Các tin tức tại MEDlatec
Khô họng do đâu? Các biện pháp khắc phục họng bị khô
- 01/08/2023 | Viên ngậm đau họng Strepsils - thành phần, công dụng và cách dùng
- 09/09/2024 | Chữa viêm họng hạt: Các phương pháp thực hiện tại nhà hiệu quả
- 21/09/2024 | Bật mí cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà hiệu quả, an toàn
1. Khô họng do cơ thể thiếu nước
Nếu họng bị khô kèm theo khát nước, đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu thì nguyên nhân có thể do bạn uống ít nước khiến cơ thể bị thiếu nước. Lúc này, lượng nước bọt tiết ra không đủ để làm ẩm khoang miệng và cổ họng. Trường hợp bạn uống đủ nước nhưng vận động nhiều, tăng tiết mồ hôi hay khi bị sốt cao, tiêu chảy thì cơ thể sẽ mất nước dẫn đến thiếu nước, gây khô họng.
Để cải thiện tình trạng, bạn chỉ cần bổ sung đủ 1,5 - 2 lít nước/ ngày. Nếu đang sốt, tiêu chảy hay khi vận động nhiều thì có thể tăng lượng nước lên. Lưu ý là nên ưu tiên nước lọc, tránh dùng nước ngọt hay cà phê vì chúng sẽ khiến bạn càng khát nước.
Để tránh bị khô họng do thiếu nước, hãy tăng cường uống nước mỗi ngày
2. Họng khô do thở bằng miệng khi ngủ
Thói quen thở bằng miệng khi ngủ cũng là nguyên nhân gây khô họng. Khi bạn hít vào, không khí đi vào trong miệng sẽ làm khô nước bọt và lấy đi độ ẩm bên trong khoang miệng, hệ quả là miệng và họng bị khô. Một số người còn kèm theo triệu chứng ngủ ngáy và miệng có mùi hôi khó chịu.
Đối với trường hợp này thì cách khắc phục tạm thời là dùng miếng dán ngoài. Tuy nhiên, bạn cần đi khám để bác sĩ biết nguyên nhân thở bằng miệng khi ngủ là do đâu để điều trị tích cực, chẳng hạn như điều trị nghẹt mũi mãn tính, phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn mũi, dùng máy áp lực dương liên tục (CPAP),…
3. Khô họng do viêm mũi
Viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang là bệnh mạn tính tuy không nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái. Khi gặp các tác nhân gây dị ứng, bạn sẽ bị hắt xì, ho, ngứa mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi. Trong đó, nghẹt mũi sẽ dẫn đến nguy cơ khô họng do bạn không thở được bằng mũi, thay vào đó là thở bằng miệng như đã nói ở trên.
Việc quan trọng cần làm lúc này là tránh xa các tác nhân gây dị ứng, dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài,… Đồng thời, dùng thuốc kháng histamin, thuốc corticoid hay áp dụng các liệu pháp miễn dịch giải mẫn cảm theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu cơ địa dị ứng, dễ viêm mũi, khô rát họng thì nên đeo khẩu trang khi ra ngoài
4. Khô cổ họng do cảm lạnh
Đây là một trong những bệnh lý rất phổ biến và cũng là nguyên nhân gây khô họng điển hình. Ngoài khô cổ họng, khi bị cảm lạnh, bạn có thể sốt nhẹ, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau nhức toàn thân,… Những triệu chứng này về cơ bản không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi sau đó.
Để triệu chứng thuyên giảm và cơ thể mau hồi phục, bạn hãy làm dịu cổ họng bằng cách uống trà gừng mật ong, ăn súp gà, canh nóng,… Ngoài ra, giữ ấm cơ thể, súc miệng bằng nước muối, dùng thuốc xịt mũi, ngậm kẹo trị ho hay uống hạ sốt, thuốc giảm đau không kê đơn cũng là những gợi ý cho bạn.
5. Cổ họng khô do cảm cúm
Cảm cúm do virus cúm gây ra với các biểu hiện tượng tự cảm lạnh, tuy nhiên, có thêm nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn như ớn lạnh, đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức cơ,… Trẻ nhỏ, người già, người hệ miễn dịch suy yếu do mắc bệnh mãn tính có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm khi bị cúm.
Do đó, để giảm triệu chứng và phòng tránh biến chứng thì bạn cần thực hiện tốt các hướng dẫn như đã chia sẻ ở phần khô họng do cảm lạnh. Ngoài ra, khi có dấu hiệu bội nhiễm, bạn sẽ phải điều trị thêm bằng thuốc kháng sinh, thuốc long đờm và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ.
Khi bị họng khô do cảm cúm có bội nhiễm, bạn sẽ được chỉ định dùng thuốc
6. Khô họng do viêm amidan
Viêm amidan xảy ra khi tổ chức lympho ở 2 bên thành họng bị vi khuẩn hoặc virus tấn công gây sưng viêm. Viêm amidan khiến cổ họng khô rát kèm theo sốt, đau đầu, khàn tiếng, hơi thở hôi. Khi soi vào họng có thể thấy rõ amidan phù nề và có mảng trắng, hạch bạch huyết ở cổ sưng to.
Nếu viêm amidan do virus, bệnh sẽ tự khỏi sau 7 - 10 ngày, nếu do vi khuẩn, bạn buộc phải dùng kháng sinh. Trong thời điều trị, cần chú ý nghỉ ngơi nhiều hơn, tăng cường uống nước, súc miệng thường xuyên bằng nước muối.
7. Khô cổ họng do viêm họng
Viêm họng và viêm amidan là khác nhau, bạn cần tránh nhầm lẫn. Nguyên nhân gây viêm họng thường do liên cầu khuẩn với các triệu chứng giống viêm amidan nhưng biến chứng nguy hiểm hơn nhiều. Nếu không được điều trị kịp thời và tích cực sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan như tim, thận.
Phương pháp điều trị khô họng do liên cầu khuẩn là sử dụng kháng sinh. Bạn cần tuân thủ liều dùng và thời gian sử dụng thuốc để tiêu diệt vi khuẩn tối ưu, tránh tình trạng vi khuẩn còn sống sót trở nên mạnh mẽ khiến bệnh tình thêm nặng và khó điều trị do kháng thuốc.
Dùng thuốc kháng sinh trong điều trị khô cổ họng do viêm họng
8. Họng khô do trào ngược dạ dày thực quản
Khi bị khô họng, chúng ta thường nghĩ đến các bệnh hô hấp hoặc tai mũi họng. Tuy nhiên, trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể là nguyên nhân làm cổ họng bị khô, kèm theo đó là ợ nóng, ợ chua, ho khan, đau tức vùng xương ức,…
Đối với bệnh lý này, bạn nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, chú ý không ăn quá no mà hãy chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa, khi nằm ngủ hãy gối cao đầu, mặc quần áo rộng rãi để tránh gây áp lực lên vùng bụng,…
Trên đây là tổng hợp các nguyên nhân gây khô họng kèm biện pháp khắc phục, điều trị. Mọi bệnh lý về tai mũi họng cần thăm khám và điều trị, bạn hãy đến Chuyên khoa Tai Mũi Họng của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Tại đây, bạn sẽ được các chuyên gia, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trực tiếp kiểm tra, tìm ra nguyên nhân và hướng điều trị hiệu quả, an toàn.
Để không chờ đợi lâu khi sử dụng dịch vụ, quý khách hãy đăng ký lịch khám trước qua hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!