Các tin tức tại MEDlatec

Những thông tin cần biết về tình trạng lác đồng tiền ở trẻ em

Ngày 11/02/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Lác đồng tiền ở trẻ em tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị tích cực, bệnh sẽ lây lan nhanh và làm trẻ ngứa ngáy, khó chịu, quấy khóc và thường xuyên cào gãi. Dưới đây là tổng hợp các cách điều trị lác đồng tiền ở trẻ để các bậc phụ huynh tham khảo và áp dụng.

1. Nguyên nhân gây lác đồng tiền ở trẻ em

Lác đồng tiền là tên gọi khác của hắc lào. Căn nguyên của bệnh là do nấm Dermatophytes gây ra, ngoài ra, cũng có nhiều nguyên nhân làm tăng nguy cơ lác đồng tiền ở trẻ em bao gồm:

Điều kiện sinh hoạt kém

Trẻ sinh hoạt trong môi trường ẩm thấp, ô nhiễm, nhiều bụi bẩn và nấm mốc rất dễ gặp các vấn đề về da, trong đó có lác đồng tiền. Ngoài ra, nguồn nước dùng để tắm rửa bị nhiễm phèn và tạp chất cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt, với trẻ cơ địa dị ứng, cơ thể tiết nhiều mồ hôi, tình trạng bệnh càng thêm nghiêm trọng.

Tắm rửa bằng nguồn nước không sạch làm tăng nguy cơ lác đồng tiền

Không vệ sinh thân thể

Cấu trúc da của trẻ mỏng manh, nhạy cảm. Trong khi đó, trẻ lại thích vui chơi ở những nơi không an toàn, nhiều vi nấm trú ngụ. Nếu ba mẹ không thường xuyên tắm rửa, thay đồ cho trẻ thì đây là điều kiện thuận lợi gây ra tình trạng nhiễm trùng da, nhất là ở các vùng da có nếp gấp như cổ, nách, bẹn,…

Lây lan bệnh từ bên ngoài

Hắc lào là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây từ người sang người, từ động vật sang người và từ vùng da này sang vùng da khác. Trẻ sau khi tiếp xúc với người bệnh, động vật hay bất cứ vật dụng nào mang mầm bệnh (chăn ga gối nệm, khăn lau, mặt bàn, tay vịn cầu thang,…) rất dễ bị nhiễm bệnh do hệ miễn dịch yếu.

2. Nhận biết triệu chứng trẻ bị lác đồng tiền

Các biểu hiện của lác đồng tiền ở trẻ em dễ nhận biết, có thể kể đến như:

  • Bề mặt da xuất hiện một hoặc nhiều đốm tròn với kích thước khác nhau, hình dạng giống như đồng tiền.
  • Vết lác đồng tiền màu đỏ, gây ngứa, đặc biệt ngứa nhiều vào ban đêm hay khi cọ xát với bề mặt nào đó.
  • Trên các vết lác đồng tiền có vảy hoặc mụn nước li ti. Trẻ thường có xu hướng cào, gãi các vảy và mụn nước này.

Trẻ bị lác đồng tiền rất ngứa ngáy, khó chịu 

Những biểu hiện trên trở nên rõ ràng và nghiêm trọng hơn khi trẻ mặc quần áo chật chội, bí bách hoặc đổ mồ hôi nhiều do thời tiết oi bức hay sau khi vui chơi, vận động. Vị trí dễ bị lác đồng tiền nhất là mặt, bụng, lưng, cánh tay, háng,… Từ những vị trí này, vết lác nhanh chóng lây lan sang vùng khác nếu không được điều trị tích cực.

3. Lác đồng tiền ở trẻ em - Khi nào cần đi khám?

Nhắc đến cách điều trị lác đồng tiền ở trẻ em, dân gian xưa vẫn truyền nhau những phương pháp như đắp tỏi, đắp chuối xanh hay nha đam trực tiếp lên vùng da cần xử lý. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, những cách trị lác đồng tiền ở trẻ em theo dân gian không phải lúc nào cũng phù hợp và hiệu quả. Mặt khác, cũng không có nghiên cứu nào chứng minh các phương pháp này là an toàn, chưa kể còn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì làn da trẻ mỏng và nhạy cảm, cộng với các nguyên liệu được sơ chế không cẩn thận, dễ dẫn đến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Do đó, ba mẹ không nên tự ý áp dụng mà cần đưa trẻ đi thăm khám nếu thấy các dấu hiệu sau: 

  • Vết lác lan rộng hơn: Vết hắc lào bắt đầu lan rộng hơn ra các vùng da xung quanh.
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng: Vùng da trở nên đỏ, sưng tấy, nóng, hoặc có mủ, đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
  • Đau đớn hoặc khó chịu: trẻ ngứa ngáy, quấy khóc và cào gãi nhiều, ba mẹ nên chủ động đưa trẻ đi thăm khám.
  • Không thuyên giảm sau điều trị tại nhà: Nếu đã áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà như vệ sinh vùng da bị ảnh hưởng sạch sẽ và khô ráo mà tình trạng không cải thiện, bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ.
  • Ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày: Nếu lác đồng tiền khiến trẻ khó khăn trong việc đi lại, ngủ nghỉ, hoặc các hoạt động hàng ngày, ba mẹ cũng cần cho trẻ đi gặp bác sĩ để nhanh chóng tìm kiếm giải pháp khắc phục.

Điều quan trọng là ba mẹ phải theo dõi các triệu chứng của trẻ và tham vấn ý kiến bác sĩ ngay khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường. Việc điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa các biến chứng và giúp trẻ nhanh chóng hồi phục. Bên cạnh đó, ba mẹ tuyệt đối không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc uống, thuốc bôi hay kem bôi nào cho trẻ nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.

4. Chăm sóc trẻ bị lác đồng tiền

Song song với việc đưa trẻ đi khám và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, bạn cần thực hiện các việc sau trong quá trình chăm sóc trẻ bị lác đồng tiền:

  • Tắm rửa hàng ngày cho trẻ, sử dụng nguồn nước sạch và loại sữa tắm dịu nhẹ, lành tính, phù hợp với tình trạng da.
  • Sau khi tắm, dùng khăn mềm sạch lau khô người bé, sau đó mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
  • Dưỡng da cho trẻ bằng các sản phẩm được bác sĩ kê toa. Tuân thủ liều dùng và cách dùng theo chỉ định.
  • Sau khi trẻ vui chơi, vận động, tiếp xúc với chó mèo,… cần vệ sinh mặt mũi, tay chân và thay đồ cho bé. 
  • Hướng dẫn trẻ không được chạm, sờ, cào, gãi các vết bệnh để tránh làm trầy xước, chảy máu, nhiễm trùng. 
  • Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, đảm bảo không gian sinh hoạt sạch sẽ, thoáng đãng. 
  • Tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, khuyến khích trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây. 

Chú ý vệ sinh thân thể cho bé mỗi ngày để phòng bệnh

Hy vọng với những chia sẻ trên, ba mẹ sẽ biết nên làm gì với bệnh lác đồng tiền ở trẻ em. Nếu vẫn còn thắc mắc, cha mẹ hãy đưa bé đến khám tại Chuyên khoa Nhi - Hệ thống Y tế MEDLATEC. Quý khách có thể gọi đến số 1900 56 56 56 để đặt lịch khám nhanh chóng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.