Các tin tức tại MEDlatec

Khi nào cần bổ sung vitamin B12 và liều lượng khuyến cáo

Ngày 17/12/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Vitamin B12 có sẵn trong nhiều thực phẩm tự nhiên, chúng khá bền trong điều kiện thông thường và chế biến. Vì thế cơ thể hoàn toàn có thể nạp đủ vitamin B12 từ chế độ ăn hàng ngày. Song với một số đối tượng đặc biệt cần bổ sung vitamin B12 từ thuốc hoặc thực phẩm chức năng. 

1. Khi nào cần bổ sung vitamin B12?

vitamin B12 là dinh dưỡng tham gia vào nhiều hoạt động trong cơ thể, đảm bảo chức năng sống và sức khỏe bình thường.

Vitamin B12 có trong thực phẩm rất dồi dào và phong phú

Cụ thể:

  • Sản xuất tế bào hồng cầu, hình thành và tổng hợp gen ADN.

  • Tương tác giảm nồng độ acid amin homocysteine liên quan đến các bệnh tim mạch, Alzheimer, đột quỵ.

  • Đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, quá trình sản xuất năng lượng,...

Quan trọng với con người nhưng cơ thể chúng ta không tự sản xuất loại dinh dưỡng này, thay vào đó Vitamin B12 có sẵn trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên. Những thực phẩm giàu Vitamin này có thể kể tới như: trứng, sữa và sản phẩm từ sữa, thịt, hải sản, gan động vật,… Với những người ăn chay, ngũ cốc và men dinh dưỡng tăng cường là nguồn cung cấp Vitamin đáng kể.

Cơ thể người có cơ chế dự trữ Vitamin B12 đến vài năm, điều này đảm bảo cơ thể vẫn đủ lượng Vitamin B12 sử dụng nếu chế độ ăn uống hạn chế hoặc bệnh lý trong thời gian nhất định. Thiếu Vitamin B12 mức độ nặng và trung bình khá hiếm gặp, tuy nhiên thiếu mức độ nhẹ lại rất phổ biến. Theo thống kê mới nhất, đến 26% dân số mắc phải tình trạng này, tỉ lệ cao hơn ở các nước nghèo và đang phát triển.

Cơ thể chỉ hấp thu lượng Vitamin B12 thấp trong thực phẩm

Nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hụt vitamin B12 cũng như các vitamin khác đó là:

  • Chế độ dinh dưỡng không cân bằng, không cung cấp đủ vitamin cho cơ thể.

  • Sử dụng một số thuốc làm giảm sự hấp thụ vitamin B12.

Một số đối tượng điển hình dễ bị thiếu vitamin B12 là:

  • Người từng thực hiện phẫu thuật đường tiêu hóa, cắt bỏ ruột thừa, cắt bỏ ruột hoặc thực hiện kỹ thuật hút mỡ bụng.

  • Người ăn chay.

  • Người mắc bệnh rối loạn tiêu hóa như: bệnh không dung nạp Gluten, bệnh Crohn,…

  • Người bị đột biến gen: các gen dị hợp tử CBS, MTHFR, MTRR.

  • Người đang sử dụng thuốc điều trị bệnh như: thuốc Metformin điều trị bệnh đái tháo đường, thuốc hạn chế nồng độ acid trong dạ dày.

  • Người uống quá nhiều đồ uống có cồn.

Những đối tượng trên có nguy cơ cao hoặc đang bị thiếu hụt Vitamin B12 cần được bổ sung càng sớm càng tốt theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sự phát triển bình thường.

