Tin tức
Sơ cứu đột quỵ và những nguyên tắc cần tuân thủ
- 01/11/2023 | Tìm hiểu về thân não và bệnh đột quỵ thân não
- 19/08/2024 | Tìm hiểu về thuốc chống đột quỵ của Nhật và có nên sử dụng không?
- 21/10/2024 | Tắm đêm đột quỵ và cách xử trí, phòng ngừa
1. Đột quỵ là gì? Nguy hiểm như thế nào?
Đội quỵ là tình trạng não bị tổn thương nghiêm trọng do thiếu máu hoặc chảy máu. Trong đó, đột quỵ do thiếu máu não gọi là tắc mạch máu não, xảy ra khi bên trong thành mạch có cục máu đông hoặc mảng bám chất béo, cản trở sự lưu thông của máu đến não.
Còn đột quỵ do chảy máu não gọi là xuất huyết não, xảy ra khi các mạch máu trong não phình to và vỡ ra. Hình thức đột quỵ này không phổ biến bằng hình thức đột quỵ trên, chỉ chiếm khoảng 15-20% tổng số ca đột quỵ.
Đột quỵ - dù là dưới hình thức nào cũng cực kỳ nguy hiểm. Bởi khi não không nhận đủ máu, các tế bào não sẽ chết đi do bị thiếu oxy và dưỡng chất. Hay khi mạch máu trong não bị vỡ khiến máu chảy ra và tụ lại trong mô não, làm tổn thương nghiêm trọng tế bào não.
Vì vậy, người bị đột quỵ sẽ đối mặt với các di chứng như giảm nhận thức, méo miệng, liệt nửa người,… nghiêm trọng hơn là sống thực vật hay thậm chí là tử vong. Sơ cứu đột quỵ kịp thời và đúng cách sẽ góp phần giảm thiểu di chứng và bảo toàn tính mạng cho người bệnh.
Não không nhận đủ máu hoặc bị chảy máu sẽ gây đột quỵ
2. Cách sơ cứu đột quỵ
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách sơ cứu đột quỵ mà bất cứ ai trong chúng ta cũng nên tìm hiểu để áp dụng khi có tình huống xảy ra.
Nhận biết dấu hiệu đột quỵ
Nếu một người đang sinh hoạt bình thường bỗng nhiên xuất hiện các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mất thăng bằng, mắt nhìn mờ, miệng méo lệch, ú ớ không thể nói, yếu liệt 1 bên tay chân, giảm nhận thức, bất tỉnh,… thì đây chính là dấu hiệu của cơn đột quỵ.
Thực hiện sơ cứu đột quỵ
Ngay khi phát hiện các dấu hiệu trên, bạn hãy gọi ngay cho cấp cứu. Trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu, bình tĩnh di chuyển nạn nhân đến nơi cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, ít tập trung người. Đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng để tránh tình trạng nôn dẫn đến sặc đường thở.
Tiếp đến, kiểm tra nạn nhân còn thở hay không. Trường hợp thở yếu, thở khó, hãy cởi bỏ bớt quần áo trên người nạn nhân, đặc biệt là tháo cà vạt, thắt lưng, áo ngực và khuy cúc áo. Trường hợp nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực.
Khi sơ cứu đột quỵ, nếu nạn nhân ngưng thở, hãy hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực
Nếu trong miệng nạn nhân nhiều nước bọt, đờm hay có răng giả, bạn cần dùng băng gạc hay miếng vải sạch quấn quanh ngón tay rồi lấy hết đờm dãi và tháo răng giả ra. Việc này vừa giúp nạn nhân dễ thở, vừa tránh hiện tượng hóc, sặc.
Nếu sờ chân tay nạn nhân thấy lạnh, hãy ủ ấm bằng chăn mền. Trường hợp không có chăn mền, hãy mượn tạm áo khoác của những người qua đường. Song song đó, trấn an nạn nhân để họ bình tĩnh, tránh căng thẳng, xúc động.
