Tin tức
Cách phòng chống bệnh sởi ở trẻ em: Ba mẹ cần biết gì?
- 25/08/2024 | Bệnh sởi ở người lớn nguy hiểm như thế nào? Phân biệt với sởi Rubella
- 26/08/2024 | Bệnh sởi: các biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải và cách phòng ngừa
- 05/09/2024 | Bệnh sởi ở trẻ em: dấu hiệu nhận diện và phương pháp điều trị
- 14/03/2025 | Tiêm sởi có sốt không? Hướng dẫn cách chăm sóc sau tiêm
- 16/03/2025 | Tiêm sởi mũi 2 cách mũi 1 bao lâu? Lịch tiêm và những điều cần biết
- 28/03/2025 | Bị sởi làm gì cho nhanh khỏi? Lời khuyên từ bác sĩ
1.Nguyên nhân của bệnh sởi
Sởi là bệnh lý truyền nhiễm phổ biến hiện nay, do virus Paramyxovirus gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn của người bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây qua những con đường như tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết và đồ vật có virus của người bệnh.
Vậy cơ chế lây nhiễm và phát bệnh sởi như thế nào? Ban đầu, virus sẽ xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp và dần lan sang các bộ phận khác trong cơ thể qua lưu thông dòng máu. Trong thời gian từ 1 - 4 ngày trước khi phát ban, virus tồn tại trong dịch xuất tiết ở cơ quan hô hấp trên như mũi, họng. 4 - 5 ngày sau đó, chúng phát triển mạnh và có khả năng lây nhiễm nhanh chóng. Thời điểm này, ba mẹ nên hạn chế cho con tiếp xúc với mọi người để tránh lây nhiễm nhé!
2.Triệu chứng bệnh sởi ở trẻ
Dựa vào đặc điểm về triệu chứng, bệnh sởi ở trẻ em được phân thành 2 thể khác nhau, gồm thể điển hình và thể không điển hình. Dưới đây là chi tiết về dấu hiệu của từng thể.
Thể điển hình
Phần lớn trẻ bị sởi trong cộng đồng đều là thể điển hình. Các giai đoạn của thể này bao gồm:
- Giai đoạn ủ bệnh: Thời gian ủ bệnh khoảng 7 - 21 ngày. Ở giai đoạn này, trẻ chưa gặp bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh sởi.
- Giai đoạn khởi phát: Thời gian khoảng 2 - 4 ngày, trẻ có thể gặp những triệu chứng như sốt cao (trên 39 độ C), ho kèm đau họng, viêm kết mạc,...Triệu chứng đặc trưng của giai đoạn này là sự xuất hiện của các hạt chấm trắng viền đỏ (hạt Koplik). Hạt này thường mọc bên trong niêm mạc miệng, ở mặt trong má cạnh răng hàm. Đây là dấu hiệu chỉ điểm bệnh sởi, thường xuất hiện vào ngày thứ 2 và có thể biến mất nhanh chóng.
- Giai đoạn toàn phát: Thời gian kéo dài khoảng 2 - 5 ngày. Giai đoạn này, các ban sởi bắt đầu xuất hiện. Chúng mọc trước ở sau tai, trán rồi lan nhanh ra khắp cơ thể. Khi phát ban mọc đến chân, triệu chứng sốt sẽ dần biến mất.
- Giai đoạn hồi phục: Giai đoạn này, các ban sởi chuyển màu nhạt dần (thường sẽ là màu xám), bong vẩy và để lại vết thâm trên da. Nếu không xuất hiện biến chứng thì sởi sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, sau hồi phục, cơn ho sẽ còn kéo dài khoảng 1 - 2 tuần.
Phát ban sởi mọc ở thể điển hình
Thể không điển hình
Thể này ít gặp trong cộng đồng với các triệu chứng nhẹ hơn thể điển hình. Biểu hiện gồm: sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ, phát ban ít, toàn trạng bình thường. Tuy nhiên, trong số ít trường hợp khác, có thể bị sốt cao liên tục, phát ban không xác định, đau mỏi toàn thân, phù nề tứ chi,...
Dù là thể nào thì ba mẹ cũng cần theo dõi chi tiết tình trạng của con để có phương hướng điều trị kịp thời, hiệu quả.
3.Cách phòng chống bệnh sởi ở trẻ
Ba mẹ có thể phòng chống bệnh sởi cho trẻ bằng những phương pháp như: tiêm đủ mũi vắc xin sởi, tăng cường sức đề kháng và hạn chế cho con tiếp xúc với nguồn lây bệnh.
Tiêm vắc xin phòng bệnh
Tiêm vắc xin là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Phụ huynh cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin cơ bản cho trẻ theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế:
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi.
- Mũi 2: Tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. Bổ sung 1 mũi nhắc khi trẻ từ 4-10 tuổi hoặc khi có dịch sởi bùng phát theo khuyến cáo của y tế địa phương.
Vắc xin là chế phẩm sinh học có chứa kháng nguyên, giúp kích thích cơ thể tạo ra hệ miễn dịch chủ động chống lại virus. Tiêm phòng vắc xin đầy đủ sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nếu bé chưa tiêm đủ hoặc chưa tiêm vắc xin sởi, ba mẹ nên đưa con tới các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm bù hợp lý.
Tiêm đủ vắc xin là cách phòng chống bệnh sởi hiệu quả nhất
Tăng cường sức đề kháng
Sức đề kháng được ví như hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các tác nhân vi khuẩn, virus gây hại. Ở trẻ nhỏ, sức đề kháng còn yếu, dễ bị virus xâm nhập và gây bệnh. Vì vậy, việc tăng cường hệ miễn dịch cho con là việc làm vô cùng quan trọng. Ba mẹ nên chú ý:
- Cho con ăn uống đầy đủ, bổ sung các loại vitamin A, C, D kẽm, selen để tăng cường sức đề kháng.
- Cho trẻ uống đủ nước và ngủ đủ giấc.
- Vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho con.
Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bệnh
Ngoài tiêm phòng vắc xin sởi và tăng cường sức đề kháng, ba mẹ chú ý nên hạn chế cho con tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Cụ thể:
- Không đưa trẻ đến những nơi đông người khi đang có dịch sởi.
- Trường hợp trong gia đình có người bị sởi, nên cho trẻ cách ly và đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Sau đó, cần vệ sinh tay sạch sẽ với xà phòng cho con.
- Vệ sinh nhà cửa, môi trường sống xung quanh, đồ chơi của con để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Như vậy, sẽ có 3 cách phòng chống bệnh sởi ở trẻ em, bao gồm tiêm vắc xin đầy đủ, tăng cường hệ miễn dịch và hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm tai giữa, khô loét giác mạc mắt,... nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời. Vì thế, ba mẹ cần theo dõi, chăm sóc con cẩn thận để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nhé! Phụ huynh có thắc mắc về các vấn đề liên quan đến bệnh sởi, hãy liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được tư vấn và đặt lịch thăm khám nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
