Các tin tức tại MEDlatec
Nút ráy tai ở trẻ là gì? Làm sao để xử lý?
- 07/11/2020 | Ráy tai thế nào là bình thường? Ráy tai ướt thì có sao không?
- 08/05/2021 | Những nguyên nhân thường gặp dẫn đến ráy tai có mùi hôi
- 15/02/2023 | Cách lấy ráy tai đúng cách và an toàn bạn nên biết!
- 01/09/2023 | Những dụng cụ lấy ráy tai cho bé an toàn hiện nay
- 01/07/2023 | Lấy ráy tai cho bé, những điều cha mẹ nên lưu ý
1. Nút ráy tai ở trẻ là gì? Vì sao lại có?
Ráy tai là do hệ bài tiết của cơ thể tạo ra. Chúng được các tuyến nằm sâu dưới da sản xuất và bám lại trên niêm mạc ống tai ngoài. Thành phần của ráy tai bao gồm chất nhờn, các tế bào chết, mồ hôi tích tụ trong ống tai kèm theo bụi bẩn xâm nhập từ môi trường bên ngoài. Trên bề mặt tế bào tuyến còn có một lớp nhung mao, chúng chịu trách nhiệm đẩy ráy tai ra ống tai ngoài.
Tính chất của ráy tai ở mỗi người sẽ khác nhau. Phụ thuộc vào lứa tuổi, cơ địa, chế độ ăn uống cũng như thể trạng mà màu sắc, số lượng, mùi và tính chất của ráy tai của mỗi người cũng sẽ khác nhau. Nhưng tựu chung tác dụng của ráy tai là như nhau, đó là giúp ngăn cản các tác nhân như bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn xâm nhập vào ống tai, từ đó bảo vệ chức năng thính giác và ống tai.
Ráy tai giúp ngăn cản các tác nhân như bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn xâm nhập vào ống tai
Bản chất của ráy tai sẽ giống như một loại sáp nhưng thường sẽ tồn tại với số lượng khá ít. Ráy tai thường sẽ tự rửa trôi hay bong tróc dưới tác động của chất tiết trong tai. Nhưng nếu chất tiết này bị sản xuất dư thừa, liên tục hoặc bạn không làm sạch ráy tai đúng cách thì ngày càng sẽ có nhiều ráy tai bị đẩy ngược lại vào trong ống tai. Kết quả là trong tai bị tích tụ quá nhiều ráy tai, dần dần trở thành nút ráy tai khiến ống tai bị bít tắc.
Ở trẻ em, hiện tượng này xảy ra khá phổ biến. Phần lớn là do cha mẹ không vệ sinh tai đúng cách cho trẻ, hoặc trẻ không hợp tác khi lấy ráy tai. Điều này cản trở việc làm sạch ráy tai, đồng thời càng khiến cho nhiều ráy tai bị dồn tụ vào sâu hơn.
2. Nên lấy ráy tai cho trẻ khi nào?
Không nên lấy ráy tai quá thường xuyên cho trẻ (ví dụ như lấy ráy tai hàng ngày) vì thói quen này sẽ gây ra những tác hại như sau:
● Mất đi hàng rào bảo vệ ống tai: vì chức năng của ráy tai đó là ngăn cản những tác nhân như nấm mốc, vi khuẩn xâm nhập. Khi ráy tai thường xuyên bị lấy mất thì ống tai sẽ không còn được bảo vệ như trước nữa.
● Chấn thương màng nhĩ và ống tai: dễ gặp phải nếu trẻ không hợp tác, cử động, giãy giụa trong quá trình lấy ráy tai sẽ khiến da bị trầy xước, thậm chí là chảy máu, nghiêm trọng hơn là thủng màng nhĩ, viêm tai giữa, viêm tai ngoài, giảm thính lực,...
Ngược lại, nếu trong thời gian dài không vệ sinh ống tai thì lại tạo điều kiện để nút ráy tai hình thành. Khi đó, trẻ sẽ có các triệu chứng như sau:
● Ngứa ngáy, đau tai.
● Ù tai, nghe thấy những âm thanh ồn ào trong tai.
● Có cảm giác ống tai như bị lấp đầy.
● Trẻ quấy khóc, khó chịu.
● Ho khan, chóng mặt vì dây thần kinh trong tai bị kích thích.
