Các tin tức tại MEDlatec

Những biểu hiện của bệnh tay chân miệng mẹ không nên bỏ qua

Ngày 04/03/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể gây biến chứng nếu không được kịp thời điều trị. Dưới đây là những biểu hiện của bệnh tay chân miệng cũng như cách phòng ngừa bệnh mà các bậc phụ huynh không nên bỏ qua để bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho con yêu.

1. Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là một dạng bệnh truyền nhiễm, nó có thể lây qua đường tiếp xúc. Virus coxsackievirus A16 và enterovirus 71 sống trong đường tiêu hóa chính là nguyên nhân gây bệnh.

Bệnh tay chân miệng là bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi

Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch kém nên khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh thấp vì thế mà sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn so với các nhóm tuổi khác. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, căn bệnh này vẫn có thể gặp ở những trẻ lớn hơn và người trưởng thành.

Nếu được chăm sóc tốt, đúng cách, bệnh có thể khỏi trong khoảng 2 tuần. Nhưng ngược lại, nếu mẹ không biết cách chăm sóc hay chủ quan khi trẻ bị bệnh thì những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, đặc biệt là viêm màng não,viêm cơ tim những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tay chân miệng là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, những trẻ thường xuyên chơi ở những nơi công cộng nhưng không đảm bảo vệ sinh, trẻ không được vệ sinh sạch sẽ tạo điều kiện cho virus dễ xâm nhập vào cơ thể,…

2. Những biểu hiện của bệnh tay chân miệng

Thời gian đầu bị bệnh, trẻ sẽ có những triệu chứng gần giống với bệnh cảm cúm, chẳng hạn như tình trạng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng,… Đến khoảng 1, 2 ngày sau, cơ thể bé sẽ xuất hiện tình trạng nổi bóng nước trên da và vùng quanh miệng, bên trong má, trong lòng bàn tay và bàn chân, mông hoặc vùng hậu môn. Đây là biểu hiện mà mẹ rất dễ nhận biết.

Bé sẽ xuất hiện tình trạng nổi bóng nước trên da và vùng quanh miệng

Lúc đầu, những nốt ban này sẽ khá mờ, phẳng và có màu đỏ hồng, chỉ giống như một vết sẹo nhỏ. Dần dần nó sẽ trở thành những nốt phồng rộp giống như bóng nước, trong nó có chứa dịch. Sau khoảng 1 đến 2 tuần thì tình trạng này sẽ biến mất.

Mẹ nên lưu ý đặc biệt đối với trẻ sơ sinh. Khi bé sơ sinh bị nổi bóng nước ở trong miệng hay cổ họng, lúc đó bé không thể nói với bố mẹ được vì còn quá nhỏ. Chính vì thế, nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt, chán ăn, thì cách tốt nhất là mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời.

Bên cạnh những vấn đề kể trên thì trẻ còn cần chú ý đến những điều sau:

Đau nhức đầu, cơ bắp, đau cứng cổ.

Trẻ hay bị chảy nước dãi và đau họng.

Chỉ ăn thức ăn dạng lỏng và thích uống lạnh.

Bồn chồn, dễ giật mình, ngủ không ngon giấc, ngủ li bì.

Trong trường hợp phải tiếp xúc với nguồn lây, trẻ có thể ủ bệnh khoảng 6 ngày sau, những biểu hiện của bệnh tay chân miệng mới xuất hiện. Một số trường hợp, trẻ có những dấu hiệu bệnh rất nhẹ khiến cho mẹ dễ chủ quan và dẫn đến những rủi ro không đáng có.

3. Các phương pháp điều trị bệnh chân tay miệng

Phần lớn các trường hợp bị bệnh tay chân miệng có thể điều trị ngoại trú hoặc được theo dõi tại các cơ sở y tế. Một số trường hợp cần nhập viện điều trị khi trẻ sốt cao trên 39 độ C, tình trạng sốt kéo dài hơn 3 ngày, trẻ nôn nhiều, ngủ li bì và bạch cầu máu hoặc có những triệu chứng tổn thương thần kinh hoặc triệu chứng tim mạch.

Một số trường hợp, trẻ có những dấu hiệu bệnh rất nhẹ khiến cho mẹ dễ chủ quan

Khi điều trị tại nhà, mẹ lưu ý:

Nên cho bé uống nhiều nước để phòng ngừa tình trạng mất nước.

Cho bé súc miệng bằng những loại nước dành riêng cho người bệnh, có tác dụng giảm đau, giảm phản ứng viêm cho trẻ.

Tham khảo bác sĩ để sử dụng loại thuốc hạ sốt thích hợp cho trẻ.

Cho bé ăn các loại thức ăn lỏng. Nếu trẻ khó nuốt, mẹ có thể chia nhỏ khẩu phần và cho bé ăn từng chút một. Một số loại đồ ăn như kem hoặc thạch cũng rất phù hợp cho trẻ bị bệnh này.

Vệ sinh hàng ngày cho trẻ để tránh tình trạng nhiễm khuẩn lan rộng.

Cha mẹ chăm sóc trẻ cũng lưu ý phải rửa tay thường xuyên và đúng cách.

Có thể bôi Xanh methylen lên các vết loét nhằm hạn chế tình trạng nhiễm trùng.

Tuyệt đối không dùng aspirin vì có thể gây ra hội chứng Reye rất nguy hiểm.

Khi chăm sóc trẻ mẹ cũng nên lưu ý, để tránh bị lây nhiễm bệnh từ con.

4. Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh và căn bệnh này lại rất dễ bị lây nhiễm qua đường tiếp xúc với người bị bệnh, tiếp xúc với dịch nhầy mũi hoặc dịch tiết ra từ những nốt phồng bị vỡ.

Nên kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả

Để phòng ngừa nguy cơ con mắc bệnh cho con, bạn nên:

Không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ bị bệnh.

Hướng dẫn trẻ cách rửa tay sạch sẽ.

Nên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sạch nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước bữa ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi thay bỉm, tã cho bé.

Nên rửa tay sạch sẽ trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ. Thực hiện tốt việc ăn chín, uống sôi.

Thường xuyên rửa, khử trùng những đồ chơi của trẻ hoặc các đồ vật mà trẻ thường xuyên tiếp xúc. Không nên để trẻ tiếp xúc với bất kỳ đồ vật nào mà chưa được khử trùng.

Lưu ý vệ sinh tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế và những bề mặt hay tiếp xúc khác,…

Nên phơi chăn màn dưới ánh nắng mặt trời để vi khuẩn được tiêu diệt tối đa.

Trên đây là những thông tin về biểu hiện của bệnh tay chân miệng, cách chăm sóc khi trẻ bị bệnh và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả. Đây là một căn bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ, vì thế, bố mẹ nên chú ý đến những dấu hiệu bất thường của trẻ và kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Tránh việc chủ quan dẫn đến những rủi ro không đáng có.

Bạn có thể gọi đến số 1900 56 56 56 để được các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn chi tiết hơn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.