Tin tức

Có nên thay khớp gối nhân tạo không và thời gian duy trì là bao lâu?

Ngày 21/05/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lê Thị Dương
Thay khớp gối nhân tạo là một trong những phương pháp điều trị được áp dụng với bệnh trường hợp thoái hóa khớp nặng, viêm khớp mạn tính,... Tuy nhiên, khi đứng trước lựa chọn phẫu thuật, người bệnh thường sẽ tự đặt ra câu hỏi: có nên thay khớp gối nhân tạo không? Bài viết sau sẽ phân tích các vấn đề liên quan để bạn có thêm thông tin tham khảo, dễ dàng đưa ra quyết định trong tình huống được chỉ định thủ thuật này.

1. Khớp gối nhân tạo là gì?

Khớp gối nhân tạo là dạng khớp được thiết kế để mô phỏng chuyển động tự nhiên của khớp gối, giúp người bệnh thực hiện chức năng vận động như khớp gối tự nhiên sau phẫu thuật.

Cấu tạo của khớp gối nhân tạo gồm: phần lồi cầu đùi, mâm chày và mảnh chèn. Có 3 loại khớp gối nhân tạo là: khớp gối nhân tạo hạn chế một phần, không hạn chế và hạn chế toàn phần. Trong đó, khớp gối không hạn chế được sử dụng nhiều nhất. Nếu được theo dõi, chăm sóc tốt, khớp gối nhân tạo có thể dùng tới 15 năm.

Khớp gối nhân tạo giúp phục hồi khả năng vận động khớp gối

Khớp gối nhân tạo giúp phục hồi khả năng vận động khớp gối 

2. Có nên thay khớp gối nhân tạo không? Khi nào nên thay?

2.1. Ưu điểm của khớp gối nhân tạo

Trước khi tìm hiểu có nên thay khớp gối nhân tạo không, bạn hãy lưu tâm đến những ưu điểm của dạng khớp này, đó là:

- Khả năng khôi phục chức năng vận động thường ngày mà không còn tình trạng đau đớn như trước đó.

- Có khả năng tương thích cao với cơ thể và có tính linh hoạt cao sau khi hoàn thành phẫu thuật.

- Sử dụng vật liệu sinh học và công nghệ sản xuất tiên tiến nên dùng được trong thời gian dài.

- Sau phẫu thuật, nếu tuân thủ đúng hướng dẫn phục hồi, người bệnh có thể giảm thiểu nguy cơ biến chứng về sau như viêm khớp tái phát, lệch trục khớp,...

2.2. Đối tượng được chỉ định và lợi ích của thay khớp gối nhân tạo

Không phải mọi trường hợp đau khớp gối đều cần phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo. Chỉ định thay khớp gối nhân tạo thường được bác sĩ đưa ra khi người bệnh bị:

- Thoái hóa khớp gối nặng khiến lớp sụn bị mòn hoàn toàn, gây đau đớn dữ dội và biến dạng khớp.

- Viêm khớp dạng thấp khiến tổn thương lan rộng đến mô sụn và xương dưới sụn.

- Chấn thương nghiêm trọng ở khớp gối như gãy xương, vỡ mảnh sụn không thể phục hồi.

- Đau mạn tính đã điều trị bảo tồn nhưng không đáp ứng.

- Chức năng vận động giảm nghiêm trọng.

Việc thay khớp gối nhân tạo trong những trường hợp này có tác dụng:

- Loại bỏ phần khớp tổn thương, không còn bị đau khớp dai dẳng.

- Cải thiện khả năng vận động để người bệnh chủ động trong công việc và cuộc sống hàng ngày.

- Tránh được tác dụng phụ nguy hiểm do việc dùng thuốc giảm đau kéo dài.

Bác sĩ sẽ cân nhắc thay khớp gối nhân tạo nếu đã thoái hóa khớp nghiêm trọng

Bác sĩ sẽ cân nhắc thay khớp gối nhân tạo nếu đã thoái hóa khớp nghiêm trọng

2.3. Thay khớp gối nhân tạo: Nên hay không?

Các yếu tố chính quyết định đến vấn đề bệnh nhân có nên thay khớp gối nhân tạo không gồm: 

- Mức độ đau và ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của bệnh nhân.

- Tuổi tác và thể trạng sức khỏe.

- Bệnh lý nền mắc phải.

- Hiệu quả điều trị trước đó.

