Các tin tức tại MEDlatec
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: triệu chứng và biện pháp điều trị
- 02/08/2021 | Một số loại thuốc chống trầm cảm phổ biến và những lưu ý khi sử dụng
- 16/06/2021 | Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không và cách điều trị
- 04/08/2021 | Hướng dẫn kiểm tra sức khỏe qua thang đánh giá trầm cảm sau sinh
1. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì?
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế được định nghĩa là bệnh rối loạn tâm thần với những suy nghĩ và nỗi sợ không mong muốn mà người bệnh không kiểm soát được, hay gọi là sự ám ảnh. Những ám ảnh này xuất hiện liên tục, lặp lại với các hành động cưỡng chế. Người bệnh mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nhiều bất thường trong suy nghĩ và hành vi.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là chứng bệnh tinh thần
Có nhiều dạng biểu hiện của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Ví dụ có người bị ám ảnh bởi việc khóa cửa nhà, họ luôn suy nghĩ về ổ khóa, rằng mình đã khóa nhà hay chưa. Suy nghĩ này thôi thúc họ phải quay lại ngôi nhà của mình để kiểm tra, việc này lặp lại nhiều lần một cách vô nghĩa. Ám ảnh xuất hiện sẽ khiến người bệnh buộc phải thực hiện hành động để giải tỏa ám ảnh.
Thực tế, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế khá phổ biến, xuất hiện ở khoảng 2% dân số với mức độ khác nhau. Song không nhiều người thực sự hiểu rõ về chứng loạn ám ảnh cưỡng chế, chỉ cho rằng đây là trạng thái tinh thần bình thường. Cả nam và nữ giới đều có nguy cơ mắc căn bệnh này như nhau. Tùy theo mức độ bệnh mà rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ ảnh hưởng khác nhau đến sức khỏe và hành vi.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể xuất hiện sớm ở trẻ nhỏ
2. Triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Nhận biết sớm triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế giúp điều trị sớm và hiệu quả hơn, hạn chế ảnh hưởng tới hành vi, công việc và học tập. Có nhiều dạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế với triệu chứng tương ứng với các loại ám ảnh và hành vi cưỡng chế khác nhau. Đặc điểm chung là nó xuất hiện với tần suất dày mà không phải do sử dụng chất kích thích hay bệnh lý khác.
2.1. Ám ảnh cưỡng chế thường gặp
-
Nỗi sợ khi bản thân sẽ làm hại người khác hoặc làm điều gì đó đáng xấu hổ.
-
Quan tâm quá mức đến một vấn đề nào đó, có thể là vi khuẩn, chất bẩn, điều sai trái nào đó hay chất thải của cơ thể.
-
Cảm thấy có trách nhiệm với những điều tồi tệ hoặc sai trái có thể không liên quan đến bản thân.
-
Suy nghĩ không mong muốn như nhìn thấy hình ảnh đồi trụy, bạo lực.
-
Lo lắng quá mức về căn bệnh, môi trường, chất gây ô nhiễm,…
2.2. Hành vi cưỡng chế thường gặp
Ám ảnh cưỡng chế sẽ gây ra hành vi cưỡng chế tương ứng, thường gặp như:
-
Rửa tay, tắm rửa, lau dọn vệ sinh vật dụng quá mức vì sợ nhiễm trùng.
-
Sắp xếp giày dép, quần áo, chén đĩa theo thứ tự nhất định mới hết cảm giác lo âu, thôi thúc.
-
Thức dậy vào ban đêm nhiều lần để kiểm tra đã khóa cửa, đóng cửa sổ, tắt thiết bị,… hay chưa.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế khiến người bệnh luôn phải sắp xếp mọi thứ đúng trật tự
Điểm chung của những hành vi cưỡng chế này là chúng xuất hiện khiến người bệnh không thể kiểm soát, bắt buộc phải làm nếu không sẽ day dứt không thể làm gì khác. Khi hành vi cưỡng chế xảy ra liên tục, chiếm phần lớn thời gian, người bệnh sẽ không thể tập trung làm việc, học tập hay thực hiện việc có ích hơn.
3. Có cần điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế không?
Người bệnh có thể bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế với mức độ khác nhau. Song khi căn bệnh tâm lý này ảnh hưởng quá lớn đến đời sống hoặc nguy cơ đe dọa như có ý định tự tử, giết người, tự làm hại bản thân thì cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Lúc này, cần điều trị để khắc phục chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, giúp người bệnh hòa nhập và có cuộc sống, sinh hoạt bình thường.
Dưới đây là các biện pháp điều trị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế:
3.1. Điều trị bằng thuốc
Với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, bác sĩ sẽ kê toa một số loại thuốc tâm thần để kiểm soát thôi thúc tinh thần liên quan đến sự ám ảnh và hành vi cưỡng chế.
Tùy theo tình trạng bệnh, một số thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần có thể được chỉ định và theo dõi trong quá trình điều trị bao gồm: Sertraline, Fluvoxamine, Clomipramine, Paroxetine,…
3.2. Điều trị bằng liệu pháp tâm lý
Các chuyên gia cho biết, rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng như các bệnh thần kinh khác thường hình thành do lối tư duy tiêu cực, sai lệch hoặc chấn động tâm lý xảy ra trong thời gian dài. Vì thế, liệu pháp tâm lý để thay đổi thói quen suy nghĩ tiêu cực này sẽ có hiệu quả trong điều trị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế cần được điều trị tâm lý
Quá trình điều trị này cần đến sự hướng dẫn và hỗ trợ của bác sĩ tâm lý. Bản thân người bệnh sẽ được hướng dẫn để hình thành thói quen khác so với ám ảnh cưỡng chế, khi đó không còn suy nghĩ thôi thúc và hành động bất thường xảy ra.
3.3. Kiểm soát rối loạn ám ảnh cưỡng chế bằng hành vi tích cực
Bệnh nhân bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể áp dụng một số thói quen sinh hoạt và điều trị lành mạnh dưới đây để hạn chế bệnh:
-
Dùng thuốc điều trị theo chỉ dẫn, đúng liều lượng và hết liệu trình: Thuốc điều trị tâm lý nói chung có thể gây ra những tác dụng phụ nhất định, hãy trao đổi với bác sĩ về vấn đề này và tuân thủ hướng dẫn điều trị. Việc ngưng dùng thuốc quá sớm khi triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế giảm sẽ khiến bệnh quay trở lại.
-
Tập thể dục: Tập thể dục không chỉ giúp tạo ra năng lượng tích cực mà còn thay đổi tập trung vào suy nghĩ ám ảnh cưỡng chế sang việc khác. Từ đó, bạn có thể kiểm soát tốt hơn chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ được điều trị với sự hợp tác của người bệnh
Nhìn chung, điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế cần thời gian dài, tuân thủ điều trị và hợp tác tích cực từ phía người bệnh. Để phòng ngừa bệnh, suy nghĩ và lối sống lành mạnh từ nhỏ là điều quan trọng để trẻ phát triển tinh thần tốt hơn song song với phát triển thể chất.
Tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC sẵn sàng hỗ trợ bạn 24/7 nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!