Các tin tức tại MEDlatec

Người mắc hội chứng nhược cơ có thể sống được bao lâu?

Ngày 25/05/2021
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Hội chứng nhược cơ là một dạng bệnh tự miễn gây ra nhiều vấn đề yếu cơ khác nhau trên cơ thể. Triệu chứng nhược cơ có thể tiến triển nặng trong một vài năm, gây biến chứng nguy hiểm. Đa phần bệnh nhân tử vong do nhược cơ ảnh hưởng và gây biến chứng hô hấp. Phát hiện sớm và điều trị sẽ có thể làm chậm tiến triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

1. Tìm hiểu về hội chứng nhược cơ

Hội chứng nhược cơ là bệnh lý thần kinh cơ mạn tính, được xếp vào nhóm bệnh tự miễn. Nguyên nhân do sự tồn tại của kháng thể kháng thụ thể trên màng tế bào cơ, khiến sức khỏe và hoạt động của cơ bị rối loạn với nhiều mức độ khác nhau.

Nhóm cơ thường chịu ảnh hưởng đầu tiên và nghiêm trọng nhất trong hội chứng này là cơ vân, cơ mặt, cơ vận nhãn, cơ hô hấp, cơ nhai, cơ tứ chi,… Tình trạng suy giảm sức cơ trong hội chứng nhược cơ sẽ ngày càng tiến triển nặng,

1.1. Các nhóm phân loại hội chứng nhược cơ

Theo nhóm cơ bị ảnh hưởng, hội chứng nhược cơ chia thành các nhóm bệnh sau:

  • Nhóm 1: khi tình trạng nhược cơ chỉ xảy ra ở cơ vận nhãn như cơ nâng mi, đây là dạng bệnh nhẹ nhất và thường đáp ứng điều trị tốt nhất.

  • Nhóm 2A: Khi nhiều nhóm cơ trong cơ thể bị ảnh hưởng như cơ thân mình, cơ ở chi, cơ hô hấp,… nhưng chỉ ảnh hưởng mức độ nhẹ.

  • Nhóm 2B: Khi nhiều nhóm cơ trong cơ thể bị suy yếu ở mức độ vừa, triệu chứng như sụp mí, nói ngọng, nuốt sặc, yếu chi,…

Hội chứng nhược cơ gây suy yếu cơ hô hấp có thể khiến người bệnh tử vong

  • Nhóm 3: Ở nhóm này, các cơ toàn thân đều bị suy yếu và nghiêm trọng chỉ trong vòng vài tháng. Biến chứng liệt cơ hô hấp có thể xảy ra, tỉ lệ tử vong cao và đáp ứng điều trị kém.

  • Nhóm 4: Ở nhóm bệnh này, nhược cơ diễn tiến mãn tính, kéo dài nhiều năm.

1.2. Nguyên nhân gây bệnh

Được xếp vào nhóm bệnh tự miễn, nguyên nhân dẫn tới hội chứng nhược cơ là tình trạng giảm, mất liên tục trong quá trình dẫn truyền các xung động thần kinh đến các cơ tương ứng, từ đó gây yếu và liệt cơ. Nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng này chưa được làm rõ, song 1 số yếu tố liên quan đã được xác định bao gồm;

  • Sự tồn tại của kháng thể kháng enzyme kinase.

  • Sự xuất hiện các tự kháng thể phá hủy thụ cảm của acetylcholin.

  • Bệnh lý tuyến ức.

2. Biến chứng hội chứng nhược cơ nguy hiểm như thế nào?

Ảnh hưởng cơ bản của hội chứng nhược cơ là các vấn đề mỏi, yếu cơ ngày càng nghiêm trọng khi mức độ liệt cơ tiến triển nặng dần. Triệu chứng thường nặng dần từ sáng đến chiều do vào buổi sáng, sau 1 đêm nghỉ ngơi chất dẫn truyền thần kinh tăng lên, vận động cơ được thực hiện dễ dàng, trơn tru hơn vào buổi sáng.

Biến chứng hô hấp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người mắc hội chứng nhược cơ

Song theo thời gian đến cuối ngày, khi lượng Ach giảm dần thì các triệu chứng nhược cơ ngày càng rõ ràng, hoạt động của cơ yếu đi thấy rõ. Triệu chứng nhược cơ rất đa dạng thể hiện ở mọi cơ trên cơ thể, song biến chứng nguy hiểm nhất là biến chứng hô hấp. Khi xảy ra tình trạng yếu, liệt các cơ hô hấp như cơ hoành, cơ thang, cơ ức đòn chũm, cơ liên sườn,… biến chứng nuốt sặc, ho khác, suy hô hấp có thể xảy ra và khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.

