì, các triệu chứng bệnh và cách điều trị, bạn có thể phát hiện sớm để điều trị, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trước căn bệnh này. 

1. Hen phế quản là bệnh gì?

Hen phế quản là bệnh viêm mạn tính đường thở cùng với một loạt vấn đề như: phù nề, co thắt đường thở, tăng tiết dịch đờm gây tắc nghẽn, giảm luồng khí lưu thông,… Do vậy, bệnh nhân hen phế quản sẽ gặp phải các triệu chứng bệnh như khó thở, thở khò khè, nặng ngực, ho tái diễn nhiều lần, đặc biệt vào ban đêm hay sáng sớm nhiệt độ xuống thấp.

Hen phế quản là bệnh viêm đường thở mạn tính nguy hiểm

Ở Việt Nam, bệnh hen phế quản khá phổ biến, có khoảng 5% người dân ít nhất từng mắc bệnh 1 lần trong đời. Đối tượng chủ yếu mắc bệnh là trẻ em thuộc nhóm tuổi 12 - 13, nhiều trường hợp nhập viện do bệnh nặng, biến chứng nguy hiểm. Do vậy, cha mẹ cần theo dõi dấu hiệu bệnh của trẻ, đưa trẻ đi khám và điều trị sớm tránh bệnh tiến triển nặng.

2. Nguyên nhân dẫn đến hen phế quản

Hen phế quản có thể do nhiều nguyên nhân, hầu hết trường hợp mắc bệnh mạn tính hay tái phát là do kết hợp cả nguyên nhân môi trường và đặc điểm cơ địa nhạy cảm. Cụ thể các nguyên nhân có thể dẫn đến hen phế quản bao gồm:

2.1. Dị ứng

Những cơn hen phế quản sẽ xuất hiện khi người bệnh có cơ địa nhạy cảm tiếp xúc với dị nguyên gây ra phản ứng dị ứng. Dị nguyên rất đa dạng và ở mỗi người là khác nhau, thường gặp như: phấn hoa, lông chó mèo, thịt bò hay hải sản chứa chất gây dị ứng, thuốc điều trị như aspirin, bụi nhà,…

Những cơn hen phế quản sẽ xuất hiện khi người bệnh có cơ địa nhạy cảm tiếp xúc với dị nguyên gây ra phản ứng dị ứng

2.2. Yếu tố kích thích

Các yếu tố môi trường không khí có thể kích thích đến hệ hô hấp gây hen phế quản như: ô nhiễm không khí, khói bụi xe, khói bụi đường, khói thuốc lá, hóa chất tẩy rửa, độ ẩm quá cao hoặc quá thấp,…

2.3. Do vận động

Hen phế quản có thể xảy ra sau thời gian dài vận động nặng, gắng sức hoặc thức đêm dài,… Những trường hợp được gọi là hen phế quản do gắng sức.

2.4. Do nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân phổ biến trên, người mắc bệnh hen phế quản có thể do cả các nguyên nhân khác như: mắc bệnh trào ngược dạ dày, yếu tố di truyền, nhiễm trùng đường hô hấp nặng, bệnh lý khác về đường hô hấp, do tác dụng phụ của thuốc điều trị như thuốc chẹn beta giao cảm,…

3. Triệu chứng của hen phế quản điển hình nhất

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà triệu chứng hen phế quản có thể khởi phát đột ngột, rầm rộ và nguy hiểm hoặc diễn biến từ từ nặng dần. Nguy hiểm là những cơn hen phế quản nặng cấp tính ở người bị dị ứng nghiêm trọng, bệnh nhân cần được làm thông thoáng đường thở nhanh, giảm sưng phù đường thở để đảm bảo hô hấp.

