Các tin tức tại MEDlatec

Hướng dẫn nặn mụn đầu đen chuẩn khoa học và lưu ý khi chăm sóc da

Ngày 30/09/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Mụn đầu đen thường xuất hiện nhiều ở vùng mũi hay trán khiến bạn cảm thấy tự ti và có thói quen nặn mụn. Tuy nhiên, nếu nặn mụn đầu đen sai cách, tình trạng tổn thương trên da có thể nghiêm trọng hơn. Dưới đây là những hướng dẫn nặn mụn đầu đen chuẩn khoa học và một số lưu ý về cách chăm sóc da.

1. Có nên nặn mụn đầu đen không?

Lỗ chân lông bị bít tắc bởi những tế bào da chết, vi khuẩn, dầu,... chính là những nguyên nhân phổ biến gây mụn đầu đen. Loại mụn này thường xuất hiện khá lâu trên da, chính vì thế, nhiều người thường có thói quen nặn mụn đầu đen

Tuy nhiên, nếu nặn mụn không đúng cách có thể khiến tình trạng tổn thương da càng trở nên nghiêm trọng hơn. Dưới đây là những lý do khiến bạn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nặn mụn đầu đen: 

- Việc nặn mụn không giải quyết được tận gốc tình trạng mụn mà chỉ là giải pháp tạm thời. Thậm chí, khi dùng tay nặn mụn có thể khiến lỗ chân lông bị kéo giãn, to hơn, khiến da kém thẩm mỹ hơn và dễ bị tổn thương hơn. 

Nặn mụn sai cách khiến da tổn thương nghiêm trọng hơn

- Khi nặn mụn đầu đen, bạn sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập mạnh hơn, gây ảnh hưởng đến những vùng da khác và dễ gây hình thành sẹo trên da. 

- Gây kích ứng da và gây viêm da, thậm chí hình thành những đốm đen do tăng sắc tố sau viêm. Chính vì thế, làn da của bạn có thể càng tổn thương nghiêm trọng hơn.

2. Hướng dẫn nặn mụn đầu đen

Nếu bạn vẫn muốn nặn mụn đầu đen tại nhà, mời bạn tham khảo hướng dẫn dưới đây: 

- Xác định mụn: Loại mụn này thường có màu đen, cứng, làm phình to lỗ chân lông tùy theo kích thước nhân. 

- Chuẩn bị các dụng cụ nặn mụn như miếng dán mụn, mặt nạ lột mụn, sữa rửa mặt, nước ấm, kem dưỡng da. 

Bạn cần tẩy trang và làm sạch da trước khi nặn mụn

- Làm sạch da và khử khuẩn dụng cụ nặn mụn, đồng thời rửa sạch tay để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng hoặc có thể đeo găng tay y tế khi nặn mụn. 

- Tẩy tế bào da chết cũng là bước cần thực hiện để hỗ trợ đẩy nhân mụn đầu đen dễ dàng hơn. 

- Xông mặt với nước ấm.

- Lấy nhân mụn bằng 2 cách như sau:

+ Dùng tăm bông ấn xuống da để mụn đầu đen nổi lên. Lưu ý chỉ dùng lực nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương da. 

+ Một cách khác là bạn có thể dùng mặt nạ lột da. Thực hiện theo những hướng dẫn có in trên bao bì của sản phẩm. 

- Sau khi lấy mụn cần làm sạch da bằng nước muối sinh lý và có thể dùng thêm kem dưỡng ẩm để làm dịu da. 

3. Cách chăm sóc da sau khi nặn mụn đầu đen

Dưới đây là một số bước chăm sóc da cụ thể sau nặn mụn đầu đen mà bạn nên tham khảo: 

- Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn. 

- Bôi thuốc kháng sinh lên vùng da vừa nặn mụn. 

- Thực hiện đầy đủ chăm sóc da cơ bản. 

Nên rửa sạch mặt sau khi nặn mụn

Mụn đầu đen có thể dễ dàng tái phát vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như không làm sạch da mặt, thường xuyên trang điểm, dùng các sản phẩm làm tắc nghẽn lỗ chân lông và dễ gây mụn,... Để hạn chế nguy cơ tái phát mụn đầu đen, bạn cần lưu ý những vấn đề như sau: 

- Lựa chọn loại sữa rửa mặt phù hợp: Việc chăm sóc da đúng cách là vô cùng quan trọng để hạn chế nguy cơ tái phát mụn. Hàng ngày, bạn nên làm sạch da 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Tuy nhiên, không lạm dụng việc rửa mặt để tránh làm mất đi độ ẩm tự nhiên của da. Khi da khô quá mức, da sẽ tiết nhiều dầu hơn và làm tăng nguy cơ mọc mụn. Những trường hợp có làn da bị mụn nên lựa chọn loại gel rửa mặt có độ pH từ 5.5 – 6, không chứa xà phòng hay những chất tẩy rửa mạnh.

- Nên lựa chọn những sản phẩm giúp kiểm soát lượng dầu nhờn trên da. Đặc biệt, một vấn đề bạn cũng không nên bỏ qua đó là lựa chọn những sản phẩm chăm sóc da cũng như các loại kem trị mụn dạng lỏng để phòng ngừa nguy cơ gây bít tắc lỗ chân lông. Nhờ đó, da có thể dễ dàng hấp thụ dưỡng chất. 

- Hạn chế sờ tay lên mụn, cạy mụn hay nặn mụn: Tay thường có chứa nhiều vi khuẩn và nếu thường xuyên đưa tay lên da mặt và mụn bạn sẽ vô tình tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn tấn công, làm tổn thương da, khiến cho tình trạng mụn nghiêm trọng hơn, tăng nguy cơ để lại sẹo. 

- Kết hợp sử dụng những sản phẩm có thành phần trị mụn: Nếu xuất hiện mụn đầu đen dày đặc, nên dùng những loại sản phẩm có thành phần bong sừng như retinoid hoặc axit salicylic. Lưu ý, không tự ý mua và dùng các sản phẩm có chứa nồng độ cao của AHA, BHA. Để bảo vệ làn da một cách tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết và được gợi ý về các loại sản phẩm phù hợp, từ đó phòng tránh kích ứng da và tình trạng mụn đầu đen trở nên nghiêm trọng hơn. 

Bạn cũng nên duy trì một chế độ ăn lành mạnh, ưu tiên rau xanh, trái cây, uống nhiều nước, đồng thời hạn chế ăn những loại đồ ăn quá mặn, cay nóng. Đặc biệt, không nên thức quá khuya.

Trường hợp mụn tái phát nhiều lần hoặc mụn quá dày đặc, bạn nên đến thăm khám các bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Các bác sĩ có thể thực hiện soi da trong trường hợp cần thiết để xác định tình trạng tổn thương trên da và đưa ra giải pháp điều trị phù hợp. 

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu da có biểu hiện bất thường

Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về việc nặn mụn đầu đen, đặc biệt là những bước nặn mụn và chăm sóc da đúng cách. Nếu cần được tư vấn thêm hoặc muốn đặt lịch khám với các bác sĩ Da liễu đầu ngành, mời quý khách liên hệ đến tổng đài chăm sóc khách hàng 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn nhanh chóng, chính xác.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.