● Thính lực giảm.
Khi đó, cha mẹ cần lưu ý về những triệu chứng này ở trẻ và tìm cách xử trí nút ráy tai cho trẻ.
Nút tai có thể khiến trẻ bị ngứa ngáy, đau tai rất khó chịu
3. Cách giải quyết nút ráy tai cho trẻ
Nếu không xử trí đúng cách và kịp thời, nút ráy tai có thể ngày càng bám chặt và bị đẩy sâu vào lòng ống tai. Về lâu dài, nó sẽ khiến trẻ có nguy cơ phải đối mặt với nhiều biến chứng như thủng màng nhĩ, đau tai, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng còn có thể lan đến sọ não (hiếm khi xảy ra nhưng rất nguy hiểm).
Vì vậy, xử trí nút ráy tai cho trẻ là việc làm quan trọng nhưng cần phải đảm bảo được thực hiện hiện đúng cách và an toàn. Phụ thuộc vào tình trạng nút ráy tai mà có thể xử trí tại nhà hoặc ở bệnh viện. Cụ thể:
3.1. Cách xử lý tại nhà
Nếu nút ráy tai của trẻ không quá nhiều thì cha mẹ có thể tự loại bỏ cho trẻ tại nhà bằng các cách như sau:
● Để trẻ nằm nghiêng sang 1 bên để dễ dàng xử lý bên tai cần lấy ráy.
● Nhỏ dung dịch nước muối sinh lý natri clorid 0,9% với liều lượng khoảng 10 - 15 giọt/lần, lặp lại 5 - 7 lần/ngày để làm mềm nút ráy tai khiến chúng dễ bong tróc hơn.
● Nhỏ nước muối sinh lý liên tục từ 5 - 7 ngày cho tới khi nút ráy tai đã mềm hơn, rã ra đáng kể. Tiếp tục thực hiện điều này khoảng 3 - 5 ngày nữa để nút ráy tai được đẩy ra hết.
● Lấy nút ráy tai và vệ sinh tai sạch sẽ cho trẻ.
3.2. Cách xử lý nút ráy tai ở cơ sở y tế
Nếu nút ráy tai không tự rã ra sau 5 - 7 ngày nhỏ NaCl 0,9% và vẫn còn bám chắc vào niêm mạc ống tai thì cha mẹ nên đưa trẻ đến Chuyên khoa Tai - Mũi - Họng để điều trị cho trẻ.
Để hạn chế việc nút tai gây ảnh hưởng tới sức khỏe, cha mẹ nên vệ sinh tai cho trẻ định kỳ
Việc cố gắng lấy nút ráy tai cho trẻ tại nhà có thể khiến ống tai của trẻ bị trầy xước da. Bên cạnh đó, dụng cụ lấy ráy tai ở nhà cũng không được đảm bảo vệ sinh nên có thể khiến trẻ bị nhiễm khuẩn trong quá trình lấy ráy tai.
4. Hướng dẫn cha mẹ cách vệ sinh tai cho trẻ
Để tránh tình trạng hình thành nút ráy tai cho trẻ, cha mẹ nên lưu ý đến việc vệ sinh và chăm sóc đôi tai của bé:
● Hàng ngày hãy vệ sinh vành tai cho trẻ bằng cách dùng khăn mềm thấm nước lau nhẹ vùng tai bên ngoài.
● Ở trẻ lớn hơn thì vi khuẩn, bụi bẩn có khả năng xâm nhập vào ống tai nhiều hơn do trẻ tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài. Do đó, ngoài việc vệ sinh vành tai thì cha mẹ cũng nên kết hợp với việc lấy ráy tai định kỳ trong ống tai cho trẻ.
● Tần suất lấy ráy tai: 2 lần/tháng.
Như vậy, những thông tin trong bài viết trên đây đã giúp chúng ta hiểu thêm về nút ráy tai ở trẻ là gì và các cách để xử trí khi gặp phải tình trạng này. Trong trường hợp con trẻ trong gia đình bạn bị nút ráy tai hay gặp các vấn đề về Tai Mũi Họng mà gia đình chưa biết cách xử trí thì có thể đưa trẻ đi khám tại Chuyên khoa Tai Mũi Họng của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Quý bạn đọc vui lòng liên hệ ngay hotline 1900565656 để được tư vấn chi tiết hơn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!