Các tin tức tại MEDlatec

Nguyên nhân khò khè ở trẻ em và các vấn đề liên quan

Ngày 01/09/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Khò khè là triệu chứng hô hấp khá thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể gặp khi trẻ thở ra hoặc hít vào. Tiếng thở khò khè này khác với nghẹt thở do ngạt mũi hay cảm cúm, đôi khi là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm. Cần xác định nguyên nhân khò khè ở trẻ em để khắc phục hiệu quả.

1. Cách nhận biết trẻ em bị thở khò khè

Tiếng thở khò khè bất thường có âm sắc trầm khác biệt, cha mẹ hãy chú ý lắng nghe, nhất là giai đoạn trẻ thở ra. Khi áp sát tai vào gần miệng trẻ, có thể thấy tiếng khò khè ở trẻ giống như tiếng ngáy hay tiếng nhạc. Nếu thở khò khè kèm theo khó thở, âm thanh sẽ nặng nề, kéo dài, trẻ phải gắng sức để thở.

Khò khè là triệu chứng đường thở khá thường gặp ở trẻ

Song cũng có những trường hợp tiếng thở khò khè nhỏ hoặc không rõ ràng nên không thể nhận biết bằng tai nghe thông thường. Nếu nghi ngờ triệu chứng, bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để phóng đại nghe rõ âm thanh hơn, tiếng thở khò khè qua ống nghe là tiếng ran rít hoặc ran ngáy.

Trẻ bị thở khò khè rất dễ nhầm lẫn với tiếng thở khó do tắc mũi khi cảm cúm, nghẹt mũi. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh, kích thước lỗ mũi nhỏ và hệ hô hấp nhạy cảm nên nguy cơ viêm đường hô hấp, tắc lỗ mũi rất cao. Để phân biệt, cha mẹ có thể dùng nước muối nhỏ mũi từ 2 - 3 giọt, nếu do tắc nghẽn đường mũi thì chất nhầy lưu thông sẽ trả về tiếng thở bình thường, âm thanh êm và dễ nghe hơn. Ngược lại tiếng thở khò khè không cải thiện thì cần theo dõi, đưa trẻ đi khám tìm nguyên nhân khác.

2. Nguyên nhân khò khè ở trẻ em thường gặp nhất

Có rất nhiều nguyên nhân gây thở khò khè ở trẻ nhỏ, tùy theo nguyên nhân mà đặc điểm triệu chứng sẽ khác nhau. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:

Thở khò khè có thể do trẻ mắc bệnh đường hô hấp dưới

Trẻ mắc bệnh lý tắc nghẽn đường hô hấp dưới

Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 2 - 3 tuổi có hệ hô hấp chưa phát triển toàn diện, đặc biệt phế quản có kích thước nhỏ nên dễ bị phù nề, co thắt và tiết dịch dẫn đến viêm nhiễm hơn. Khi mắc bệnh lý gây tắc nghẽn đường hô hấp từ khí quản ngực đến các phế quản nhỏ, tình trạng thở khò khè thường xảy ra.

Trẻ mắc bệnh hô hấp

Trẻ mắc một trong các bệnh lý đường hô hấp sau đều có thể có triệu chứng thở khò khè, bao gồm: viêm phổi, viêm tiểu phế quản, bệnh hen suyễn, viêm phế quản,…

Trong đó, viêm tiểu phế quản đặc biệt thường gặp ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, còn thở khò khè ở trẻ trên 18 tuổi thường do suyễn nhiều hơn.

Nguyên nhân khác

Thở khò khè ở trẻ có thể do những nguyên nhân ít gặp hơn như: phế quản bị chèn ép, lao, dị vật đường thở, dị tật bẩm sinh ở phế quản, phù phổi,… Nếu do những nguyên nhân này, tình trạng thở khò khè thường kéo dài dai dẳng, dễ tái phát và khó điều trị hơn.

3. Nhận diện bệnh lý dựa vào tiếng thở khò khè ở trẻ

Tùy theo từng nguyên nhân mà đặc điểm triệu chứng thở khò khè có thể khác nhau, hơn nữa mức độ nguy hiểm và điều trị cũng khác nhau.

3.1. Tiếng thở khò khè phát ra như có tiếng khàn khàn

Tình trạng tắc nghẽn ở thanh quản thường khiến trẻ thở khò khè và phát ra âm thanh khàn khàn đặc trưng. Dấu hiệu này thường gặp ở trẻ bị viêm thanh khí phế quản, gây phù nề thanh quản, khí quản, khiến đường dẫn khí bị hẹp đi và hơi thở nặng nề hơn.

3.2. Tiếng thở khò khè kéo dài

Nếu thở khò khè kéo dài, nhất là trẻ sơ sinh thì nguy cơ cao do các bệnh đường hô hấp như: viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, tắc nghẽn đường hô hấp dưới,… Ngoài ra có thể do dị vật đường thở hoặc chấn thương gây chèn ép phế quản.

Nếu thở khò khè kèm theo thở dốc, khó thở nặng có thể do viêm phổi

3.3. Tiếng thở khò khè kèm thở dốc

Tình trạng này thường là dấu hiệu của viêm phổi, sự tích tụ dịch lỏng bên trong các phế nang do vi khuẩn hay virus sẽ khiến trẻ thở nhanh, thở dốc hơn bình thường. Cần cẩn thận nếu trẻ xuất hiện dấu hiệu thở dốc, xanh tím, ho dai dẳng cho thấy tình trạng bệnh nặng và nguy cơ biến chứng cao.

4. Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị khò khè

Mặc dù hầu hết trường hợp trẻ bị thở khò khè là dấu hiệu hô hấp không quá nguy hiểm, song trẻ sơ sinh trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, hệ hô hấp nhạy cảm nên vẫn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám. Cần xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng thở này mới có biện pháp điều trị phù hợp. Tuân theo chỉ dẫn điều trị của bác sĩ sẽ giúp cải thiện nhanh chóng và an toàn triệu chứng thở khò khè.

Về chăm sóc cho trẻ bị thở khò khè, cần lưu ý những vấn đề sau:

4.1. Dùng nước muối sinh lỹ nhỏ mũi cho bé

Đây là cách làm sạch đường mũi đơn giản và nhanh chóng cho bé. Trẻ sẽ dễ thở hơn và triệu chứng thở khò khè cũng giảm bớt. Cần vệ sinh thường xuyên nhưng đúng cách để tránh gây tổn thương mũi cho bé mà vẫn đảm bảo làm sạch tốt.

Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý và hút mũi giúp hạn chế tình trạng tắc nghẽn đường thở

4.2. Không nên tự ý sử dụng thuốc

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng đặc biệt, cần đặc biệt cẩn trọng trước khi dùng bất cứ thuốc điều trị nào. Vì thế cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc long đờm, thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm,… trong điều trị tình trạng thở khò khè.

4.3. Theo dõi triệu chứng bệnh

Cha mẹ và người chăm sóc cần lưu ý theo dõi sát sao tình trạng bệnh ở trẻ, nếu thở khò khè đi kèm với triệu chứng nặng như: ho, sốt, thở nhanh,… thì cần điều trị y tế càng sớm càng tốt tránh gây biến chứng nặng.

Như vậy, xác định nguyên nhân khò khè ở trẻ em là rất quan trọng trong điều trị và phòng ngừa bệnh. Không nên chủ quan vì bệnh có thể tiến triển nặng gây tổn thương nghiêm trọng hệ hô hấp của trẻ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.