Tin tức

Nguyên nhân, triệu chứng hen phế quản và một số thông tin liên quan

Ngày 02/01/2025
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Phương Dung
Hen phế quản là bệnh về đường hô hấp thường gặp trong cuộc sống. Biểu hiện của bệnh dễ khởi phát khi người bệnh tiếp xúc với các tác nhân dị ứng. Tùy vào mức độ bệnh mà các triệu chứng hen phế quản cũng sẽ khác nhau. Dưới đây là một số thông tin về bệnh lý bạn đọc có thể tham khảo.

1. Tìm hiểu về bệnh hen phế quản

Hen phế quản còn có một tên gọi khác là hen suyễn, đây là một bệnh lý về đường hô hấp. Theo Tổ chức hen suyễn và Dị ứng Hoa kỳ (AAFA), hen suyễn là một tình trạng mạn tính gây sưng và viêm ở các mô đường thở, dẫn đến thu hẹp đường thở, gây khó thở. Các triệu chứng của bệnh hen suyễn bao gồm thở khò khè, khó thở, tức ngực,... Bệnh xuất hiện khi cơ thể có phản ứng với những tác nhân dị nguyên, do di truyền hoặc nhiều nguyên nhân khác đến từ môi trường. 

Hen phế quản có thể khiến người bệnh gặp nhiều vấn đề trong hoạt động hàng ngày

Hen phế quản có thể khiến người bệnh gặp nhiều vấn đề trong hoạt động hàng ngày

Bệnh lý này khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày. Hen phế quản không thể chữa trị dứt điểm nhưng khi được can thiệp y tế đúng cách có thể giúp hạn chế được các triệu chứng khó chịu. Ngược lại, nếu các triệu chứng này không được kiểm soát tốt sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng như:

  • Dễ bị căng thẳng, lo âu, thậm chí là trầm cảm.
  • Thường thấy mệt mỏi, không có đủ sức lực.
  • Có nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc bị viêm phổi.
  • Khi cơn hen xuất hiện ở mức độ nặng, người bệnh có thể phải nhập viện để cấp cứu do suy hô hấp. 
  • Bệnh nhi bị hen phế quản nếu không được kiểm soát tốt có thể khiến bé chậm phát triển,... 

2. Nguyên nhân hen phế quản là gì?

Cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể dẫn đến bệnh lý này. Tuy nhiên, nhiều yếu tố di truyền và các tác nhân từ môi trường được cho là nguyên nhân gây hen suyễn, bao gồm:

  • Do tâm lý bị căng thẳng hoặc có cảm xúc quá mạnh mẽ.
  • Bị nhiễm khuẩn đường hô hấp do virus hoặc vi khuẩn gây nên.
  • Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
  • Do hoạt động quá sức.
  • Do bị nhiễm không khí lạnh.
  • Do bụi bẩn, các loại hóa chất độc hại, khói thuốc, phấn hoa,...
  • Bệnh nhân trào ngược dạ dày.
  • Béo phì.
  • Người đang phải dùng một số loại thuốc như aspirin, thuốc ức chế beta,...
  • Một số loại thức ăn có khả năng gây phản ứng với bệnh hen suyễn như bia, rượu, các loại trái cây sấy khô,...
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh hen suyễn.

Nhiều yếu tố là nguyên nhân gây bệnh hen phế quản

Nhiều yếu tố là nguyên nhân gây bệnh hen phế quản

3. Triệu chứng hen phế quản 

Tùy thuộc vào từng người và mức độ bệnh lý mà triệu chứng hen phế quản sẽ có sự khác nhau. Có những ca bệnh sẽ phải đối mặt với cơn hen thường xuyên, cũng có những trường hợp cơn hen xuất hiện sau khi hoạt động quá mức,.... 

Các triệu chứng của bệnh lý có thể nhận biết như:

  • Thở nhanh, thở dốc hoặc thở rít và thở khò khè. Đặc biệt, tình trạng thở rít có thể xuất hiện vào buổi tối khiến bệnh nhân khó chịu. 
  • Bệnh nhân có thể cảm thấy đau ngực (cảm giác như bị bóp nghẹt).
  • Khi bệnh nhân qua cơn khó thở thì phổi có thể xuất hiện những biểu hiện ran rít,...
  • Người bệnh có thể bị ho, xuất hiện đờm hoặc nghiêm trọng hơn là bị nhiễm trùng ở đường hô hấp trên.
  • Bị rối loạn giấc ngủ hoặc khó thở do ngáy.

