Tin tức

Thoái hoá khớp gối là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa

Ngày 09/07/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lê Thị Dương
Thoái hoá khớp gối là một trong những bệnh lý xương khớp phổ biến hiện nay, thường gặp ở người trung niên và cao tuổi. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh có thể dẫn đến tình trạng đau nhức dai dẳng, làm suy giảm khả năng vận động và tác động tiêu cực đến chất lượng sống của người bệnh. Bài viết dưới đây, cùng tìm hiểu chi tiết về dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

1. Thoái hoá khớp gối là gì? 

Thoái hóa khớp gối là tình trạng tổn thương xảy ra tại sụn khớp và xương dưới sụn ở vùng gối, khiến cấu trúc này bị bào mòn dần theo thời gian. Khi lớp sụn bảo vệ mất đi, hai đầu xương cọ xát trực tiếp vào nhau, dẫn đến hiện tượng đau nhức, viêm và khiến khớp vận động kém linh hoạt. Đây là một quá trình tiến triển mạn tính, không phục hồi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát và làm chậm quá trình thoái hoá nếu phát hiện sớm. 

Tình trạng này xuất hiện phổ biến ở những người trên 55 tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn đáng kể so với nam giới. Tuy nhiên, người trẻ tuổi vẫn có nguy cơ mắc bệnh nếu thường xuyên vận động sai tư thế, chấn thương hoặc có lối sống thiếu lành mạnh. 

2. Dấu hiệu cảnh báo sớm thoái hóa khớp gối không nên bỏ qua

Người bệnh có thể nhận biết thoái hoá thông qua các triệu chứng điển hình sau: 

  • Đau đầu gối: Đây là dấu hiệu điển hình của bệnh, biểu hiện với các cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói ở vùng trước và hai bên khớp gối. Cơn đau ở khớp gối thường xuất hiện rõ rệt khi vận động, đặc biệt là lúc đi lại, leo cầu thang, đứng lâu hoặc mang vác vật nặng.
  • Cứng khớp: Là tình trạng người bệnh cảm thấy khớp gối kém linh hoạt, khó co duỗi sau một khoảng thời gian bất động, thường xảy ra vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc khi ngồi lâu không vận động.
  • Tiếng kêu lạo xạo trong khớp: Khi co duỗi gối hoặc di chuyển, người bệnh có thể nghe thấy âm thanh như lục cục, lạo xạo phát ra từ khớp gối. Đây là dấu hiệu cho thấy sụn khớp bị bào mòn, khiến hai đầu xương cọ xát trực tiếp vào nhau trong quá trình vận động.
  • Hạn chế vận động: Người bệnh có thể gặp khó khăn khi duỗi thẳng hoặc gập gối, dáng đi thay đổi, dễ vấp ngã hoặc phải đi tập tễnh,…
  • Sưng đau quanh khớp gối: Một số trường hợp thoái hóa khớp gối có thể kèm theo tình trạng sưng nhẹ quanh vùng khớp do phản ứng viêm hoặc hiện tượng tràn dịch khớp. Khi sờ vào, người bệnh cảm nhận được cảm giác nóng, căng tức, thậm chí vùng da bên ngoài có thể đỏ ửng nhẹ, biểu hiện điển hình cho tình trạng viêm đang diễn ra tại khớp.
  • Biến dạng khớp: Triệu chứng này thường gặp ở giai đoạn bệnh trở nặng. Người bệnh có thể gặp tình trạng: chân vòng kiềng hoặc cong vào trong, gối bị lệch,… 

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu thoái hóa khớp gối có ý nghĩa quan trọng trong hỗ trợ chẩn đoán và điều trị, hạn chế tối đa biến chứng không mong muốn. 

