Tin tức

Suy dinh dưỡng ở trẻ em: Mức độ ảnh hưởng và biện pháp phòng ngừa

Ngày 09/02/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Suy dinh dưỡng ở trẻ em nếu kéo dài không có biện pháp can thiệp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ. Bài viết sau sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn về tình trạng này để biết cách phòng ngừa, giúp con có được điều kiện phát triển tốt nhất.

1. Suy dinh dưỡng ở trẻ em là như thế nào?

Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng và năng lượng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về hoạt động, sức khỏe và tăng trưởng của trẻ. Ở trẻ em, suy dinh dưỡng được phân thành 3 thể:

- Thể nhẹ cân đánh giá thông qua chỉ số cân nặng theo tuổi

Trẻ suy dinh dưỡng thể này có cân nặng thấp hơn tiêu chuẩn so với trẻ cùng giới, cùng độ tuổi (dưới -2SD). Cân nặng theo tuổi là một chỉ tiêu chung, không mang giá trị đặc hiệu. Tuy nhiên là 1 chỉ tiêu đánh giá nhanh cơ bản tình trạng dinh dưỡng hiện tại của trẻ.

- Thể thấp còi

Ở thể thấp còi, trẻ đã chậm tăng trưởng trong thời gian dài nên chiều cao theo tuổi thấp hơn so với tiêu chuẩn của trẻ cùng giới, cùng độ tuổi (dưới -2SD). Thể này có thể bắt đầu từ thời kỳ bào thai xuất phát từ nguyên nhân thiếu dinh dưỡng từ người mẹ.

- Thể gầy còm

Nếu cân nặng theo chiều cao của trẻ thấp đáng kể so với trẻ cùng giới, cùng độ tuổi (dưới -2SD) thì được xếp vào thể gầy còm. Thể này phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng cấp tính do đang bị sụt cân hoặc không lên cân.

Trẻ bị suy dinh dưỡng lâu ngày gây biếng ăn, không tăng cân

Trẻ bị suy dinh dưỡng lâu ngày gây biếng ăn, không tăng cân 

2. Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ em và dấu hiệu thường gặp

2.1. Nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng

Nguyên nhân chính gây nên suy dinh dưỡng ở trẻ em thường là:

- Dinh dưỡng không đầy đủ

+ Trẻ không được cung cấp đủ thực phẩm giàu dinh dưỡng cần thiết như thịt, cá, trứng, sữa,...

+ Khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ thường xuyên thiếu hụt vi chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, kẽm, vitamin A,...

- Ảnh hưởng từ bệnh tật

Trẻ bị tiêu chảy kéo dài sẽ làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng. Ngoài ra, trẻ thường xuyên nhiễm ký sinh trùng cũng rất dễ bị suy dinh dưỡng và thiếu máu.

- Yếu tố xã hội và môi trường

Trường hợp này thường xuất phát từ các vấn đề:

+ Gia đình không đủ điều kiện kinh tế để đảm bảo cung cấp các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng cho trẻ.

+ Cha mẹ thiếu kiến thức, không được hướng dẫn cách chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ đúng cách.

2.2. Dấu hiệu cho thấy trẻ bị suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng ở trẻ em thường được thể hiện với các dấu hiệu như:

- Dấu hiệu suy dinh dưỡng nhẹ

+ Trẻ không tăng cân hoặc chiều cao đúng theo chuẩn phát triển của trẻ cùng độ tuổi.

+ Thường xuyên ốm vặt, cảm cúm hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu hóa.

+ Da nhợt nhạt, thiếu sức sống do thiếu máu hoặc thiếu vi chất dinh dưỡng.

+ Dễ cáu gắt, mệt mỏi, ít năng động hơn so với bạn cùng độ tuổi.

- Dấu hiệu suy dinh dưỡng nghiêm trọng

+ Tóc khô, dễ gãy rụng do thiếu protein và các vi chất cần thiết.

