Các tin tức tại MEDlatec
Nổi ban sởi ở trẻ em: Những điều cha mẹ không nên bỏ qua để chăm con an toàn
- 02/04/2025 | Cách phòng chống bệnh sởi ở trẻ em: Ba mẹ cần biết gì?
- 17/04/2025 | Góc giải đáp thắc mắc: Trẻ đã bị sởi có cần tiêm phòng nữa không?
- 03/05/2025 | Trẻ mắc sởi gây biến chứng, lời khuyên phòng bệnh hiệu quả từ chuyên gia
1. Triệu chứng ban sởi ở trẻ em và nguyên nhân gây nên
1.1. Về triệu chứng ban sởi ở trẻ em
Để nhận biết dấu hiệu xuất hiện ban sởi ở trẻ em, cha mẹ nên lưu ý đến các giai đoạn phát triển của bệnh sởi như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh (10 - 14 ngày).
Giai đoạn này không có triệu chứng rõ ràng, trẻ có thể vẫn sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, virus sởi đã bắt đầu nhân lên trong cơ thể của trẻ.
- Giai đoạn khởi phát (2 - 4 ngày):
Đây là thời điểm trẻ có các biểu hiện:
+ Sốt cao đột ngột trên 39 độ C, khó hạ sốt dù trẻ đã sử dụng thuốc hạ sốt.
+ Ho khan, hắt hơi, sổ mũi.
+ Mắt đỏ, thường xuyên chảy nước mắt.
+ Mệt mỏi, chán ăn, liên tục quấy khóc.
Đặc biệt, giai đoạn này, trẻ có dấu hiệu Koplik là sự xuất hiện của các nốt trắng nhỏ trên niêm mạc miệng, gần răng hàm. Nốt Koplik này xuất hiện trước khi nổi ban sởi ở trẻ em.
- Giai đoạn toàn phát (2 - 5 ngày):
Đây là thời điểm quan trọng giúp cha mẹ nhận biết ban sởi ở trẻ em:
+ Ban sởi xuất hiện trên da trẻ theo trình tự từ phía sau tai đến mặt, ngực, lưng, bụng và lan khắp tay, chân.
+ Ban màu hồng, mịn, không ngứa, sau vài ngày thì chuyển màu sẫm hơn, khô lại rồi bong vảy.
+ Trẻ vẫn sốt cao, ho kéo dài.
- Giai đoạn phục hồi:
+ Ban bắt đầu bay theo trình tự nổi ban lúc đầu, trẻ đỡ sốt, ăn uống khá hơn.
+ Sau khi ban sởi bay da sẽ có vết thâm.
+ Cơ thể trẻ vẫn còn yếu, quá trình chăm sóc nếu không thực hiện đúng cách sẽ rất dễ khiến trẻ bị bội nhiễm.
Ban sởi ở trẻ em xuất hiện ở giai đoạn toàn phát của bệnh
1.2. Nguyên nhân nào khiến trẻ bị mắc sởi?
Virus sởi (Polinosa morbillarum) thuộc họ Paramyxoviridae, chi Morbilli Lin là tác nhân gây nên bệnh sởi. Virus này có khả năng lây truyền rất cao, đặc biệt trong không gian kín như nhà trẻ, lớp học, bệnh viện…
Virus sởi lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, với các phương thức chính là:
- Lây qua giọt bắn của người bệnh khi họ ho, hắt hơi, nói chuyện.
- Tiếp xúc gián tiếp với đồ vật, bề mặt chứa virus sau đó trẻ chạm vào miệng, mũi, mắt.
- Lây truyền qua không khí - virus có thể phát tán vào không khí và tồn tại vài giờ sau khi người bệnh đã rời đi.
2. Bệnh sởi ở trẻ em nguy hiểm bởi khả năng tiến triển nhanh, dễ gây nên biến chứng nặng
Khả năng lây lan của bệnh sởi tương đối nhanh. Đặc biệt, trẻ trong độ tuổi đi học nên chỉ cần có trẻ mắc bệnh sẽ dễ lây lan cho nhiều trẻ khác. Nguy cơ mắc bệnh sởi cao hơn ở nhóm trẻ chưa từng tiêm vắc xin sởi hoặc đã được tiêm vắc xin nhưng chưa đủ liều. Điều này đặc biệt nguy hiểm trong những đợt bùng phát dịch bệnh.
Nếu trẻ bị bệnh sởi không được chăm sóc và điều trị đúng cách rất dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm sau:
- Viêm phổi do sởi có thể khiến trẻ bị tử vong.
- Viêm tai giữa gây đau tai, sốt cao, có thể giảm thính giác.
- Tiêu chảy cấp.
- Viêm não: Biến chứng hiếm nhưng cực kỳ nguy hiểm, có thể để lại di chứng thần kinh vĩnh viễn hoặc tử vong.