Khó thở là triệu chứng điển hình của hen phế quản

Dưới đây là những triệu chứng điển hình để nhận biết bệnh hen phế quản xảy ra:

3.1. Khó thở

Đây là triệu chứng dễ thấy nhất, xuất hiện sớm khi bị hen phế quản do đường thở bị sưng phù khiến người bệnh không thở được. Khi bị khó thở nhiều, do thiếu hụt oxy mà người bệnh sẽ có những triệu chứng khác như: vã mồ hôi, nói câu ngắn, khó nói chuyện, khó phát âm, triệu chứng hốt hoảng lo lắng,…

3.2. Ho

Triệu chứng ho thường đi kèm với khó thở, bệnh nhân hen phế quản thường bị ho nhiều hơn vào thời điểm nửa đêm về sáng hoặc khi làm việc gắng sức. Nhiều bệnh nhân chỉ có triệu chứng ho, triệu chứng khó thở, nghẹt đường thở không xuất hiện nên thường bị chẩn đoán sai sang bệnh lý hô hấp khác.

3.3. Nặng ở ngực

Nặng ở ngực là triệu chứng thường xuất hiện sau khó thở, thở khò khè khiến người bệnh vô cùng khó chịu. Cảm giác này khác với nặng ngực do bệnh tim mạch nhưng không nên chủ quan, dấu hiệu này có thể cho thấy người bệnh bị khó thở nặng.

3.4. Thở khò khè

Thở khò khè là tình trạng khi người bệnh thở, tiếng rít xuất hiện ở mỗi nhịp thở. Dấu hiệu này rất thường gặp ở bệnh nhân hen phế quản cấp tính.

3.5. Viêm tiểu phế quản cấp

Khi hen phế quản tiến triển nặng, đi kèm với viêm tiểu phế quản cấp, bệnh nhân sẽ xuất hiện dấu hiệu đặc trưng như ho khạc đờm, sốt nhẹ đến sốt cao.

Bụi bẩn cũng có thể là một trong các nguyên nhân gây hen phế quản

Những triệu chứng hen phế quản thường kéo dài, dễ tái phát nếu không điều trị triệt để và loại bỏ được nguyên nhân. Nhất là trẻ nhỏ, triệu chứng hen phế quản gây không ít ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống và học tập của trẻ. Do vậy cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm và điều trị ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bệnh nghi ngờ trên.

4. Làm gì để kiểm soát triệu chứng hen phế quản?

Để phòng ngừa, kiểm soát cơn hen phế quản xuất hiện cũng như giảm triệu chứng bệnh, có thể áp dụng các biện pháp sau:

4.1. Tránh xa tác nhân gây hen phế quản

Cơn hen xuất hiện khi tiếp xúc với các yếu tố, tác nhân gây bệnh như: khói thuốc lá, khí lạnh, hóa chất,… thì cần tránh xa các tác nhân này. Ngoài ra, cần lưu ý làm việc vừa sức, tránh thức khuya, chế độ ăn uống đầy đủ, vận động khoa học để cải thiện sức khỏe nói chung và hệ hô hấp nói riêng.

4.2. Dùng thuốc đường hít

Để giảm nhanh tình trạng khó thở do nghẹt đường thở ở bệnh nhân hen phế quản cấp, thuốc xịt hô hấp thường được sử dụng. Thành phần của thuốc này thường là Formoterol hay Salbutamol, chế xuất dạng bình xịt khô hoặc bình hít bột khô. Sử dụng càng sớm khi triệu chứng vừa xuất hiện thì hiệu quả càng tốt, giúp người bệnh cắt cơn hen nhanh chóng.

Dùng thuốc hít giúp giảm nhanh triệu chứng hen phế quản

4.3. Biện pháp hỗ trợ

Khi hen phế quản xuất hiện, bệnh nhân nên ngưng làm việc, nghỉ ngơi trong môi trường thoáng khí, tránh khói bụi hay hóa chất có thể kích thích khiến bệnh nặng hơn.

Nếu áp dụng các biện pháp trên, nhất là sau khi xịt thuốc 3 lần nhưng triệu chứng không giảm hoặc bệnh tái phát sau thời gian ngắn thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ chẩn đoán và chỉ định thuốc điều trị dứt điểm bệnh.

Như vậy, qua bài viết này MEDLATEC đã cùng bạn đọc tìm hiểu hen phế quản là bệnh gì cũng như cách xử trí khi cơn hen xuất hiện. Nếu bạn cần tư vấn thêm về điều trị, phòng ngừa bệnh, hãy liên hệ với các chuyên gia Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.