Thiếu vitamin B12 có thể ảnh hưởng tới chức năng của hệ thần kinh

Nhiều biến chứng sức khỏe đã được ghi nhận khi thiếu hụt Vitamin B12 không được khắc phục như: thiếu máu, suy dinh dưỡng, tổn thương hệ thần kinh không hồi phục, thiếu năng lượng trường diễn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm,…

2. Hướng dẫn bổ sung vitamin B12 khoa học

Để bổ sung vitamin B12 đúng cách, cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về liều dùng và các lưu ý khi dùng như sau:

2.1. Liều dùng Vitamin khuyến nghị hàng ngày

Liều dùng khuyến cáo là 2,4 microgram/ngày với người từ 14 - 50 tuổi. Tuy nhiên, lượng cung cấp có thể tăng hơn tùy vào độ tuổi, giới tính, tình trạng thừa hoặc thiếu Vitamin B12,…

Mặc dù B12 có rất nhiều trong thực phẩm nhưng cơ thể thường hấp thụ kém loại dinh dưỡng này (khoảng 2%) nên các trường hợp thiếu hụt bệnh lý nên bổ sung từ nguồn thực phẩm bổ sung để đáp ứng nhanh nhu cầu của cơ thể.

Một số đối tượng dưới đây sẽ có liều dùng vitamin B12 tương ứng:

Người trên 50 tuổi

Người cao tuổi dễ gặp phải tình trạng thiếu Vitamin B12 do khả năng hấp thu kém, dinh dưỡng cũng không đảm bảo. Vì thế có đến 62% người cao tuổi có nồng độ Vitamin B12 trong máu thấp hơn bình thường, họ cần bổ sung thêm từ thực phẩm chức năng hoặc uống trực tiếp.

Phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai cũng cần đáp ứng nhu cầu Vitamin B12 nhiều hơn bình thường để đảm bảo sức khỏe cơ thể cũng như nuôi dưỡng thai nhi tốt nhất. Thiếu Vitamin B12 ở phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ sinh non, dị tật bẩm sinh, nhẹ cân ở trẻ sơ sinh.

Nhu cầu vitamin cũng như các khoáng chất khác ở phụ nữ mang thai sẽ cao hơn người bình thường

Liều bổ sung khuyến nghị với nhóm đối tượng này là 2.6 microgram/ngày, nếu chế độ ăn hàng ngày không đáp ứng được cần bổ sung thêm.

Phụ nữ đang cho con bú

Vitamin B12 mà cơ thể mẹ hấp thu được chuyển một phần vào sữa mẹ để cung cấp cho trẻ. Đối tượng này được khuyến nghị nên cung cấp 2.8 microgram Vitamin B12 mỗi ngày.

Người ăn chay

Những người thực hiện ăn chay thường thiếu Vitamin B12 do không sử dụng thực phẩm giàu dinh dưỡng này. Vì thế để đáp ứng lượng Vitamin B12 khuyến nghị là 2.4 microgram mỗi ngày, ngoài chế độ ăn nên bổ sung tăng cường bằng đường uống trực tiếp hoặc thực phẩm chức năng bổ sung.

Người thiếu năng lượng trường diễn hoặc suy dinh dưỡng

Những đối tượng này cần bổ sung 1mg Vitamin B12 mỗi ngày, duy trì liên tục trong 1 tháng đầu. Sau đó trong những tháng tiếp theo, chỉ cần duy trì liều 125 - 250 microgram vitamin B12.

2.2. Lưu ý tác dụng phụ khi bổ sung Vitamin B12

Một số vấn đề có thể gặp khi bổ sung Vitamin B12 bao gồm:

  • Viêm da và mụn trứng cá thường gặp ở người tiêm Vitamin B12.

  • Nồng độ Vitamin B12 trong máu thai phụ hoặc phụ nữ cho con bú cao khiến trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ.

  • Bổ sung Vitamin B12 liều cao (trên 1.000 microgram) khiến bệnh thận thêm trầm trọng hơn.

Bổ sung Vitamin B12 bằng đường tiêm hoặc uống có thể gây một số tác dụng phụ

Như vậy, những người cao tuổi, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, người ăn trường chay hoặc rối loạn hấp thu Vitamin B12 cần xem xét bổ sung dinh dưỡng này qua thực phẩm chức năng hoặc tiêm, uống trực tiếp. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ và thực hiện theo chỉ dẫn để bổ sung Vitamin B12 đúng cách, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.