Các tin tức tại MEDlatec

Nói mơ khi ngủ: nguyên nhân và cách cải thiện hiệu quả

Ngày 27/05/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Nói mơ khi ngủ là tình trạng khá thường gặp, nhiều người lo lắng nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng giấc ngủ của bản thân cũng như người xung quanh. Thực tế nói mơ khi ngủ là hiện tượng bình thường, bạn có thể áp dụng một số cách đơn giản để hạn chế tình trạng này.

1. Tại sao bạn bị nói mơ khi ngủ?

Giấc ngủ đêm của con người bình thường kéo dài từ 7 - 8 tiếng, dù vẫn trong trạng thái ngủ song thực tế, bạn sẽ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau của giấc ngủ. Ở thời điểm chuyển giao giữa các giai đoạn của giấc ngủ này, trạng thái ngủ có thể chập chờn khiến bạn gặp phải một số rối loạn giấc ngủ.

Nói mơ khi ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ

Trong đó có chứng nói mơ khi ngủ thường xuất hiện ở giai đoạn ngủ mơ và mắt chuyển động nhanh, hay tên khoa học là chu kỳ ngủ REM. Tùy người mà nói mơ khi ngủ có thể nói rõ ràng, rành mạch từng tiếng như khi tỉnh táo hoặc nói không thành tiếng, chỉ lầm bầm những câu lộn xộn. Thời gian nói mơ khi ngủ cũng thường không kéo dài, chỉ từ vài giây đến vài phút.

Người nói mơ khi ngủ không ý thức được hành động này của mình, vì thế sau khi tỉnh giấc sẽ không nhớ mình nói gì hay mơ gì khi nói.

Nguyên nhân chính xác khiến bạn bị nói mơ khi ngủ hiện vẫn chưa được giải mã, các nhà khoa học cho rằng nó liên quan đến yếu tố di truyền hoặc rối loạn sức khỏe tinh thần. Có những người thường xuyên nói mơ khi ngủ song cũng có những người chỉ nói mớ khi gặp phải vấn đề sức khỏe tinh thần hoặc thể chất như: thiếu ngủ, mệt mỏi quá mức, sốt, căng thẳng, lạm dụng chất kích thích, sử dụng thuốc điều trị nhất định,…

Nói mơ khi ngủ thường gặp ở những người mất ngủ, ngủ không sâu giấc

Ngoài ra, chứng ngưng thở khi ngủ hoặc mất ngủ cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nói mớ. Hiện tượng này không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng khiến nhiều người mất tự tin cũng như ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bên cạnh.

2. Đối tượng nào dễ bị nói mơ khi ngủ?

Thực tế, tình trạng nói mơ khi ngủ rất phổ biến, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Cùng với các rối loạn giấc ngủ khác như mộng du, đái dầm,… thì nói mơ khi ngủ cũng thường biến mất khi trẻ lớn lên.

Tuy nhiên vẫn có khoảng 5% người trưởng thành thường xuyên nói mơ khi ngủ. Những người khác vẫn có thể nói điều gì đó khi ngủ nhưng không thường xuyên, chủ yếu chỉ nói khi cơ thể mệt mỏi quá mức hoặc có ám ảnh tinh thần trước đó.

Câu nói mơ khi ngủ của bạn có thể là một lời thoại trong giấc mơ, một vài cụm từ rời rạc hay một câu nói tục. Bạn hoàn toàn không biết gì về tình trạng nói mơ khi ngủ của mình, khi thức dậy không thể nhớ mình nói gì.

3. Một số biện pháp trị nói mơ khi ngủ

Bạn có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản sau để khắc phục chứng nói mơ khi ngủ, tránh gây khó chịu cho bản thân và những người xung quanh.

3.1. Ăn cơm đầy đủ vào buổi tối

Nhiều người có thói quen ăn uống qua loa vào buổi tối, bạn chỉ nên không ăn quá nhiều mà thôi. Nếu ăn uống quá qua loa, bạn dễ bị đói vào buổi đêm và thức giấc. Lúc này, khi ngủ lại, bạn có khả năng cao bị nói mơ.

