Các tin tức tại MEDlatec
Phẫu thuật thay khớp gối: Những điều bạn nên biết
- 10/07/2025 | Thoái hoá khớp gối là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa
- 21/05/2025 | Có nên thay khớp gối nhân tạo không và thời gian duy trì là bao lâu?
- 21/07/2025 | Phẫu thuật thay khớp gối: Những điều bạn nên biết
1. Thay khớp gối và mục đích thực hiện
1.1. Thay khớp gối là gì?
Thay khớp gối là phẫu thuật được thực hiện để thay thế phần khớp gối bị tổn thương hoặc thoái hóa bằng khớp gối nhân tạo. Khớp nhân tạo được thay thế có cấu tạo mô phỏng khớp gối thật nên sẽ đảm bảo sự linh hoạt khớp trong quá trình vận động.
Bệnh nhân thoái hóa khớp nặng thường được điều trị bằng thay khớp gối nhân tạo
1.2. Mục đích của việc thay khớp gối
Chỉ định phẫu thuật thay khớp gối được thực hiện với mục đích:
- Giảm triệu chứng đau khớp mạn tính trong bệnh viêm hoặc thoái hóa khớp gối.
- Khôi phục lại khả năng đi lại và vận động bình thường.
- Cải thiện khả năng vận động khớp, giúp người bệnh được nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Giảm thiểu tình trạng phụ thuộc thuốc giảm đau.
2. Trường hợp cần thay khớp gối và dấu hiệu cảnh báo
2.1. Khi nào cần thay khớp gối?
Thay khớp gối không phải là chỉ định dành cho mọi trường hợp gặp vấn đề về khớp gối. Đây là phương pháp can thiệp cuối cùng sau khi các phương pháp điều trị nội khoa, vật lý trị liệu đã áp dụng nhưng không mang lại hiệu quả.
Thông thường, bác sĩ cân nhắc phẫu thuật thay khớp gối đối với trường hợp:
- Bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối nặng khiến bề mặt sụn khớp bị mòn hoàn toàn, hai đầu xương cọ xát với nhau gây đau đớn, biến dạng khớp, người bệnh gặp nhiều khó khăn trong vận động.
- Người mắc viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh lý tự miễn gây biến dạng và phá hủy cấu trúc khớp gối.
- Bệnh nhân bị chấn thương khớp gối nghiêm trọng khiến khớp không thể phục hồi bằng phương pháp cố định hay chỉnh hình.
- Khớp gối bị hoại tử vô mạch làm phá hủy bề mặt khớp.
2.2. Dấu hiệu cảnh báo cần thay khớp gối
Những dấu hiệu gợi ý sau đây có thể cảnh báo nguy cơ cần phẫu thuật thay khớp gối:
- Đau khớp gối mạn tính kể cả khi nghỉ ngơi và khi đi lại, không đáp ứng thuốc và gây suy giảm chất lượng giấc ngủ nghiêm trọng.
- Khớp đau và cứng nên không thể đi bộ xa, leo cầu thang, ngồi xổm hoặc đứng lâu. Đôi khi người bệnh cần dùng nạng hoặc gậy hỗ trợ việc di chuyển.
- Khớp gối bị lệch trục, chân cong vòng kiềng, mất cân đối hai bên khớp gối do thoái hóa không đều.
- Có tiếng kêu lạo xạo ở gối khi cử động.
Đau nhức, khó vận động khớp là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ thay khớp gối
3. Phẫu thuật thay khớp gối diễn ra như thế nào?
3.1. Các phương án có thể thực hiện trong phẫu thuật thay khớp gối
Đối với các trường hợp cần phẫu thuật thay khớp gối, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn một trong hai phương pháp sau:
- Thay khớp gối toàn phần:
Đây là phương pháp thay toàn bộ bề mặt khớp, áp dụng cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối nghiêm trọng, bị biến dạng khớp. Phẫu thuật giúp cải thiện triệu chứng và tránh nguy cơ tàn tật cho người bệnh.
- Thay khớp gối bán phần:
Phẫu thuật thay khớp bán phần áp dụng với trường hợp chỉ bị hư một phần khớp gối, thời gian hồi phục nhanh và trở lại vận động sớm.
Tùy theo mức độ tổn thương khớp và nhu cầu về khả năng vận động của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án phẫu thuật phù hợp.
3.2. Trước khi phẫu thuật thay khớp gối người bệnh cần làm gì?
Người bệnh sẽ được thực hiện một số kiểm tra sau trước khi bước vào quá trình thay khớp gối:
- Bác sĩ thực hiện khám lâm sàng để đánh giá tình trạng khớp và chức năng vận động của bệnh nhân.
- Người bệnh được chụp CT-Scanner hoặc chụp MRI để cung cấp hình ảnh giúp bác sĩ xác định mức độ tổn thương khớp.
- Xét nghiệm máu và thăm dò chức năng cơ bản: Đánh giá các điều kiện sức khỏe cần thiết để thực hiện phẫu thuật.
3.3. Các bước của quy trình phẫu thuật thay khớp gối
Toàn bộ quá trình phẫu thuật thay khớp gối sẽ được diễn ra trong môi trường vô trùng, trong khoảng 1 - 3 giờ, được thực hiện qua các bước:
- Bước 1: Người bệnh được gây tê tủy sống hoặc gây mê toàn thân.
- Bước 2: Bác sĩ rạch da mặt trước đầu gối sau đó tiến hành các thao tác thay khớp gối nhân tạo, gắn mảnh chèn và đổ xi măng y khoa vào để giữ chặt khớp gối được thay.
- Bước 3: Bác sĩ tiến hành khâu đóng vết mổ kết thúc quá trình phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo.
Sau phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo, người bệnh cần nằm viện 5 - 7 ngày để theo dõi phòng ngừa biến chứng và được hướng dẫn tập phục hồi chức năng.
Hình ảnh mô phỏng khớp gối nhân tạo được thay thế cho khớp tự nhiên bị tổn thương
4. Phòng ngừa nguy cơ thay khớp gối bằng cách nào?
Để phòng ngừa nguy cơ phải thay khớp gối, bạn có thể chủ động thực hiện bằng những cách sau:
- Duy trì cân nặng hợp lý để không xảy ra tình trạng thừa cân, béo phì - yếu tố tăng áp lực cho khớp gối và đẩy nhanh quá trình thoái hóa.
- Tập luyện đều đặn hàng ngày các bài vận động nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, yoga, đạp xe,... để tăng cường sức mạnh cho các cơ quanh gối và đảm bảo sự linh hoạt của khớp.
- Tránh các động tác gập gối quá mức, không nâng vật nặng sai tư thế hoặc chơi thể thao quá sức gây chấn thương gối.
- Điều trị sớm các bệnh lý xương khớp để tổn thương không có cơ hội lan rộng.
- Bổ sung đủ canxi, vitamin D, omega-3 và collagen hỗ trợ nuôi dưỡng sụn khớp và xương chắc khỏe.
- Thăm khám ngay khi có biểu hiện đau khớp hoặc khám xương khớp định kỳ để kịp thời phát hiện nguy cơ thoái hóa, biến chứng suy giảm vận động.
Đối với những trường hợp đã được chỉ định, thay khớp gối là cách tốt nhất để người bệnh được giảm đau, tăng khả năng phục hồi vận động và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nếu đang gặp phải các triệu chứng đau khớp trong thời gian dài, cứng khớp, biến dạng, vận động kém,... quý khách hàng có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được chẩn đoán và định hướng điều trị kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!