Đau đầu gối là triệu chứng điển hình của bệnh thoái hoá khớp gốiĐau đầu gối là triệu chứng điển hình của bệnh thoái hoá khớp gối

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây thoái hoá thường liên quan đến các yếu tố về tuổi tác, trọng lượng cơ thể, chấn thương khớp và lối sống thiếu vận động. Bao gồm: 

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao, quá trình lão hoá trong cơ thể diễn ra càng mạnh mẽ, khiến sụn khớp mất dần độ đàn hồi và trở nên khô cứng, dễ bị bào mòn. Đồng thời, lượng dịch khớp tiết ra cũng giảm, làm giảm khả năng bôi trơn và hấp thụ lực của khớp. 
  • Cân nặng: Tình trạng thừa cân hoặc béo phì khiến khớp gối phải chịu áp lực lớn trong quá trình vận động, từ đó làm tăng tốc độ bào mòn sụn khớp và đẩy nhanh quá trình thoái hóa.
  • Giới tính: Phụ nữ, đặc biệt là sau tuổi 55, có nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối cao hơn nam giới. Nguyên nhân có thể liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố sau mãn kinh và cấu trúc khớp khác biệt theo giới.
  • Chấn thương khớp: Tai nạn, vận động sai cách hoặc chơi thể thao quá sức sẽ gây tổn thương khớp lâu dài. 
  • Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Việc ăn uống thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng như canxi, vitamin D, collagen và omega-3 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe xương khớp. Khi không được nuôi dưỡng đầy đủ, sụn và xương trở nên giòn, yếu, dễ bị lão hóa và thoái hóa sớm.
  • Biến chứng từ bệnh lý: Các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, gout hay hội chứng bàn chân bẹt có thể làm gia tăng nguy cơ tổn thương sụn và khớp. Những rối loạn này thường gây viêm kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình nuôi dưỡng khớp, làm đẩy nhanh quá trình thoái hóa và suy giảm chức năng vận động.

Ngoài những yếu tố kể trên, ở những người thường xuyên sử rượu bia, thuốc lá, cũng là nguyên nhân khiến xương khớp suy yếu dần và tăng nguy cơ thoái hoá. 

Tuổi tác càng cao, quá trình lão hoá trong cơ thể diễn ra càng nhanh chóngTuổi tác càng cao, quá trình lão hoá trong cơ thể diễn ra càng nhanh chóng

4. Cách phòng ngừa bệnh hiệu quả

Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn Thoái hoá khớp gối, nhưng bạn vẫn có thể làm chậm tiến triển bệnh bằng các phương pháp sau: 

  • Duy trì cân nặng hợp lý để giảm áp lực lên khớp gối. 
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, yoga,…
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D, omega-3 và collagen để hỗ trợ sức khỏe xương khớp bền vững. Đồng thời, bạn cần hạn chế đường tinh luyện, thức ăn nhanh, rượu bia và chất kích thích, để tránh tình trạng viêm làm nặng hơn mức độ thoái hoá. 
  • Tránh ngồi xổm, đứng quá lâu hoặc mang vác đồ nặng. 
  • Sử dụng giày dép phù hợp, tránh giày cao gót hoặc đế cứng. 
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý xương khớp. 

5. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa nếu gặp một trong các triệu chứng sau: 

  • Đau đầu gối kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm sau vài tuần nghỉ ngơi. 
  • Có dấu hiệu sưng tấy, nóng đỏ quanh khớp. 
  • Khó khăn khi vận động, đi lại, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. 
  • Nghe tiếng lạo xạo khi gập duỗi khớp.

Bạn nên đến thăm khám bác sĩ nếu gặp cơn đau đầu gối kéo dài và không giảm sau vài tuần nghỉ ngơiBạn nên đến thăm khám bác sĩ nếu gặp cơn đau đầu gối kéo dài và không giảm sau vài tuần nghỉ ngơi

Bài viết trên đây là tất cả thông tin về dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng ngừa thoái hóa khớp gối. Đây là bệnh lý mạn tính, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Việc chủ động thay đổi lối sống, giữ gìn sức khoẻ khớp từ sớm sẽ giúp bạn duy trì khả năng vận động, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạn chế các biến chứng nguy hiểm. 

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc liên quan hoặc nhu cầu thăm khám sức khỏe xương khớp, có thể liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