Ăn đủ vào buổi tối giúp bạn ngủ liền mạch và sâu giấc hơn

Vì thế, hãy ăn uống đầy đủ vào buổi tối, không nên quá no hoặc quá đói, giấc ngủ của bạn sẽ tốt hơn và hạn chế được tình trạng nói mơ.

3.2. Nghe nhạc thư giãn trước khi đi ngủ

Sau một ngày dài làm việc và học tập căng thẳng, âm nhạc là giải pháp có thể giúp xoa dịu tinh thần, giúp tâm trí thư thái, dễ chịu. Trong khi đó, căng thẳng và áp lực tinh thần là một trong những nguyên nhân khiến bạn nói mơ khi ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ li bì,…

Vì thế, hãy nghe nhạc thư giãn trước khi đi ngủ với âm nhạc mà bạn yêu thích và không quá sôi động. Một lưu ý nhỏ là thời gian bạn rơi vào giấc ngủ khoảng từ 5 - 30 phút nên hãy hạn giờ phát nhạc, nếu không âm nhạc kéo dài sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ.

3.3. Ngủ nhiều hơn

Số người mất ngủ gặp tình trạng nói mơ khi ngủ nhiều hơn, nguyên nhân do thời gian ngủ không đủ hoặc chất lượng giấc ngủ không tốt khiến cho não bộ không nghỉ ngơi hoàn toàn. Trong giấc ngủ, não bộ cũng bị kích thích, tiềm thức bị đánh thức một phần.

Do đó, để tốt cho sức khỏe cũng như hạn chế tình trạng nói mơ khi ngủ, hãy dành đủ thời gian ngủ trong ngày từ 7 - 8 tiếng và tập thói quen ngủ dậy đúng giờ, nên ngủ trước 11 giờ đêm.

Nói mơ khi ngủ có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu ngủ

Ngoài ra, để chất lượng giấc ngủ tốt nhất, không nên ăn quá no trước khi đi ngủ và nên hạn chế dùng thiết bị điện tử. Ánh sáng phát ra từ điện thoại khiến não bộ bạn căng thẳng và giấc ngủ cũng dễ bị gián đoạn hơn.

3.4. Chọn đệm và gối êm hơn

Khi dùng loại đệm, gối êm, tốt, áp lực lên các vùng tiếp xúc của cơ thể như hông, vai lưng,… sẽ giảm bớt, vì thế mà khi ngủ bạn sẽ có được sự thoải mái dễ chịu hơn. Khi khí huyết lưu thông tốt, bạn sẽ ngủ ngon giấc hơn và tránh tính trạng nói mơ khi ngủ.

Ngoài ra, nếu e ngại việc bạn nói mơ hay có những hành động khi ngủ ảnh hưởng đến người khác, có thể chọn loại đệm có thể cách ly chuyển động. Loại đệm tiêu biểu là đệm cao su với chất lượng Latex hoặc Memory Foam.

3.5. Dọn dẹp phòng ngủ gọn gàng

Có thể bạn không biết, tạo thói quen dọn dẹp phòng ngủ sạch sẽ, gọn gàng thường xuyên cũng giúp bạn có tinh thần thư thái cùng giấc ngủ ngon hơn. Hãy đảm bảo điều kiện lưu thông khí trong phòng ngủ tốt, ít âm thanh và ánh sáng, bạn sẽ ngủ ngon và sâu giấc hơn. Điều kiện ngủ tốt cũng giúp bạn giảm đáng kể tình trạng nói mơ khi ngủ.

Điều kiện ngủ tốt cũng giúp hạn chế tình trạng nói mơ khi ngủ

Căn phòng có ánh sáng mặt trời chiếu vào buổi sáng, đến buổi chiều và tối râm mát cùng điều kiện thoáng khí tốt là nơi lý tưởng để ngủ.

Nói mơ là một dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp, đây cũng là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nói mơ khi ngủ gây nhiều bất tiện cho bản thân bạn và những người xung quanh nên hãy áp dụng những cách đơn giản trên để hạn chế tình trạng này.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.