Các tin tức tại MEDlatec
Ngừa hen phế quản ở thai phụ
Hen phế quản (HPQ) có lẽ là một trong những vấn đề nan giải nhất hay gặp ở phụ nữ có thai với tần suất mắc vào khoảng 4 - 8% số thai phụ. Tiên lượng HPQ ở thai phụ thường tốt đối với những thể nhẹ hoặc trung bình được kiểm soát chặt chẽ và điều trị đầy đủ. Đối với thể nặng hoặc đáp ứng điều trị kém, HPQ thường để lại nhiều hậu quả cho cả mẹ và con như tiền sản giật, sinh non, trẻ thiếu cân, thai nhi có dị tật, tăng nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con.
Chẩn đoán hen phế quản ở thai phụ
Chẩn đoán HPQ ở thai phụ dựa vào tiền sử bệnh nhân có HPQ, các triệu chứng của cơn hen xuất hiện trong giai đoạn có thai như khó thở ở các mức độ khác nhau; nghe phổi có tiếng ran rít, ran ngáy chứng tỏ có tắc nghẽn đường hô hấp do co thắt, phù nề và tăng tiết. Xét nghiệm khí máu thấy có giảm nồng độ CO2 ở giai đoạn đầu và tăng CO2 ở giai đoạn tắc nghẽn nhiều. Nồng độ O2 cũng giảm nặng. Test xác định có sự giảm thông số FEV1 (Forced expiratory volume - thể tích thở ra tối đa giây) và tỷ số FEV1/ FVC (forced vital capacity - thể tích thở ra gắng sức) hoặc có sự cải thiện FEV1 sau khi khí dung albuterol từ 12% trở lên sẽ xác định chẩn đoán.
Cũng cần phân biệt HPQ với một số bệnh hoặc tình trạng hay gặp ở thời kỳ có thai như khó thở ở thai phụ, khó thở, ho do trào ngược; viêm phế quản; viêm thanh quản; phù phổi cấp; suy tim chu sản; tắc mạch phổi huyết khối...
Ảnh hưởng của cơn hen lên thai nghén
Nói chung, cơn HPQ mức độ nhẹ và trung bình ít ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi nếu được kiểm soát tốt ngay từ đầu. Nếu không được xử trí sớm, việc khó thở dẫn đến thiếu ôxy kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi. Cơn HPQ mức độ nặng và nguy kịch đương nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến cả mẹ và con cả ở khía cạnh do thiếu ôxy máu và những tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị hen cũng như các biện pháp can thiệp hỗ trợ hô hấp như phải đặt ống nội khí quản, thở máy. Vì vậy, ngay từ đầu, những phụ nữ có tiền sử bị HPQ phải được theo dõi hết sức chặt chẽ trong quá trình mang thai để tránh các đợt cấp của HPQ xảy ra.
Dự phòng được không?
Dự phòng bùng phát cơn HPQ ở thai phụ bao gồm các biện pháp: khám và làm các test về chức năng hô hấp trước khi có thai. Thai phụ phải được theo dõi thường xuyên trong suốt thai kỳ. Trường hợp có nguy cơ cao, thai phụ phải được dùng các loại thuốc dự phòng cơn hen như các thuốc giãn phế quản, corticoide dạng xịt hoặc uống theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Thai phụ cũng nên phòng tránh các yếu tố như các chất dị ứng, thuốc, khói bụi, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên... có thể kích thích gây khởi phát cơn hen trong giai đoạn thai kỳ.
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn
Điều trị hen phế quản ở thai phụ như thế nào? Khi cơn hen đã xảy ra, việc đầu tiên là phải cung cấp đầy đủ lượng ôxy cho thai phụ để tránh tình trạng thiếu ôxy máu có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Ôxy được cung cấp qua hệ thống máy tạo ôxy hoặc qua bình ôxy, hệ thống ôxy trung tâm tại các bệnh viện và bệnh nhân sẽ được thở ôxy qua gọng kính mũi hoặc qua mặt nạ. Phân áp và độ bão hòa ôxy máu phải được theo dõi thường xuyên qua monitor hoặc qua xét nghiệm khí máu. Các thuốc giãn phế quản như thuốc kích thích beta 2 giao cảm (ventolin, salbutamol), corticoide… cũng được dùng khá an toàn cho thai phụ thông qua con đường khí dung, dạng xịt, uống, tiêm dưới da hoặc truyền tĩnh mạch liên tục. Magne sulphate cũng có thể được dùng nhằm cả mục tiêu giãn phế quản và tránh gây co thắt tử cung. Việc bù đủ nước, điện giải, đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho thai phụ cũng góp phần cải thiện tình trạng khó thở khi cơn hen xảy ra. Can thiệp thủ thuật, hỗ trợ hô hấp bằng thở máy nên tránh trừ trường hợp bất khả kháng. |
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!