Các tin tức tại MEDlatec

PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng: “Bác sĩ lâm sàng như những người đi giải toán, ẩn số thường ảo mà đáp số thì thật”

Ngày 19/11/2024
PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng được mọi người đánh giá là nhà khoa học đặc biệt, bởi bà luôn say mê với lâm sàng, không ngừng tìm kiếm và đương đầu với các ca bệnh khó, bệnh hiếm gặp. Không những thế, bà còn nhiệt huyết trong công tác giảng dạy, truyền đạt lại những kiến thức, kinh nghiệm cho lớp học trò đi sau.

Ước ao khoác lên mình chiếc áo blouse từ khi còn tấm bé

PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng (sinh năm 1962, tại Nam Định) - chuyên gia cao cấp Hệ thống Y tế MEDLATEC; Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội, Trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội); nguyên Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi (Viện Phổi Trung ương). 

Chân dung PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng - Chuyên gia cao cấp Hệ thống Y tế MEDLATEC

Một buổi chiều tháng 11/2024, khi trao đổi với chúng tôi về những câu chuyện nghề nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nữ chuyên gia chia sẻ, bà đến với ngành y như một cái duyên. 

Lần đầu tiên bà được tiếp xúc với tà áo blouse trắng là từ khi còn rất nhỏ. Lúc ấy, bà theo chân bố mẹ đến Bệnh viện 1 Nam Định (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định), thấy hình ảnh những người thầy thuốc mặc áo blouse trắng đi trong khuôn viên bệnh viện thật đẹp, khiến bà ngưỡng mộ. Đến tận bây giờ, những hình ảnh đó vẫn như còn nguyên vẹn trong trí nhớ của vị nữ phó giáo sư.

Rồi tiếp sau đó, những lần gia đình có người ốm đau, nhìn thấy các thầy thuốc, bác sĩ tận tâm cứu chữa cho người thân làm PGS. Hoàng Thị Phượng thêm thần tượng. Từ đó, niềm ước ao khoác lên mình chiếc áo blouse luôn cháy trong tâm trí, để rồi bà quyết tâm thi vào ngành y.

Đó là đam mê nhưng nó cũng như một cái duyên. Mình không tự chọn nghề mà nghề tự chọn mình”, PGS. Hoàng Thị Phượng chia sẻ.

Sau nhiều năm học tập và làm nghề, ngành y có thêm một vị nữ bác sĩ tài ba, nghiên cứu ra nhiều ca bệnh lạ và phương pháp điều trị hiệu quả, cứu giúp hàng ngàn ca bệnh khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Từng bị cho là “ảo tưởng” trong chẩn đoán nhưng vẫn luôn yêu và say mê với lâm sàng

Được đánh giá là người có kỹ năng quản lý tốt, trong suốt quá trình công tác, PGS. Hoàng Thị Phượng từng có nhiều cơ hội thay đổi để không làm lâm sàng nữa. Tuy nhiên, bà từ chối tất cả vì “đã yêu và say mê với lâm sàng”.

Bác sĩ lâm sàng như những người đi giải toán, ẩn số thường ảo mà đáp số thì thật. Những xét nghiệm nó là định lượng nhưng các triệu chứng của bệnh nhân là định tính. Mà định tính sai, người dân thiệt. Chính vì thế, kinh nghiệm lâm sàng và kiến thức y học cập nhật là tối quan trọng.

Có những bệnh nhân, tôi muốn tự tay phải lấy mẫu bệnh phẩm và sinh thiết tổn thương để làm chẩn đoán, cuối cùng thành ra là những ca bệnh hiếm gặp, ca bệnh đầu tiên của Việt Nam. Từ sự nghiên cứu, mày mò qua các tài liệu y học trong và ngoài nước, từ kinh nghiệm lâm sàng của người làm nghề, tôi đưa ra chẩn đoán mà đã có người cho đó là ảo tưởng. Thế nhưng cuối cùng, từ những chẩn đoán được cho là ảo tưởng đó, bệnh nhân được cứu sống, nó tạo cho tôi sự thanh thản”, PGS. Hoàng Thị Phượng mỉm cười đáp.

