Các tin tức tại MEDlatec
Rộp da: Nguyên nhân, cách xử trí và phương pháp phòng ngừa
1. Triệu chứng rộp da là gì? Khi nào cần đi khám?
Rộp da hay còn gọi là phồng rộp là vấn đề về da mà rất nhiều người gặp phải. Đây là những vết phồng có kích cỡ nhỏ như đầu kim hoặc to hơn với đường kính khoảng 1,3 cm. Trong những nốt này thường chứa chất lỏng. Những vùng da bị rộp có biểu hiện tấy đỏ và nóng rát, ngoài ra là biểu hiện ngứa và đau, khiến bạn vô cùng khó chịu.
Tình trạng phồng rộp thường xuất hiện ở vùng gót chân hay lòng bàn chân (nhất là những trường hợp đi giày không vừa với kích thước chân hoặc đi giày mà không mang tất). Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, chúng cũng có thể xuất hiện ở bàn tay, ngón tay, thường gặp ở những trường hợp đi xe đạp mà không đeo găng tay bảo vệ.
Thông thường, những vết rộp da đều có thể tự khỏi sau khoảng 3 đến 7 ngày mà không cần áp dụng bất cứ phương pháp điều trị nào. Tuy nhiên, nếu vùng da bị tổn thương gặp phải những triệu chứng sau thì bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt:
- Vùng da bị phồng rộp gây đau rát nghiêm trọng.
- Những nốt phồng rộp liên tục tái phát.
- Nốt rộp có mủ màu vàng hoặc xanh, khi ấn vào thấy đau, nóng và tấy đỏ,... điều này rất có thể là do nhiễm trùng. Nếu không điều trị sớm có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng.
- Những trường hợp bị rộp ở mí mắt, trong miệng hoặc rộp da do cháy nắng, do bị bỏng nghiêm trọng hoặc bị rộp do phản ứng dị ứng sau khi tiếp xúc với hóa chất thì cần đi khám sớm để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời, phòng tránh tối đa những biến chứng nguy hiểm.
2. Rộp da là do những nguyên nhân nào?
Rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng rộp da, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:
- Do mặc quần áo hoặc giày quá chật, sử dụng những vật dụng thể thao không phù hợp gây ra tình trạng chà xát lên da trong suốt một thời gian dài và khiến da bị phồng rộp. Chẳng hạn, khi bạn mang một đôi giày hoặc một đôi tất quá chật sẽ dẫn đến tình trạng chân của bạn phải thường xuyên cọ vào giày gây ra tình trạng phồng rộp. Ngược lại, nếu mang một đôi giày quá rộng thì chân sẽ thường xuyên bị trượt, lâu dài cũng có thể xảy ra tình trạng phồng rộp trên da. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác có thể kể đến như da ẩm, bàn chân bẹt, viêm tấy ở kẽ ngón chân cái,...
- Phồng rộp do cháy nắng: Khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như sau khi đi biển về, da của bạn có thể bị cháy nắng và xuất hiện những vết phồng rộp, gây đau rát. Thông thường, những nốt phồng rộp này có thể xuất hiện sau khi bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng vài giờ hoặc một ngày. Sau đó, những vết phồng rộp này sẽ mờ dần và để lại những đốm sẫm trên da.
- Tiếp xúc với lửa lớn, chạm vào một bề mặt nóng hoặc tiếp xúc với hơi nước hay thời tiết cực lạnh, tiếp xúc với các chất dị ứng, kích thích cũng là những nguyên nhân gây ra hiện tượng phồng rộp trên da.
- Bị côn trùng cắn và trúng nọc độc của chúng cũng có thể khiến da của bạn bị phồng rộp. Tuy nhiên, mức độ nhẹ hay nghiêm trọng còn phụ thuộc vào từng loại côn trùng.
- Phản ứng với thuốc: Nếu bạn đang sử dụng thuốc và thấy xuất hiện tình trạng rộp da, cần liên hệ với bác sĩ điều trị để được chỉ dẫn chi tiết.
3. Hướng dẫn xử trí và phòng ngừa tình trạng rộp da
3.1. Cách xử trí khi bị rộp da
Khi xảy ra rộp da, bạn cần xử trí càng sớm càng tốt. Mục đích của việc điều trị là giảm đau rát, hạn chế để những nốt phồng rộp lan rộng sang những vùng da khác và tránh tối đa nguy cơ nhiễm trùng.
Tùy theo từng mức độ cụ thể mà cách xử trí những vết rộp trên da cũng sẽ khác nhau:
- Nếu vết phồng chưa vỡ:
Cách xử trí như sau: Trước hết, bạn cầm rửa nhẹ nhàng vùng da bị tổn thương, sau đó băng lại. Tuy nhiên, chỉ băng lỏng, không nên băng quá chặt vì nếu băng quá chặt thì vết phồng sẽ vỡ sớm hơn.
- Trường hợp vết phồng đã vỡ: Cần phải khử trùng vết phồng bằng nước ấm. Sau đó, lau khô da và dùng thuốc mỡ có chứa kháng sinh để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng. Sau đó, băng vùng da bị tổn thương.
- Nếu vết phồng chân quá lớn và khiến bạn cảm thấy vô cùng đau rát thì cách xử trí hợp lý nhất là làm vỡ hoàn toàn vết phồng để lấy hết chất dịch ra ngoài.
Cách thực hiện như sau: Đầu tiên, bạn cần vệ sinh sạch sẽ vùng da bị phồng rộp, sau đó, dùng kim vô khuẩn đâm vào mép vết phồng, tiếp đó ép nhẹ vào nốt phồng để lấy hết dịch ra ngoài. Sau khi đã lấy hết dịch ra ngoài thì cần rửa sạch da và lau khô. Tiếp đó, dùng mỡ kháng sinh và băng vết thương lại.
- Ngâm trà xanh: Trà xanh có tính kháng viêm và giúp vết thương nhanh lành hơn. Đầu tiên, cho trà xanh vào nước sôi và sau đó cho một muỗng cà phê soda vào hỗn hợp này. Khi trà nguội, bạn có thể ngâm vùng phồng rộp. Nếu vết phồng rộp ở vị trí khó ngâm thì có thể dùng miếng gạc thấm nước trà và sau đó áp lên vết phồng.
- Dùng vitamin E: Tác dụng của vitamin E là giúp các vết thương mau lành và ngăn ngừa sẹo hiệu quả. Khi bị phồng rộp, bạn có thể dùng dầu hoặc các loại kem có chứa vitamin E để thoa lên vết phồng.
- Nhựa cây nha đam có tác dụng chống viêm, giảm đau và giảm sưng, nên rất phù hợp để cải thiện tình trạng phồng rộp trên da.
3.2. Cách phòng ngừa rộp da
Để hạn chế tình trạng rộp da, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Luôn để chân khô ráo.
- Khi đi giày cần mang theo tất.
- Chọn những đôi giày thoải mái, vừa với kích thước chân.
Vấn đề rộp da không quá khó để xử lý nhưng nếu chủ quan có thể dẫn đến nhiễm trùng và gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bởi vậy, bạn không nên chủ quan. Mọi thắc mắc về vấn đề chăm sóc da hoặc có nhu cầu kiểm tra sức khỏe da, mời bạn liên hệ đến Chuyên khoa Da liễu của Hệ thống Y tế MEDLATEC theo tổng đài 1900 56 56 56
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!