Các tin tức tại MEDlatec
Nỗi lo đột quỵ trẻ hóa tại miền Tây, người dân cần hiểu đúng và đủ về bệnh lý này
- 01/12/2023 | Những lưu ý khi cấp cứu đột quỵ tại chỗ
- 23/10/2024 | Sơ cứu đột quỵ và những nguyên tắc cần tuân thủ
Số ca mắc đột quỵ trẻ hóa tại khu vực miền Tây
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 17 triệu người bị đột quỵ mỗi năm. Đáng chú ý, khoảng 5 triệu người tử vong và 5 triệu người phải gánh chịu hậu quả thương tật vĩnh viễn do đột quỵ gây nên. Không chỉ tại Việt Nam, đột quỵ là bệnh lý nguy hiểm, trở thành gánh nặng bệnh tật với ngành Y tế toàn cầu.
Ghi nhận từ Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ (SIS), sau 5 năm đi vào hoạt động, trung bình mỗi năm đơn vị tiếp nhận hơn 20.000 ca đột quỵ. Bệnh nhân đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Bệnh nhân cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ (SIS) (Nguồn: Sưu tầm)
Mỗi ngày, SIS cấp cứu trung bình khoảng 60 ca đột quỵ, thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải. Đặc biệt, số lượng bệnh nhân trẻ hóa dưới 50 tuổi ngày càng gia tăng.
Bệnh nhân đột quỵ: Vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm
Đột quỵ là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn, hoặc suy giảm, nguy cơ dẫn đến tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và để lại những hậu quả nghiêm trọng
Đột quỵ thường được phân loại thành 2 nhóm phổ biến: Do thiếu máu cục bộ (tắc nghẽn động mạch) và do xuất huyết não (mạch máu bị vỡ).
TS.BS Ngô Chí Cương - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết: Khi bị đột quỵ, càng chậm trễ trong việc điều trị cấp cứu, hệ thần kinh càng bị tổn hại nặng nề, gây nên hậu quả nghiêm trọng, thời gian phục hồi lâu và thậm chí là không thể phục hồi. Trong 3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo, nếu thấy người thân xuất hiện các biểu hiện sau cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời như méo mặt, tê một bên tay, chân không nhấc lên được, nói khó nghe, lẫn lộn, hôn mê, hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng, không thể đứng vững, đau đầu, buồn nôn...
Có thể nói rằng, con người vừa là nạn nhân, đồng thời cũng là thủ phạm gây đột quỵ. Nguyên nhân dẫn đến bệnh có thể phân thành hai nhóm:
- Nhóm 1: Các yếu tố khách quan không thể thay đổi được như tuổi tác, di truyền, giới tính, dị tật bẩm sinh...
- Nhóm 2: Các yếu tố nguy cơ có thể can thiệp được như tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu/ mỡ máu, ô nhiễm không khí, hút thuốc lá, uống rượu bia, chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp (ăn nhiều chất béo bão hòa, đường, muối)…
Cái chết bất ngờ và những hệ luy dai dẳng
Tùy theo thời gian bệnh nhân đột quỵ được phát hiện, đưa đến bệnh viện cấp cứu và mức độ tổn thương hệ thần kinh sẽ để lại những hệ lụy khác nhau.
Đột quỵ có thể dẫn đến tử vong, hoặc nếu may mắn sống sót cũng để lại nhiều tổn thương nặng nề, thậm chí là vĩnh viễn, người bệnh phải sống thực vật suốt đời.
Một số biến chứng thường gặp sau khi bị đột quỵ bao gồm:
- Bị liệt (1 tay, 1 chân, hoặc tứ chi).
- Khả năng vận động yếu, khó cử động tay chân.
- Mất ngôn ngữ, nói ngọng, gặp khó khăn trong giao tiếp.
- Gặp các vấn đề thị giác.
- Các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn cảm xúc.
Những biến chứng đột quỵ gây ra là quá nặng nề, đặc biệt với người trẻ mắc bệnh càng dễ gặp phải những cú sốc tâm lý khi đột ngột đối diện với bệnh.
Nhiều người trẻ là lao động trụ cột trong gia đình, phần lớn sau khi trải qua đột quỵ, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn. Trước đây, bản thân bệnh nhân có thể tự làm việc kiếm sống, sinh hoạt, nhưng sau khi mắc bệnh phải ngồi xe lăn, phụ thuộc vào sự chăm sóc của người thân, rơi vào trầm cảm.
Khi đột quỵ xảy ra, đa số người trẻ và những người thân của họ không bao giờ nghĩ đến căn bệnh này lại xảy đến với mình. Nhưng thực tế, đột quỵ có thể xảy ra ở mọi thời điểm trong cuộc đời và không loại trừ một ai.
Đột quỵ có thể tầm soát sớm được không?
Bệnh thường xảy ra đột ngột ở những người tưởng chừng khỏe mạnh, không xuất hiện bất kỳ biểu hiện nào trước thời điểm cơn đột quỵ ập đến. Điều này khiến không ít người dân băn khoăn bệnh có thể chủ động tầm soát sớm được không?
Giải đáp điều này, TS.BS Ngô Chí Cương cho biết, bệnh có thể tầm soát sớm thông qua việc chủ động thăm khám định kỳ, đặc biệt ở những đối tượng nguy cơ cao (gia đình có người thân đã mắc bệnh, béo phì, tăng mỡ máu, có sẵn bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường...) cần quản lý sức khỏe thường xuyên.
Hiện nay, y học phát triển cho ra đời nhiều phương pháp giúp tầm soát đột quỵ một cách chính xác và hiệu quả. Sau quy trình thăm khám lâm sàng, khai thác yếu tố tiền sử để đánh giá sơ bộ về sức khỏe, một số phương pháp cận lâm sàng phổ biến thường được bác sĩ chỉ định bao gồm: Đo điện tim, soi đáy mắt, xét nghiệm, chụp X-quang ngực, siêu âm tim/ ổ bụng/ mạch cảnh, chụp MRI mạch máu não và não...
Quá trình kiểm tra và đánh giá các yếu tố nguy cơ nhằm phát hiện sớm dấu hiệu tiềm ẩn, từ đó có hướng can thiệp kịp thời để ngăn chặn, hoặc giảm thiểu khả năng bệnh xảy ra.
Tại Hệ thống Y tế MEDLATEC khu vực miền Tây, người dân an tâm đội ngũ chuyên gia, hệ thống trang thiết bị hàng đầu để thực hiện các phương pháp tầm soát đột quỵ và kiểm soát tốt bệnh mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu...), từ đó giảm thiểu nguy cơ đột quỵ.
MEDLATEC đồng hành chăm sóc sức khỏe người dân miền Tây
Hãy lắng nghe cơ thể, thiết lập lối sống, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học, lành mạnh và thói quen thăm khám định kỳ, kiểm soát bệnh lý nền chặt chẽ. Đối với đột quỵ, đôi khi sẽ không có cơ hội để rút kinh nghiệm và đừng để phải ân hận với những lời nói “giá như” muộn màng.
Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Cần Thơ: Địa chỉ y tế chất lượng đồng hành chăm sóc sức khỏe người dân miền Tây
Hệ thống Y tế MEDLATEC khu vực miền Tây:
Liên hệ ngay hotline 0963 112 636 - 1900 56 56 56 để được Hệ thống Y tế MEDLATEC khu vực miền Tây hỗ trợ kịp thời các vấn đề sức khỏe, hoặc đặt lịch thăm khám/ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi. |
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!