Nhiều ca bệnh tự tay PGS. Hoàng Thị Phượng lấy mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm chuyên sâu

Nhờ sự “ảo tưởng” của mình mà PGS. Hoàng Thị Phượng đã chẩn đoán và tìm ra được nhiều ca bệnh lạ, chữa trị thành công cho các ca bệnh khó, hiếm gặp như: trường hợp bệnh hiếm gặp đầu tiên tại Việt Nam nhiễm nấm đa tạng (Penicilin Marnerfei) trên bệnh nhân HIV âm tính; trường hợp bệnh hiếm gặp đầu tiên tại Bệnh viện Phổi TW: hội chứng thực bào máu/Lao phổi AFB; trường hợp bệnh hiếm gặp đầu tiên tại Việt Nam: u nội mô mạch máu dạng biểu mô, bệnh Kikuchi hậu Covid-19…

Và cũng nhờ sự “ảo tưởng” đó, nữ chuyên gia đã cho ra cuốn cẩm nang lần đầu tiên xuất bản tại Việt Nam mang tên “Thực hành lâm sàng bệnh nhiễm trùng do Nontuberculous Mycobacteria (NTM)”.

Cuốn cẩm nang đầu tiên xuất bản tại Việt Nam về chủ đề vi khuẩn không lao của PGS. Hoàng Thị Phượng

Cẩm nang NTM là thành quả của 20 năm nghiên cứu miệt mài, là kinh nghiệm đúc kết gần 40 năm lâm sàng của nữ chuyên gia. Cuốn sách giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh phổi, điều trị trúng đích, rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh. 

Bên cạnh đó, PGS. Hoàng Thị Phượng sở hữu rất nhiều những tài liệu nghiên cứu giá trị đăng tải trên các tạp chí; báo cáo tại các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế, được giới chuyên môn đề cao.

Người “nghiện” giảng, nhiệt huyết truyền lửa, sẵn sàng dìu dắt thế hệ sau

PGS. Hoàng Thị Phượng tâm sự, bà cảm thấy mình thật may mắn khi được học tập từ “thế hệ vàng” của ngành y. Một lời dạy từ cố GS. Đặng Văn Chung, người thầy kiệt xuất của nhiều thế hệ thầy thuốc đã trở thành triết lý xuyên suốt sự nghiệp của bà, đó là “không có bệnh mà chỉ có người bệnh”. 

Chính vì lẽ đó, PGS. Hoàng Thị Phượng được xem là nhà khoa học đặc biệt, người luôn gắn bó trực tiếp với việc khám chữa bệnh, không ngừng tìm tòi và luôn chủ động khi đối diện với những người bệnh.

Say mê phát hiện bệnh, say mê đối diện người bệnh nhưng nữ Phó Giáo sư cũng không ngừng say mê truyền lại những kiến thức, kinh nghiệm quý giá của mình cho lớp học trò kế cận. Tự nhận mình là người “nghiện” giảng, mỗi lần đứng lớp hay giảng giải về một ca bệnh nào đó, bà say mê đến nỗi thường quên cả giờ giấc. 

Những kiến thức có được, PGS. Hoàng Thị Phượng không hề giấu giếm mà luôn sẵn sàng chia sẻ, truyền đạt lại cho người khác. Với bà, trách nhiệm của một người bác sĩ ngoài khám chữa bệnh thì còn phải truyền nghề cho thế hệ sau. Phải làm được cả 2 việc đó thì mới là làm tròn trách nhiệm của một người bác sĩ tốt.

Bác sĩ Vũ Thị Ánh, một học trò xuất sắc của PGS. Hoàng Thị Phượng chia sẻ, thời sinh viên, mỗi lần đến tiết học của cô Phượng, các sinh viên đều rất hào hứng.

Cô Phượng luôn lên lớp với 200% sức lực. Cô giảng dễ hiểu, sinh động và logic, lũ sinh viên chúng tôi ngày ấy nghe cuốn theo quên cả giờ nghỉ. Sau giờ học, cô trò lại ngồi tỉ tê, cô kể cho chúng tôi nghe về chuyện đời, chuyện nghề. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ lời cô dạy, đó là “sống bản lĩnh, hết mình với đam mê, yêu đời và yêu nghề đi rồi nghề sẽ yêu lại””, bác sĩ Ánh cho biết.

PGS. Hoàng Thị Phượng tích cực tham gia giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm cho lớp học trò đi sau

Nhận xét về nữ đồng nghiệp, GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hệ thống Y tế MEDLATEC chia sẻ: “PGS. Hoàng Thị Phượng là một người phụ nữ đặc biệt lắm. Ở người phụ nữ ấy, tôi thấy sự miệt mài học tập, tích cực phát hiện cái mới, cái khó và sẽ tìm mọi cách xử lý bằng được cái khó đó chứ không khi nào bỏ cuộc.