- Suy giảm miễn dịch tạm thời: Sau khi nhiễm virus sởi, hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu trong thời gian dài, khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác như viêm phế quản, tiêu chảy, viêm kết mạc,…
Trẻ bị sởi không được điều trị đúng cách có thể biến chứng viêm phổi
3. Tránh nhầm lẫn ban sởi ở trẻ em với sốt phát ban
Thực tế cho thấy có không ít cha mẹ nhầm lẫn ban sởi ở trẻ em với tình trạng sốt phát ban. Để tránh xảy ra điều này, cha mẹ hãy dựa trên một số đặc điểm phân biệt sau đây:
- Sốt phát ban
Trẻ sau sốt sẽ mọc ban đỏ trên da trong khoảng 1 - 5 ngày. Tuy nhiên, ban do sốt phát ban có đặc điểm khác với ban sởi ở trẻ em thường xuất hiện sau khi trẻ đã giảm hoặc cắt sốt:
+ Ban đỏ và sáng, sờ vào có cảm giác mịn và ít gây sần sùi bề mặt da.
+ Ban cùng xuất hiện trong một thời điểm, nổi toàn thân không theo trình tự.
+ Sau khi ban lặn da không có vết thâm.
Như đã đề cập ở trên, bệnh sởi diễn tiến qua 4 giai đoạn, ban sởi nổi lên ở giai đoạn toàn phát và có đặc điểm như sau:
+ Ban mọc theo trình tự: tai, mặt, cổ, ngực, bụng, tay, chân.
+ Ban không lặn cùng lúc mà lặn theo trình tự khi ban mọc.
+ Ban sẩn và gồ lên trên bề mặt da.
+ Ban gây ngứa.
+ Ban lặn rồi vẫn để lại vết thâm trên da.
+ Khi ban sởi mọc, trẻ sẽ có 1 trong các triệu chứng: mắt đỏ, ho hoặc chảy nước mũi.
4. Xử trí đúng cách khi phát hiện ban sởi ở trẻ em
4.1. Cách ly trẻ bệnh để tránh lây lan
Khi nghi ngờ ban sởi ở trẻ em, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là hãy cách ly, hạn chế để con tiếp xúc với người khác, đặc biệt là với những trẻ chưa tiêm vắc xin. Trẻ chỉ nên đến trường khi đã khỏi bệnh hoàn toàn.
4.2. Chăm sóc tại nhà đúng cách
Cha mẹ có thể theo dõi ban sởi ở trẻ em và chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách:
- Hạ sốt:
+ Trẻ cần được dùng thuốc hạ sốt paracetamol với liều lượng phù hợp cân nặng và độ tuổi.
+ Chườm ấm ở bẹn, nách và cho trẻ mặc quần áo có chất liệu thoáng mát.
- Bổ sung nước và cải thiện dinh dưỡng:
+ Trẻ cần được uống nhiều nước, nhất là nước trái cây và nên cho trẻ bổ sung oresol để tránh mất nước.
+ Trẻ nên được tăng tần suất bú mẹ hoặc ăn cháo, súp, thức ăn dễ tiêu, giàu dinh dưỡng.
- Vệ sinh thân thể:
+ Tắm nước ấm hàng ngày cho trẻ trong phòng kín để da trẻ được sạch sẽ, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn.
+ Dùng nước muối sinh lý hằng ngày để vệ sinh mũi và mắt cho trẻ.
- Những việc không nên làm khi phát hiện ban sởi ở trẻ em:
+ Tự ý dùng thuốc kháng sinh khi trẻ chưa được thăm khám và có chỉ định từ bác sĩ.
+ Bôi thuốc lá, thuốc dân gian lên ban sởi có thể gây nhiễm trùng da, để lại sẹo trên da.
+ Không theo dõi diễn tiến của ban sởi, dễ bỏ qua các biến chứng nguy hiểm.
4.3. Kịp thời cho trẻ thăm khám bác sĩ chuyên khoa
Cha mẹ nên theo dõi tiến triển hàng ngày của con, nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu như: thở nhanh, mệt lả, ngủ li bì, co giật, trẻ bỏ ăn, tím tái, co giật, sốt không hạ sau 3 - 5 ngày, phát ban loét, tiêu chảy kéo dài,... thì cần cho trẻ thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay.
Trẻ nhỏ nên được tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin sởi để đảm bảo tối đa hiệu quả phòng bệnh
WHO khuyến cáo trẻ cần được tiêm vắc xin phòng sởi từ 9 tháng tuổi trở lên và nên tiêm đủ 2 mũi để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh tối đa.
Sởi được phát hiện sớm và xử trí đúng cách sẽ giúp trẻ vượt qua sởi an toàn và không để lại biến chứng nguy hiểm. Trường hợp phát hiện ban sởi ở trẻ em, cha mẹ có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC để trẻ được chẩn đoán đúng và cha mẹ được tư vấn cách chăm sóc, điều trị bệnh an toàn cho trẻ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!