Tần suất xuất hiện những cơn hen sẽ ngày một nhiều hơn khi bệnh tiến triển nặng. Người bệnh sẽ có xu hướng thở nặng nề hơn, lúc này bệnh nhân cần được sử dụng thêm thuốc cắt cơn đường hít. Khi đó, bệnh lý đã tiến triển nghiêm trọng và cần chú ý các biểu hiện như:

  • Triệu chứng hen phế quản có thể xuất hiện ngay cả khi bệnh nhân đang nghỉ ngơi hoặc chỉ vận động nhẹ nhàng. 
  • Có dấu hiệu thở rít hoặc thở dốc. 
  • Bệnh nhân sau khi dùng các loại thuốc điều trị bằng đường hít để giãn phế quản có tác dụng nhanh chóng như thuốc albuterol nhưng không có dấu hiệu cải thiện. 

Khó thở là một trong những triệu chứng hen phế quản điển hình

Khó thở là một trong những triệu chứng hen phế quản điển hình

4. Các phương pháp chẩn đoán bệnh lý

Sau khi hỏi thăm các triệu chứng hen phế quản, bác sĩ sẽ kết hợp thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác để có kết quả chẩn đoán chính xác hơn. Một vài loại xét nghiệm thường được chỉ định trong thăm khám hen phế quản gồm có:

  • Chụp X-quang phổi: Để có thể phát hiện được các biến chứng cũng như một số bệnh lý khác
  • Hô hấp ký: Để kiểm tra thể tích cũng như tốc độ của khí thở sau khi người bệnh hít thở sâu. Nhờ đó, bác sĩ có thể đánh giá được mức độ hẹp phế quản. Các chỉ số hô hấp ký cơ bản để đánh giá bao gồm PEF, VC, FVC, FEV1, PEF, nồng độ IgE.
  • Test da: Để phát hiện các tác nhân khiến người bệnh bị hen phế quản như phấn hoa, bụi mịn, lông thú cưng,...

Nhiều phương pháp xét nghiệm được chỉ định trong chẩn đoán bệnh lý

Nhiều phương pháp xét nghiệm được chỉ định trong chẩn đoán bệnh lý

5. Hen phế quản được điều trị như thế nào?

Bệnh hen suyễn rất khó để chữa trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng hen phế quản được kiểm soát tốt thì chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Vì vậy, trong điều trị hen suyễn, mục tiêu được đề ra gồm có:

  • Nhận diện, xác định cũng như phòng tránh những tác nhân có nguy cơ gây xuất hiện các cơn hen phế quản.
  • Cần chọn đúng nhóm thuốc điều trị để đẩy lùi cũng như kiểm soát được các triệu chứng của hen suyễn.

Các loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị bệnh lý này gồm có:

  • Nhóm thuốc chủ vận beta có tác dụng ngắn (SABAS) và beta dài (LABAS): làm giãn phế quản và cắt các cơn hen.
  • Thuốc kháng Leukotriene: Giúp ức chế hóa chất gây viêm tiết ra bởi hệ miễn dịch, vì vậy thuốc giúp kiểm soát cơn hen.
  • Thuốc Omalizumab: Chỉ định cho những ca bệnh bị hen suyễn dị ứng do suy giảm IgE tự do.
  • Corticoid ở dạng hít: Có công dụng làm giảm các triệu chứng hen suyễn do các tác nhân dị ứng.
  • Corticosteroid dạng uống: Giúp cắt các cơn hen nhanh chóng, tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ khi bệnh nhân sử dụng trong thời gian dài. 
  • Theophylline: Hỗ trợ giãn phế nang và cả phế quản.
  • Các liệu pháp miễn dịch: Có tác dụng giải mẫn cảm cho người bệnh hen suyễn do dị ứng. 

Sử dụng thuốc điều trị kết hợp thói quen sống lành mạnh để cải thiện bệnh lý

Sử dụng thuốc điều trị kết hợp thói quen sống lành mạnh để cải thiện bệnh lý

Ngoài việc điều trị theo thuốc kê đơn của bác sĩ, người bệnh cũng cần thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh hơn, tránh các yếu tố có nguy cơ gây dị ứng để quá trình điều trị hiệu quả và làm giảm các ảnh hưởng xấu đối với bệnh lý. 

Ngoài việc nắm rõ các triệu chứng hen phế quản để sớm phát hiện bệnh lý, bạn cũng nên hình thành thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ. Bạn có thể tham khảo và lựa chọn thăm khám tại cơ sở y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các bác sĩ chuyên khoa kiểm tra cụ thể và tư vấn. Để đặt lịch khám, Quý khách có thể liên hệ đường dây nóng 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