Đến với MEDLATEC, PGS Phượng đã chẩn đoán được nhiều ca bệnh khó, đưa ra được phác đồ điều trị hợp lý cho người bệnh. PGS Phượng còn giúp MEDLATEC hoàn thiện được hệ thống các xét nghiệm thăm dò liên quan đến lao và phổi; luôn là người đi đầu, khởi xướng nhưng đồng thời cũng song hành cùng các y bác sĩ trong chẩn đoán, chữa trị. Đặc biệt, PGS Phượng còn là người biết dìu dắt, truyền kinh nghiệm cho người đi sau… Đó là những điều khiến tôi nể phục PGS Phượng”.

Nhiều ca bệnh hiếm gặp tại Việt Nam đã được PGS.Hoàng Thị Phượng tìm ra và khắc chế

Vị bác sĩ luôn “biết ơn” dù thành công hay thất bại 

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với PGS. Hoàng Thị Phượng dường như không có khoảng lặng, bởi sự say mê, nhiệt huyết và năng lượng tích cực tỏa ra trong từng câu nói của nữ chuyên gia.

Nhìn vào cây nhót sum suê cành lá đang vươn ra ngoài cửa sổ phòng khám, nữ chuyên gia lại cười từ ánh mắt:“Tôi thấy yêu lắm mọi thứ xung quanh mình. Nhà tôi cũng có vườn trên cao và tôi vẫn dành thời gian chăm chút từng chiếc lá. Tôi cảm thấy mỗi giây phút cuộc đời trôi qua đều rất ý nghĩa và tôi biết ơn cuộc đời”.

Nụ cười luôn nở trên môi, lan tỏa năng lượng tích cực của nữ chuyên gia

Rất nhiều lần, PGS. Hoàng Thị Phượng dùng hai từ “biết ơn”. Nữ chuyên gia tâm sự rằng, văn hóa biết ơn của bà được hun đúc từ nhỏ, xuất phát từ nền tảng giáo dục gia đình. Văn hóa này được bồi đắp và đầy theo thời gian, ngay cả khi bà thành công hay thất bại.

Trong cuộc sống, trong công việc, có khi mình thành công, cũng có khi mình thất bại nhưng mình vẫn biết ơn cả hai thứ đấy. Bởi vì, đó có thể là động lực, là năng lượng, là điểm tựa để cho mình bước tiếp, mình suy ngẫm, mình hành động mà vươn lên”, nữ chuyên gia tâm sự.

PGS. Hoàng Thị Phượng biết ơn tất cả mọi người, kể cả bệnh nhân của mình

Đến hiện tại, lựa chọn ngành y với PGS. Hoàng Thị Phượng là đúng đắn. Bà tâm niệm: “Làm nghề bác sĩ, nếu mình không giỏi thì bệnh nhân thiệt thòi”.

Vì thế nữ chuyên gia cho rằng, biết ơn trong ngành y nó như một nét văn hóa đặc thù. Bà biết ơn những người thầy cô của mình, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; Biết ơn đồng nghiệp, những người đi trước bởi vì trách nhiệm của một người bác sĩ ngoài chữa bệnh, còn là truyền nghề cho thế hệ sau: “Trò có giỏi thì mình mới tròn vai một người thầy”.

Đặc biệt, PGS. Hoàng Thị Phượng biết ơn cả những người bệnh. Trong các cuốn sách của mình, ở trang lời tựa, bà dành lời cảm ơn cho các người bệnh. Bà cảm ơn vì họ đã cùng đồng hành cùng mình, đã tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ để từ đó bà có thông tin viết ra được những cuốn sách quý, truyền đạt lại kiến thức cho những người làm nghề y đi sau.

Say mê công việc nhưng không quên yêu đời, yêu gia đình

PGS. Hoàng Thị Phượng chia sẻ, hạnh phúc nhất của đời bà là được làm nghề phù hợp với mình. Vì thế, bà luôn đam mê, say nghề một cách lạ thường.

Trong công việc, bà tự đánh giá mình là một người cực kỳ nguyên tắc, khó chịu nếu không có sự chuyên nghiệp. Thế nhưng, ở đời thường, bà luôn được mọi người yêu quý bởi sự hòa đồng, có một tâm hồn yêu cỏ cây, hoa lá, yêu vạn vật xung quanh.

