Các tin tức tại MEDlatec
Những thông tin nên biết về bệnh rubella bẩm sinh
- 01/04/2021 | Rubella bẩm sinh nguy hiểm như thế nào và cách phòng ngừa
- 01/08/2023 | Rubella là bệnh gì? Những thông tin cần biết về bệnh Rubella
- 06/05/2021 | Tìm hiểu các biện pháp phòng ngừa bệnh Rubella bẩm sinh
1. Rubella bẩm sinh là như thế nào?
Rubella bẩm sinh (CRS) là bệnh mà trẻ sơ sinh mắc phải do người mẹ trong quá trình mang thai bị nhiễm trùng rubella. Nếu thai phụ trước đó chưa từng bị hoặc chưa tiêm phòng vắc xin rubella thì khi tiếp xúc với người bị bệnh rubella có thể bị lây nhiễm.
Trẻ bị rubella bẩm sinh là do mắc bệnh từ khi còn trong bụng mẹ
Thai phụ bị nhiễm rubella thì ở giai đoạn khởi phát, virus gây bệnh có mặt trong máu của người mẹ có thể đi qua nhau thai và đến giai đoạn bệnh toàn phát sẽ khiến phôi thai bị lây nhiễm. Rubella bẩm sinh chính là hậu quả từ quá trình này.
3 tháng đầu của thai kỳ, nếu thai phụ bị rubella thì khả năng thai nhi bị lây nhiễm vào khoảng 80%. Trong đó, có khoảng 25% thai nhi bị dị tật bẩm sinh ở não, mắt, tim,... do lây nhiễm rubella; 70 - 100% trẻ chào đời sẽ bị rubella bẩm sinh. Mặc dù tỷ lệ lây nhiễm sang cho thai nhi khi mẹ bị rubella sẽ giảm dần từ thời điểm 3 tháng sau của thai kỳ nhưng thai nhi vẫn cần được theo dõi cẩn thận.
2. Nhận diện rubella bẩm sinh và hệ lụy có thể gặp phải
2.1. Nhận diện trẻ bị rubella bẩm sinh
- Có thể nghi ngờ trẻ bị rubella bẩm sinh khi xuất hiện các dấu hiệu: tăng nhãn áp bẩm sinh, đục thủy tinh thể, bị tim bẩm sinh, vàng da, ban xuất huyết gan lách to, võng mạc sắc tố, khiếm thính, viêm màng não, chậm phát triển, bị mắc bệnh xương phóng xạ.
- Trẻ được chẩn đoán mắc rubella bẩm sinh khi có các dấu hiệu như trên và có kết quả xét nghiệm khẳng định bị nhiễm trùng rubella bẩm sinh. Các xét nghiệm khẳng định gồm: xét nghiệm phân lập virus rubella, xét nghiệm phát hiện kháng thể immunoglobulin M (IgM) đặc hiệu rubella, hoặc xét nghiệm mức độ kháng thể rubella ở trẻ sơ sinh mà không phải do việc truyền kháng thể thụ động từ mẹ).
2.2. Hệ lụy của rubella bẩm sinh đối với trẻ
Trẻ sơ sinh bị khiếm thính là khuyết tật thường gặp nhất do mắc bệnh rubella bẩm sinh
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nếu thai phụ bị rubella sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị thai lưu, sảy thai, thai nhi bị dị tật bẩm sinh nguy hiểm. Khuyết tật bẩm sinh của thai nhi mắc rubella thường gặp gồm: bị khiếm thính, tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể, bệnh tim bẩm sinh, chậm phát triển. Trẻ sơ sinh bị rubella bẩm sinh thường tồn tại tối thiểu một trong các khuyết tật này nhưng thường gặp nhất là khiếm thính.
3. Chẩn đoán và điều trị rubella bẩm sinh
3.1. Chẩn đoán
Đối với trẻ sơ sinh, xét nghiệm máu cuống rốn tìm kháng thể giúp chẩn đoán xác định rubella bẩm sinh. Khi kết quả xét nghiệm cho thấy IgM và IgG đều dương tính thì có thể khẳng định bệnh. Nếu nghi ngờ trẻ mắc rubella bẩm sinh nhưng kết quả xét nghiệm IgM âm tính thì khi trẻ được 1 tháng tuổi nên làm lại xét nghiệm.
