Các tin tức tại MEDlatec

Nguyên nhân rong kinh ở phụ nữ do đâu? Khi nào cần đi khám?

Ngày 01/07/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Rong kinh có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe phụ khoa nghiêm trọng. Tình trạng này nếu kéo dài dễ dẫn đến thiếu máu, ảnh hưởng đến sinh sản và chất lượng cuộc sống. Vậy nguyên nhân rong kinh ở phụ nữ do đâu và khi nào cần đi khám? Đây là những câu hỏi quan trọng mà bất kỳ chị em nào cũng nên biết rõ để kịp thời xử lý khi bị rong kinh.

1. Rong kinh là gì?

Rong kinh là hiện tượng kinh nguyệt kéo dài quá mức, thường trên 7 ngày, kèm theo lượng máu ra nhiều hơn so với chu kỳ thông thường. Tình trạng này được xem là một dạng rối loạn kinh nguyệt khá phổ biến, có thể ảnh hưởng đến phụ nữ ở nhiều giai đoạn khác nhau trong đời, từ tuổi dậy thì cho đến giai đoạn tiền mãn kinh.

Rong kinh là hiện tượng kinh nguyệt kéo dài quá mức, thường trên 7 ngày, kèm theo lượng máu ra nhiều hơn so với chu kỳ thông thường

Một số biểu hiện thường gặp giúp nhận biết tình trạng rong kinh ở nữ giới bao gồm:

  • Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày.
  • Lượng máu kinh ra nhiều bất thường, đôi khi xuất hiện máu cục đi kèm.
  • Cần thay băng vệ sinh thường xuyên, kể cả trong lúc ngủ ban đêm.
  • Cơ thể có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt do mất máu kéo dài…

Nhiều người thường nhầm lẫn rong kinh với hiện tượng chu kỳ dài hơn bình thường hoặc máu kinh ra rải rác nhiều ngày. Tuy nhiên, rong kinh là hiện tượng chị em bị ra máu nhiều và kéo dài đúng vào chu kỳ kinh nguyệt. Còn kinh nguyệt bất thường là là chu kỳ kinh nguyệt không theo 1 chu kỳ nhất định, không đúng ngày hoặc máu kinh lúc nhiều, lúc ít,...

2. Nguyên nhân rong kinh ở phụ nữ do đâu?

Rong kinh có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ rối loạn nội tiết đơn thuần cho đến các bệnh lý phụ khoa hoặc tình trạng toàn thân. Việc xác định đúng nguyên nhân đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn hướng điều trị phù hợp. 

Dưới đây là các nhóm nguyên nhân rong kinh ở phụ nữ phổ biến:

2.1. Rối loạn nội tiết tố

Sự mất cân bằng giữa hormone estrogen và progesterone có thể khiến lớp niêm mạc tử cung phát triển quá mức và bong tróc không đều, dẫn đến chảy máu kéo dài. Tình trạng này thường gặp ở nữ giới trong giai đoạn dậy thì hoặc tiền mãn kinh - khi hoạt động của buồng trứng chưa ổn định hoặc đang suy giảm dần. Ngoài ra, căng thẳng kéo dài, thay đổi cân nặng nhanh chóng hoặc mất ngủ cũng có thể làm rối loạn nội tiết và gây rong kinh.

2.2. Bệnh lý ở tử cung và buồng trứng

Những tổn thương tại cơ quan sinh sản như u xơ tử cung, polyp trong lòng tử cung, lạc nội mạc tử cung hoặc viêm nội mạc tử cung đều có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng ra máu bất thường và kéo dài. 

Bệnh lý ở tử cung hoặc buồng trứng có thể là nguyên nhân rong kinh ở phụ nữ

Ngoài ra, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) - một tình trạng rối loạn hormone sinh dục - cũng khiến chu kỳ rối loạn, dẫn đến rong kinh hoặc thậm chí vô kinh thứ phát.

2.3. Rối loạn đông máu hoặc bệnh lý toàn thân

Một số phụ nữ mắc các bệnh lý về đông máu bẩm sinh như bệnh Von Willebrand hoặc các rối loạn chức năng gan - thận mạn tính có thể gặp tình trạng rong kinh kéo dài do máu khó đông. Đây là nguyên nhân ít được nghĩ đến nhưng lại khá phổ biến ở những người có tiền sử chảy máu cam, bầm tím dễ dàng hoặc chảy máu răng lợi không rõ lý do.