PGS Phượng có phương châm sống cũng thật đẹp: “Làm người tốt rất khó, làm một bác sĩ tốt còn khó hơn rất nhiều, bởi với bà, là một bác sĩ tốt phải có thêm trình độ, có kỹ năng làm việc và làm thật tỉ mỉ, chỉn chu, khoa học. Sức khỏe và tính mạng của người dân phụ thuộc vào trình độ bác sĩ”.

PGS. Hoàng Thị Phượng luôn yêu cầu sự chuyên nghiệp cao trong công việc

Đứng sau những thành công trong sự nghiệp của PGS. Hoàng Thị Phượng không thể thiếu “hậu phương” vững chắc, đó là gia đình. Bà may mắn vì gia đình thấu hiểu.

Một người toàn tâm, toàn ý dành thời gian cho nghiên cứu, giảng dạy, cứu chữa người bệnh ít ai nghĩ sẽ có thời gian dành cho gia đình. Nhưng không, PGS. Hoàng Thị Phượng được nhiều người hết lời khen ngợi, rằng bà nấu ăn cực kỳ ngon. 

Với bà, phụ nữ mà thiếu “nữ công gia chánh” thì dư vị ẩm thực trong nhà không đủ tròn. Vì thế, dù bận đến đâu bà vẫn luôn dành thời gian cho gia đình, nấu những món ăn ngon mà chồng, con yêu thích.

Nhiều người nhìn tôi về nhà lúc nào cũng thảnh thơi, có người còn hồ nghi sự chăm sóc dành cho gia đình nhưng thực chất chuyện bếp núc cái gì tôi cũng làm được. Mình yêu cuộc đời này, mình đam mê, mình thưởng thức thì nó đẹp, khá là thú vị.

Không phải ngẫu nhiên mà tôi coi trọng việc ăn phải ngon lành và việc mặc cũng phải đẹp đẽ. Ăn ngon, mặc đẹp có rất nhiều năng lượng. Theo y học, khi mình hưng phấn, não mình tiết ra những hoocmon tích cực, sản sinh ra năng lượng tốt”, PGS. Hoàng Thị Phượng bộc bạch.

Những ngày lễ như 8/3, 20/10 hay là 20/11… dù bận rộn đến đâu, PGS. Hoàng Thị Phượng cũng luôn dành thời gian cho gia đình, cùng người thân yêu tổ chức một mâm cơm ngon lành, hấp dẫn.

PGS. Hoàng Thị Phượng luôn biết sắp xếp thời gian hài hòa giữa công việc và gia đình

Đến hiện tại, dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng hằng ngày PGS. Hoàng Thị Phượng vẫn miệt mài làm việc. Nữ chuyên gia chia sẻ, làm nghề y tuy vất vả nhưng nhiều niềm vui, mà vui nhất là khi nhận được những tình yêu thương đặc biệt từ khách hàng. 

Bà từng nhận được cái ôm bất ngờ của một bệnh nhân sau khi chữa khỏi bệnh Viêm phổi - Viêm xoang cho họ. Hay nhận được món quà đơn giản chỉ là chiếc nón của một bệnh nhân là nghệ nhân làm nón làng Chuông (Hà Nội)... Những điều ấy tuy nhỏ bé nhưng khiến bác sĩ có thêm niềm vui, động lực để cố gắng hơn nữa trong nghề.

PGS. Hoàng Thị Phượng vui vẻ khi nhận được món quà từ một bệnh nhân là nghệ nhân làm nón làng Chuông (Hà Nội)

Ông Trần Văn Hoà (SN 1954, quê Hưng Yên), một bệnh nhân từng mắc bệnh phổi nghẽn mãn tính rất nặng, bị bệnh viện trả về. Tuy nhiên, sau khi gặp PGS. Hoàng Thị Phượng tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, ông đã dần hồi phục.

Bác sĩ Phượng là một người rất giỏi, làm việc chuyên nghiệp và rất quan tâm bệnh nhân. Tôi sống được đến ngày hôm nay là do bác sĩ Phượng cứu. Tôi thực sự biết ơn bác sĩ Phượng”, ông Hòa tâm sự.

Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), kính chúc PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng cùng các Thầy, Cô có sức khỏe dồi dào để công tác tốt, vững vàng trong sự nghiệp “trồng người” và tiếp tục cống hiến, cứu chữa cho nhiều bệnh nhân.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.