Trường hợp cần chẩn đoán rubella bẩm sinh ở trẻ nhỏ, các loại xét nghiệm thường được sử dụng gồm: xét nghiệm enzyme và xét nghiệm huyết thanh. Mẫu bệnh phẩm được dùng để xét nghiệm có thể là: máu, nước tiểu, dịch tiết mũi hoặc họng. Tuy nhiên, xét nghiệm enzyme được áp dụng rộng rãi hơn vì quy trình thực hiện đơn giản và độ nhạy cao, có thể xác định chính xác kháng thể IgG và IgM.
3.2. Điều trị
Nếu thai phụ mắc rubella thì các phương án khắc phục thường là:
- Nếu đã có chẩn đoán xác định bị rubella ở 3 tháng đầu thai kỳ: tư vấn cho gia đình và thai phụ nguy cơ trẻ sơ sinh bị rubella bẩm sinh là rất cao, có thể phải đình chỉ thai ngay những tháng đầu thai kỳ.
- Thai phụ bị rubella vào tuần 13 - 18, cần chọc ối để làm xét nghiệm chẩn đoán rubella ở thai nhi. Khi kết quả xét nghiệm nước ối cho thấy rubella thì tư vấn cho thai phụ và gia đình những hệ lụy của rubella bẩm sinh, nếu thai phụ và gia đình quyết định không giữ thai thì đình chỉ thai. Nếu kết quả âm tính thì cả thai phụ và thai nhi cần được tiếp tục theo dõi cẩn thận.
- Thai phụ bị rubella sau tuần thứ 18: tuy nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi đã giảm nhưng vẫn cần theo dõi chặt chẽ suốt thai kỳ.
Điều trị rubella ở thai phụ chủ yếu nhằm kiểm soát triệu chứng bệnh, được thực hiện bằng cách:
- Hạ nhiệt, giảm đau.
- Thời gian phát ban cần tránh gió lạnh và giữ ấm để tránh nguy cơ viêm đường hô hấp.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để cải thiện đề kháng, trong đó đặc biệt chú ý các loại trái cây giàu vitamin C.
Trường hợp trẻ bị rubella bẩm sinh thì việc điều trị được thực hiện dựa trên các biến chứng do bệnh mà trẻ mắc phải.
Tiêm vắc xin rubella trước khi mang thai 3 tháng giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh lý này trong thai kỳ
4. Biện pháp phòng ngừa bệnh rubella bẩm sinh
Tiêm vắc xin rubella trước khi có ý định mang thai 3 tháng là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh lý này. Vì thế, phụ nữ nếu đang có kế hoạch làm mẹ mà chưa bị hoặc chưa từng tiêm vắc xin rubella thì nên chủ động chích ngừa, đề phòng nguy cơ bị rubella trong thai kỳ khiến trẻ sinh ra bị rubella bẩm sinh.
Các trường hợp sau được khuyến cáo không nên tiêm phòng vắc xin rubella:
- Thai phụ.
- Đang có kế hoạch mang thai trong 1 tháng kế tiếp.
- Người có cơ địa dị ứng, mẫn cảm với thành phần neomycin, gelatin.
- Người bị rối loạn máu, mắc bệnh ung thư.
Hệ thống Y tế MEDLATEC là một trong những địa chỉ uy tín về dịch vụ tiêm vắc xin phòng bệnh. Khách hàng đến đây không chỉ được trải nghiệm dịch vụ chất lượng, không gian thoải mái và tiện nghi mà còn yên tâm bởi chất lượng vắc xin được bảo quản theo đúng quy trình và tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Tiêm phòng rubella 3 tháng trước khi mang thai là cách tốt nhất để tạo kháng thể phòng ngừa bệnh, bảo vệ an toàn cho cả mẹ và thai nhi trước các vấn đề sức khỏe do bệnh lý này gây ra.
Quý khách hàng cần tìm hiểu thêm về các vấn đề liên quan đến tiêm vắc xin phòng bệnh trước khi mang thai hoặc đặt lịch tiêm vắc xin phòng bệnh rubella có thể liên hệ trực tiếp tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn cụ thể.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!