Khi xe cấp cứu đến, hỗ trợ nhân viên y tế bằng cách cung cấp thời điểm đột quỵ và các triệu chứng của nạn nhân. Đặc biệt là các tình huống nạn nhân bị té ngã, đập đầu, ngưng tim,… để giúp các bác sĩ chẩn đoán và điều trị tốt hơn.
3. Nguyên tắc cần nhớ khi sơ cứu đột quỵ
Ngoài thực hiện theo các hướng dẫn trên, bạn cần tuân thủ các nguyên tắc sau khi sơ cứu đột quỵ.
- Luôn đặt nạn nhân nằm nghiêng 45 độ. Nếu để nạn nhân nằm ngửa sẽ đối mặt với nhiều rủi ro như lưỡi thụt xuống họng gây tắc đường thở, dịch nôn trào ra và chảy ngược lại vào mũi, họng gây suy hô hấp.
- Tuyệt đối không cho nạn nhân uống nước, uống thuốc hoặc đưa bất cứ vật gì vào trong miệng nạn nhân. Ngoài ra, cũng không thoa dầu, cạo gió hay chích ngón tay chảy máu cho nạn nhân.
- Nếu nạn nhân dần tỉnh táo, hãy trò chuyện nhiều hơn với họ. Việc này giúp trấn tĩnh nạn nhân, loại bỏ cảm giác sợ hãi, căng thẳng hay mệt mỏi, dễ rơi vào hôn mê.
- Sơ cứu đột quỵ càng sớm càng tốt. Để càng lâu, tế bào não càng tổn thương nhiều và nghiêm trọng, khó phục hồi, khiến nạn nhân dễ đối mặt với di chứng. Trường hợp các tế bào não chết đi, nạn nhân có nguy cơ tử vong.
Không cho nạn nhân đột quỵ uống nước hay thuốc trong khi sơ cứu
4. Cách phòng ngừa đột quỵ
Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ ai, vào bất cứ lúc nào. Để phòng ngừa đột quỵ, bạn hãy thực hiện các biện pháp sau.
- Chế độ dinh dưỡng ít đường, ít chất béo bão hòa. Bổ sung nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa từ rau củ quả, ngũ cốc.
- Hoạt động thể chất đều đặn để kiểm soát huyết áp và giảm xơ vữa động mạch, qua đó, tăng cường sức khỏe tim mạch.
- Kiểm soát cân nặng, không để thừa cân, tránh làm lượng cholesterol xấu trong máu tăng, gây tắc nghẽn mạch máu, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
- Ngủ đủ giấc, đảm bảo giấc ngủ ngon, không bị gián đoạn. Nếu bị hội chứng ngưng thở khi ngủ, cần có biện pháp kiểm soát tình trạng.
- Căng thẳng, lo lắng thường xuyên sẽ gây rối loạn nhịp tim, cao huyết áp và biến chứng đột quỵ. Do đó, hãy sống lạc quan và suy nghĩ tích cực.
- Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia để nâng cao sức khỏe tổng thể, ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch, huyết áp, ung thư,…
- Tầm soát đột quỵ bằng cách khám sức khỏe tổng quát hằng năm. Nếu có nguy cơ hoặc có bệnh lý, bạn sẽ được dùng thuốc cũng như được hướng dẫn các thói quen giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
Phòng ngừa đột quỵ bằng dinh dưỡng, tập luyện và kiểm soát cân nặng
Trên đây là hướng dẫn sơ cứu đột quỵ để bạn tham khảo và áp dụng trong cuộc sống. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên thực hiện tốt các lời khuyên trên để chủ động phòng tránh đột quỵ.
Mọi nhu cầu khám và tầm soát đột quỵ, bạn hãy đến Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để tiết kiệm thời gian, quý khách hãy đặt lịch trước qua hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!