Các tin tức tại MEDlatec
Rách cơ chóp xoay: Những vấn đề không nên bỏ qua
- 08/09/2022 | Những dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm gân cơ chóp xoay
- 29/02/2024 | Rách gân cơ chóp xoay: Bệnh thường gặp nhưng không thể xem thường
- 01/08/2023 | Gợi ý các cách làm giảm đau cơ háng hiệu quả
1. Như thế nào là rách cơ chóp xoay?
Cơ chóp xoay là tập hợp các cơ và gân xung quanh khớp vai: cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ tròn bé và cơ dưới vai. Sự kết hợp hoạt động giữa nhóm cơ này giúp ổn định và xoay khớp vai dễ dàng.
Rách cơ chóp xoay là tình trạng một hoặc nhiều gân cơ trong nhóm cơ chóp xoay bị tổn thương, có thể là rách một phần hoặc toàn bộ. Khi bị rách, khả năng vận động của khớp vai sẽ bị hạn chế, gây đau và khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày.
Vị trí của cơ chóp xoay tại vùng vai
2. Nguyên nhân gây rách cơ chóp xoay và triệu chứng nhận diện
2.1. Nguyên nhân khiến cơ chóp xoay bị rách
- Chấn thương thể thao
Các hoạt động thể thao cần thực hiện vận động vai nhiều như tennis, bơi lội, bóng rổ,... có thể gây rách cơ chóp xoay. Đặc biệt, việc thực hiện các cú ném mạnh hoặc chuyển động xoay vai liên tục rất dễ gây tổn thương nhóm cơ này.
- Va chạm mạnh hoặc tai nạn
Té ngã, tai nạn giao thông hoặc có va đập mạnh trực tiếp vào vùng vai. Lực tác động lớn dễ làm cho cơ và gân chóp vai bị rách hoặc bị đứt hoàn toàn.
- Lão hóa
Sự tăng lên về tuổi tác kéo theo quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể trong đó có cơ chóp xoay. Người cao tuổi, nhất độ tuổi trên 60 thường có nguy cơ cao bị rách cơ chóp xoay do sự lão hóa của mô mềm.
2.2. Triệu chứng thường thấy ở người bị rách cơ chóp xoay
- Đau nhức ở vai, nhất là khi nâng tay hoặc xoay vai. Cơn đau thường kéo dài và tăng dần theo thời gian nếu không điều trị.
- Khó nâng tay hoặc thực hiện các động tác yêu cầu phải dùng đến sức ở vai. Người bị rách cơ chóp xoay thường gặp khó khăn trong những công việc hàng ngày như chải tóc, mặc áo hay nâng đồ vật nhẹ.
- Mỏi rã rời, lỏng lẻo khớp vai do cơ và gân khớp vai bị tổn thương, suy yếu.
Rách cơ chóp xoay khiến người bệnh đau nhức nghiêm trọng khi xoay vai
3. Chẩn đoán rách cơ chóp xoay bằng những phương pháp nào?
3.1. Thăm khám lâm sàng
Đây là bước đầu tiên được thực hiện trong quá trình chẩn đoán rách cơ chóp xoay. Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng như đau nhức, cảm giác yếu ở vai và sự khó khăn khi thực hiện động tác tay. Các câu hỏi về thời gian bắt đầu đau, mức độ đau, tần suất và vị trí cơn đau, mức độ hạn chế hoạt động hàng ngày,... cũng được đưa ra.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra vùng vai để tìm các dấu hiệu sưng, bầm tím, hoặc biến dạng. Những dấu hiệu này có thể cho thấy vai bị chấn thương hoặc có các vấn đề khác cần điều trị.
Người bệnh sẽ được thực hiện
- Bài kiểm tra chèn ép vai để xác định đau khi nâng vai lên cao - dấu hiệu cho thấy tổn thương hoặc viêm gân cơ chóp xoay.
- Nghiệm pháp cánh tay rơi nhằm phát hiện sự yếu và đau tại vùng cơ chóp xoay, cung cấp căn cứ để bác sĩ đánh giá được mức độ rách cơ.
3.2. Chẩn đoán hình ảnh
Để xác định rõ mức độ tổn thương của cơ và gân chóp xoay, bác sĩ thường yêu cầu thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh:
- Chụp X-quang
Tuy phương pháp này không hiển thị rõ ràng các mô mềm như gân và cơ nhưng lại có thể cung cấp thông tin quan trọng về xương khớp. Chụp X-quang giúp loại trừ các vấn đề xương khớp như gãy xương, gai xương hoặc viêm khớp - những yếu tố có thể là nguyên nhân hoặc góp phần vào tình trạng rách cơ chóp xoay.
- Chụp MRI
MRI cung cấp hình ảnh chi tiết mô mềm. Hình ảnh chụp MRI giúp bác sĩ xác định mức độ rách gân, vị trí rách và tình trạng viêm các mô xung quanh.
Chụp MRI cũng giúp phát hiện các tổn thương liên quan khác trong khớp vai có thể ảnh hưởng đến kế hoạch điều trị.
- Siêu âm
Siêu âm là phương pháp thay thế phổ biến được dùng để kiểm tra rách cơ chóp xoay. Siêu âm cho phép bác sĩ quan sát hình ảnh cơ chóp xoay theo thời gian thực, giúp phát hiện các tổn thương hoặc viêm trong vùng cơ chóp xoay.
Người bệnh đang được siêu âm chẩn đoán rách cơ chóp xoay
4. Biện pháp chủ động phòng ngừa rách cơ chóp xoay
- Tăng sức mạnh cho cơ vai
Cơ chóp xoay cần được rèn luyện để tăng sức mạnh và sự dẻo dai. Các bài tập tăng cường cơ vai như nâng tạ nhẹ, kéo dây đàn hồi hoặc bài tập xoay vai có thể giúp cơ chắc khỏe, giảm nguy cơ bị rách. Thực hiện đều đặn các bài tập này cũng giúp vai linh hoạt và chống lại các chấn thương do vận động mạnh.
- Khởi động kỹ trước khi tham gia hoạt động thể chất
Khởi động kỹ trước khi tham gia các hoạt động thể chất, đặc biệt là các môn thể thao sử dụng nhiều động tác tay và vai như bơi lội, tennis hoặc nâng tạ. Các động tác khởi động nhẹ nhàng giúp làm nóng cơ bắp và gân từ đó giảm nguy cơ bị rách hoặc tổn thương cơ chóp xoay khi vận động mạnh.
- Tránh sai tư thế
Nên tránh các tư thế gây áp lực không đều lên vai như nâng vật nặng sai cách hoặc làm việc trong tư thế cúi, vặn xoắn vai quá mức. Đảm bảo có tư thế đúng sẽ giúp duy trì độ ổn định cơ và gân chóp xoay.
- Nghỉ ngơi hợp lýViệc vận động quá mức hoặc không có thời gian nghỉ ngơi phù hợp có thể gây căng thẳng cho cơ và gân. Vì thế, người thường xuyên vận động vai nhiều, hãy sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý để cơ và gân phục hồi, tránh tích lũy tổn thương.
Nếu nhận thấy cảm giác đau dai dẳng ở vai hoặc khó nâng tay mà không rõ nguyên nhân thì người bệnh cần khám bác sĩ chuyên khoa để tiến hành các kiểm tra giúp chẩn đoán đúng. Khi bệnh được phát hiện và điều trị sớm, tình trạng rách cơ chóp xoay sẽ được kiểm soát tốt và nhanh chóng hồi phục.
Quý khách hàng nghi ngờ triệu chứng rách cơ chóp xoay, cần được chẩn đoán đúng, có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!