Cùng với đó, hội chứng nhược cơ khiến cho bệnh nhân luôn trong tình trạng cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, giảm và mất khả năng tập trung. Vì thế sức khỏe, chất lượng cuộc sống và hoạt động hàng ngày của người bệnh cũng chịu nhiều ảnh hưởng.

3. Người mắc hội chứng nhược cơ có thể sống bao lâu?

Tiên lượng thời gian sống của bệnh nhân mắc hội chứng nhược cơ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điển hình như: phát hiện bệnh sớm hay muộn, bệnh nhân có tuân thủ điều trị không, khả năng đáp ứng điều trị thế nào, tình trạng sức khỏe và phục hồi của người bệnh,…

Thực tế, không ít bệnh nhân mắc hội chứng nhược cơ có thể sống cuộc sống bình thường và tuổi thọ tương đương với người bình thường. Tuy nhiên, để có tiên lượng tốt, bệnh nhân phải có chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động hợp lý và điều trị, theo dõi bệnh tích cực, liên tục.

Tiên lượng sống của người bệnh nhược cơ còn phụ thuộc vào tiến triển bệnh

Người mắc chứng nhược cơ nên thực hiện một số điều sau để kiểm soát tiến triển bệnh và tăng thời gian sống:

  • Có kế hoạch và tuân thủ kế hoạch sinh hoạt, làm việc, lao động hàng ngày để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.

  • Chọn cơ cơ y tế chuyên khoa uy tín, bác sĩ điều trị tận tâm, có chuyên môn để được theo dõi, thăm khám, điều trị hiệu quả, đúng đắn và sát sao. Nếu đang phân vân lựa chọn địa chỉ khám và điều trị hội chứng nhược cơ, hãy liên hệ với chuyên gia MEDLATEC, chúng tôi đã và đang theo dõi, điều trị kéo dài cho nhiều bệnh nhân nhược cơ có tiến triển tốt.

  • Tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc, đúng và đủ liều, không tự ý tăng giảm liều thuốc và sử dụng sai cách dẫn đến tác dụng không mong muốn.

  • Hạn chế mệt mỏi, làm việc gắng sức.

  • Hạn chế căng thẳng, mệt mỏi, yếu tố tinh thần ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của hệ cơ cũng như tiến triển bệnh nhược cơ.

  • Bảo vệ cơ thể, hạn chế tối đa tình trạng nhiễm trùng bằng cách hạn chế tiếp xúc với đám đông nhất là trong mùa dịch, hạn chế và xử lý tốt khi có vết thương hở, giữ ấm tốt tránh nhiễm lạnh.

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ khi cần sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng khác để tránh ảnh hưởng đến khả năng dẫn truyền thần kinh - cơ và khiến hội chứng nhược cơ nghiêm trọng hơn.

Hội chứng nhược cơ là bệnh liên quan đến miễn dịch nên việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Sự ra đời và hiệu quả bước đầu của phương pháp ức chế miễn dịch trong điều trị nhiều bệnh lý tương ứng đem lại cơ hội điều trị tốt hơn cho bệnh nhân nhược cơ.

Dù đạt hiệu quả tốt song bệnh nhân theo dõi phương pháp ức chế miễn dịch cần kiên trì sử dụng thuốc điều trị trong nhiều năm, thậm chí là suốt đời. Một số tác dụng phụ cho hệ tiêu hóa, dạ dày,… có thể gặp phải nhưng không quá nguy hiểm.

Liệu pháp miễn dịch giúp bệnh nhân nhược cơ có cuộc sống bình thường

Hội chứng nhược cơ dù không thể chữa khỏi hoàn toàn và loại bỏ tận gốc bệnh nhưng phát hiện sớm, điều trị tích cực sẽ giúp kiểm soát triệu chứng, ức chế tiến triển bệnh hiệu quả.

Nếu cần tư vấn và hỗ trợ điều trị, hãy liên hệ với chuyên gia MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 hoặc hệ thống y tế MEDLATEC trên toàn quốc.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.