Bác sĩ chuyên khoa là người sẽ tư vấn trực tiếp cho người bệnh có nên thay khớp gối nhân tạo không và thời gian nào phù hợp để phẫu thuật, loại khớp gối nhân tạo nào phù hợp với bệnh nhân. Thông thường, những trường hợp bị nhiễm trùng, xương không đủ khỏe thường không đáp ứng với phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo. 

Trước khi đưa ra chỉ định thay khớp gối, bác sĩ sẽ nỗ lực hết sức để điều trị ít xâm lấn, trì hoãn việc thay khớp. Chỉ khi quá trình trì hoãn này không đạt mục tiêu như mong muốn bác sĩ mới cân nhắc đến việc phẫu thuật thay khớp. 

Nếu đã được chỉ định, người bệnh không nên tốn quá nhiều thời gian để cân nhắc về việc có nên thay khớp gối nhân tạo không. Thay vào đó, người bệnh cần thực hiện theo chỉ định từ bác sĩ để khôi phục chức năng vận động và tránh những biến chứng không đáng có.

Người bệnh được bác sĩ thăm khám, đánh giá để quyết định có nên thay khớp gối nhân tạo không

Người bệnh được bác sĩ thăm khám, đánh giá để quyết định có nên thay khớp gối nhân tạo không

3. Rủi ro có thể gặp phải sau phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo và cách giảm thiểu nguy cơ

3.1. Rủi ro có thể gặp khi thay khớp gối nhân tạo

Thay khớp gối nhân tạo là can thiệp ngoại khoa nên vẫn tiềm ẩn một số rủi ro như:

- Nhiễm trùng vết mổ hoặc khớp nhân tạo.

- Tụ máu hoặc sưng kéo dài quanh khu vực khớp gối, gây đau và khó vận động trong thời gian đầu

- Khớp bị lỏng hoặc lệch.

- Hình thành cục máu đông ở tĩnh mạch chân làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi.

- Giới hạn vận động do mô sẹo, dính khớp hoặc phục hồi không đúng cách.

3.2. Cách giảm thiểu rủi ro khi thay khớp gối nhân tạo

Để giảm thiểu nguy cơ gặp phải rủi ro nêu trên, người bệnh cần đặc biệt chú ý những vấn đề như:

- Chọn thực hiện phẫu thuật tại các cơ sở y tế chuyên khoa có đội ngũ bác sĩ phẫu thuật nhiều kinh nghiệm và hệ thống thiết bị y tế hiện đại hỗ trợ quá trình điều trị đạt kết quả cao.

- Khám sàng lọc sức khỏe kỹ càng trước khi tiến hành phẫu thuật.

- Dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ để tránh gặp phải biến chứng.

- Vận động sớm và đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

- Theo dõi và tái khám định kỳ để kiểm tra tình trạng khớp, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường nếu có.

4. Thay khớp gối nhân tạo có khôi phục vận động như bình thường không? Duy trì được bao lâu?

Hầu hết bệnh nhân sau khi thay khớp gối nhân tạo 6 tháng đến 1 năm đều có thể đi lại bình thường, không đau, leo cầu thang, lái xe, tập thể dục nhẹ và thực hiện các sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà không gặp nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, mức độ phục hồi vận động còn phụ thuộc vào: tình trạng khớp trước phẫu thuật, thể trạng, tuổi tác, chế độ tập luyện phục hồi chức năng, tay nghề của bác sĩ phẫu thuật,... Tuổi thọ của khớp gối nhân tạo có thể lên tới 15 năm nếu các vấn đề sau đây được thực hiện tốt:

- Duy trì tập phục hồi chức năng tối thiểu 3 - 6 tháng sau phẫu thuật.

- Kiểm soát cân nặng để giảm tải lên khớp gối.

- Hạn chế các động tác mạnh hoặc sai tư thế như gập gối quá sâu, ngồi xổm lâu hoặc đứng lên ngồi xuống đột ngột.

- Tái khám định kỳ đúng lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra độ bền và vị trí của khớp nhân tạo được thay.

Việc có nên thay khớp gối nhân tạo không phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý, độ tuổi, mong muốn cải thiện chất lượng sống và khả năng chi trả của người bệnh. Đối với những trường hợp đã được bác sĩ chuyên khoa tư vấn thay khớp, thực hiện điều trị theo hướng dẫn là cách tốt nhất để giảm đau và phục hồi chức năng khớp gối.

Quý khách hàng nếu đang bị đau khớp gối nhiều ngày, khả năng vận động giảm, hãy liên hệ Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp - Hệ thống Y tế MEDLATEC để được đánh giá và tư vấn hướng điều trị tốt nhất.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