+ Bàn chân, bàn tay hoặc toàn thân bị phù do thiếu albumin trong máu.

+ Da bong tróc, nổi mẩn do thiếu vitamin A, B khiến da bị khô và dễ tổn thương.

+ Trẻ khó tập trung, phản ứng chậm, khả năng học hỏi kém.

Trẻ suy dinh dưỡng hay bị ốm vặt hơn so với trẻ bình thường

Trẻ suy dinh dưỡng hay bị ốm vặt hơn so với trẻ bình thường

3. Suy dinh dưỡng gây nên những tác động nào tới trẻ?

Những dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ em nếu không được phát hiện để khắc phục kịp thời sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển hiện tại mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng lâu dài đối với trẻ:

- Ảnh hưởng ngắn hạn

+ Suy giảm hệ miễn dịch

Trẻ bị suy dinh dưỡng dễ mắc các bệnh như viêm phổi, tiêu chảy,... Hệ miễn dịch yếu khiến cho việc phục hồi sau bệnh ở trẻ suy dinh dưỡng kéo dài hơn mức bình thường.

+ Cản trở sự phát triển thể chất

Tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài khiến trẻ chậm tăng trưởng chiều cao, cân nặng và yếu cơ.

+ Suy giảm trí tuệ

Thiếu các vi chất quan trọng như sắt, kẽm, i-ốt,... khiến trẻ bị giảm khả năng tập trung, học hỏi và phát triển não bộ.

- Ảnh hưởng dài hạn

Suy dinh dưỡng kéo dài trong giai đoạn trẻ em có thể gây thấp còi, ảnh hưởng đến vóc dáng khi trưởng thành. Không những thế, suy dinh dưỡng ở trẻ em không được khắc phục hiệu quả còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính ở giai đoạn trưởng thành như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao,... Ngoài ra, trẻ suy dinh dưỡng thường chậm phát triển về trí tuệ nên cơ hội việc làm và thu nhập trong tương lai cũng sẽ bị hạn chế,...

4. Giải pháp phòng ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ em

Phòng ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ em muốn đạt hiệu quả tốt nhất, cha mẹ hãy:

4.1. Đảm bảo chế độ ăn uống cân đối

Để đảm bảo cho trẻ có một chế độ ăn cân đối dưỡng chất thì cha mẹ cần cung cấp đầy đủ các nhóm dinh dưỡng: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Thực đơn hàng ngày của trẻ nên gồm ngũ cốc, thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh và trái cây tươi.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc bổ sung vi chất như sắt, kẽm, i-ốt, vitamin A qua thực phẩm chức năng. Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục kết hợp sữa mẹ với chế độ ăn dặm phù hợp theo độ tuổi.

4.2. Cải thiện điều kiện vệ sinh và chăm sóc y tế

Trẻ cần được tiêm vắc xin phòng bệnh theo khuyến cáo để giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng. Hằng năm, cha mẹ nên cho con đi khám sức khỏe để theo dõi tình trạng phát triển, phát hiện sớm các dấu hiệu thiếu dinh dưỡng hoặc bệnh lý liên quan.

Ngoài ra, trẻ cũng cần được sống trong môi trường đảm bảo vệ sinh và sử dụng nguồn nước sạch để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy và lây nhiễm ký sinh trùng.

Cha mẹ nên cho con khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ em

Cha mẹ nên cho con khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ em

Suy dinh dưỡng ở trẻ em cần được phát hiện sớm để kịp thời điều chỉnh, tránh ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ. Trong quá trình chăm sóc trẻ, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đã đề cập ở trên, nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị suy dinh dưỡng, cha mẹ nên sớm cho con khám chuyên gia hoặc bác sĩ Nhi khoa để đảm bảo trẻ có một tương lai khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

Cha mẹ có nhu cầu thăm khám sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng cho trẻ, hãy liên hệ trực tiếp Hotline 1900 56 56 56 để được hướng dẫn đặt lịch cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