2.4. Tác dụng phụ của thuốc hoặc can thiệp y khoa

Một số loại thuốc như thuốc tránh thai nội tiết, thuốc chống đông máu hoặc corticosteroid có thể làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt và dẫn đến rong kinh. Bên cạnh đó, việc đặt vòng tránh thai không đúng kỹ thuật, phá thai không an toàn hoặc sót nhau thai cũng là những yếu tố góp phần gây ra tình trạng chảy máu kéo dài.

3. Khi nào phụ nữ bị rong kinh cần đi khám bác sĩ?

Chị em nên chủ động đi khám phụ khoa nếu gặp phải các dấu hiệu bất thường liên quan đến rong kinh như:

  • Kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày và lặp lại nhiều chu kỳ liên tiếp.
  • Lượng máu kinh nhiều bất thường, phải thay băng vệ sinh liên tục (khoảng 1-2 giờ/lần).
  • Có máu cục lớn hoặc rong kinh kèm rong huyết ngoài chu kỳ.
  • Cơ thể suy nhược, chóng mặt, hoa mắt do mất máu quá nhiều.
  • Rong kinh xuất hiện sau khi dùng thuốc hoặc can thiệp y khoa như đặt vòng tránh thai, phá thai.
  • Chu kỳ rối loạn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và chất lượng công việc.

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, chị em nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được xác định nguyên nhân chính xác và điều trị phù hợp, tránh các biến chứng nghiêm trọng như: thiếu máu, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc các bệnh phụ khoa khác…

4. Giải đáp thắc mắc liên quan đến rong kinh ở phụ nữ

Dưới đây là giải đáp cho một số câu hỏi liên quan đến rong kinh thường được chị em quan tâm:

4.1. Rong kinh có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?

Rong kinh kéo dài có thể là dấu hiệu của các vấn đề phụ khoa như viêm nội mạc tử cung, u xơ tử cung hay rối loạn nội tiết, những nguyên nhân này nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Ngoài ra, rong kinh kéo dài cũng gây thiếu máu, làm suy giảm sức khỏe tổng thể và giảm khả năng mang thai. Tuy nhiên, nếu được khám và xử lý đúng cách, phần lớn chị em vẫn có thể bảo toàn khả năng sinh sản.

4.2. Rong kinh có phải do đặt vòng tránh thai không?

Đặt vòng tránh thai, đặc biệt là vòng tránh thai nội tiết, có thể gây ra tác dụng phụ là rong kinh hoặc chảy máu nhiều hơn ở một số chị em. Tuy nhiên, không phải ai đặt vòng cũng gặp tình trạng này và rong kinh do vòng tránh thai thường xuất hiện trong vài tháng đầu sau khi đặt. Nếu rong kinh kéo dài hoặc nghiêm trọng, cần đến khám bác sĩ để được đánh giá và xử trí kịp thời.

4.3. Phụ nữ bị rong kinh có nên kiêng vận động hay làm việc nặng?

Khi rong kinh, cơ thể chị em thường mệt mỏi và dễ mất sức do mất máu. Vì vậy, chị em nên tránh các hoạt động gắng sức, làm việc nặng hoặc vận động quá mức để bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, việc nghỉ ngơi hợp lý và duy trì các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ hay tập thở vẫn có lợi cho tuần hoàn máu và tinh thần.

4.4. Khi rong kinh có nên sử dụng thuốc thuốc cầm máu không?

Chị em chỉ nên sử dụng thuốc cầm máu chỉ nên dùng khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ. Tự ý dùng thuốc mà không có hướng dẫn có thể che giấu triệu chứng hoặc làm tình trạng nặng hơn, nên tốt nhất hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Chị em nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa khi gặp tình trạng rong kinh kéo dài

Nếu còn thắc mắc về nguyên nhân rong kinh ở phụ nữ hay cần tìm hiểu hướng điều trị phù hợp, chị em hãy đến ngay Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các bác sĩ Sản phụ khoa thăm khám và tư vấn cụ thể. Quý khách hàng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ đặt lịch khám nhanh chóng.

Từ khoá: rong kinh kinh nguyệt

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.