Các tin tức tại MEDlatec
Sốt mò ở trẻ và những điều cha mẹ cần ghi nhớ
- 21/11/2024 | Sẩn ngứa ở trẻ em: Nguyên nhân và cách xử trí an toàn cho làn da của trẻ
- 26/11/2024 | Trẻ bị viêm phế quản có được tắm không? Chăm sóc thế nào là đúng cách?
- 26/11/2024 | Trẻ bị viêm ruột thừa: Cách nhận biết bệnh sớm để đưa trẻ đi khám
1. Sốt mò ở trẻ nhỏ: nguyên nhân và các triệu chứng thường gặp
1.1. Nguyên nhân khiến trẻ bị sốt mò
Bệnh sốt mò do vi khuẩn Orientia tsutsugamushi gây ra. Bệnh có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn, nhưng trẻ em thường có nguy cơ cao hơn do hệ miễn dịch còn non yếu.
Bệnh sốt mò lây truyền qua vết cắn của bọ mò - ký sinh sống ở các vùng rừng, đồng cỏ. Khi trẻ tiếp xúc với môi trường này sẽ có nguy cơ bị bọ mò cắn và lây nhiễm bệnh.
Ở nước ta, bệnh sốt mò dễ gặp vào thời điểm tháng 5 - 10 nhưng đỉnh điểm nhất là tháng 6 - 7.
Bọ mò là tác nhân gây nên sốt mò ở trẻ
1.2. Triệu chứng sốt mò ở trẻ
Trẻ em bị sốt mò thường khởi phát với các dấu hiệu da xung huyết, xung huyết kết mạc mắt, phù nhẹ chi dưới vùng mu chân. Trẻ cũng bị sốt cao đột ngột, có thể kéo dài 5 - 14 ngày, thường kèm đau đầu nghiêm trọng, chán ăn, mệt mỏi, hay quấy khóc.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể dễ nhận diện triệu chứng sốt mò ở trẻ bằng việc quan sát da. Trẻ sẽ có ban đỏ trên vùng da bị bọ mò cắn. Vùng da này hình thành vết loét hình bầu dục kích thước 0.5 - 2 cm, có vảy đen hoặc đã bong vảy không đau, khu trú ở vùng da mềm như nách, ngực, cổ, bụng.... Vùng cắn cũng hình thành vết loét. Đây chính là triệu chứng giúp cha mẹ phân biệt sốt mò ở trẻ với các bệnh sốt khác.
Sốt mò còn khiến hạch bạch huyết gần vùng bị cắn bị sưng to và đau, trẻ bị đau nhức cơ và mệt mỏi toàn thân.
2. Biến chứng trẻ có thể gặp phải do sốt mò
Trẻ bị sốt mò không được điều trị tích cực có thể đứng trước nhiều nguy cơ biến chứng. Một trong những biến chứng nghiêm trọng là viêm màng não, xảy ra khi vi khuẩn tấn công vào lớp màng bao quanh não và tủy sống. Viêm màng não khiến trẻ bị đau đầu dữ dội, co giật, mất ý thức, thậm chí có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn nếu trẻ không được cấp cứu nhanh chóng.
Biến chứng thứ hai mà sốt mò có thể gây ra là viêm phổi, do vi khuẩn lây lan qua đường máu và xâm nhập vào phổi. Trẻ bị viêm phổi thường có triệu chứng khó thở, ho dai dẳng, đau tức ngực, giảm oxy trong máu. Viêm phổi có thể đe dọa đến tính mạng trẻ, nhất là trẻ có hệ miễn dịch yếu hoặc đã có bệnh lý hô hấp từ trước.
Biến chứng nặng khác cũng không thể chủ quan khi trẻ bị sốt mò là suy đa tạng. Khi vi khuẩn gây tổn thương đến các cơ quan nội tạng, cơ thể trẻ sẽ phản ứng với hiện tượng viêm diện rộng, cùng lúc gây suy giảm chức năng của nhiều cơ quan. Suy đa tạng ở trẻ bị sốt mò nghiêm trọng có thể tử vong.
Trẻ có thể bị biến chứng viêm phổi nếu không được điều trị sốt mò kịp thời
3. Chẩn đoán, điều trị sốt mò ở trẻ như thế nào?
3.1. Chẩn đoán
Chẩn đoán sốt mò ở trẻ được thực hiện kết hợp giữa khám lâm sàng và kết quả của các xét nghiệm đặc hiệu. Trước tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra triệu chứng của trẻ, đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu như sốt cao kéo dài, vết loét đen ở vị trí bị bọ mò cắn và tình trạng phát ban. Những triệu chứng này giúp hướng đến chẩn đoán sơ bộ về sốt mò.
Các xét nghiệm thường được yêu cầu thực hiện ở trẻ được nghi ngờ sốt mò gồm:
- Xét nghiệm máu: tìm kiếm sự có mặt của vi khuẩn Orientia tsutsugamushi.
- Xét nghiệm huyết thanh học: đo kháng thể được tạo ra trong quá trình cơ thể chống lại vi khuẩn.
- Xét nghiệm PCR: cho kết quả phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn trong máu nhanh nhất.
3.2. Điều trị
Để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, sốt mò ở trẻ cần được điều trị sớm. Trẻ thường được chỉ định dùng kháng sinh nhóm Cyclin hoặc Microlid để tiêu diệt vi khuẩn Orientia tsutsugamushi. Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là dưới 8 tuổi, bác sĩ có thể lựa chọn azithromycin vì ít tác dụng phụ hơn. Thời gian điều trị thường kéo dài 5 - 7 ngày hoặc cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm hoàn toàn.
Bên cạnh kháng sinh, trẻ cũng có thể được chỉ định thuốc hạ sốt và giảm đau để giúp giảm bớt các triệu chứng sốt cao, đau nhức. Khi nghi ngờ con bị sốt mò, cha mẹ không được tự ý điều trị mà cần đưa con tới khám bác sĩ chuyên khoa đồng thời tuân thủ phác đồ do bác sĩ chỉ định.
Cha mẹ cần đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi, cho con uống đủ nước và tăng dinh dưỡng để hỗ trợ quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng. Trong quá trình điều trị sốt mò ở trẻ tại nhà, cha mẹ cũng cần theo dõi triệu chứng của con. Nếu không có dấu hiệu cải thiện hoặc phát hiện trẻ bị sốt nghiêm trọng hơn thì nên đưa con đến khám bác sĩ ngay.
Khi nghi ngờ trẻ có biểu hiện sốt mò, cha mẹ cần cho con đến cơ sở y tế khám ngay
4. Cha mẹ giúp trẻ phòng ngừa sốt mò bằng cách nào?
Để bảo vệ trẻ khỏi bệnh sốt mò, cha mẹ có thể áp dụng một số cách sau:
- Hạn chế cho trẻ đến những vùng có bọ mò, nhất là nơi có nhiều cỏ dại, cây rừng.
- Thoa kem chống côn trùng lên da cho trẻ trước khi trẻ ra ngoài.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ môi trường sống và dọn dẹp sân vườn thường xuyên để giảm sự xuất hiện của bọ mò.
- Nếu trẻ đi đến các khu vực có nguy cơ, hãy cho con mặc trang phục dài tay, đi tất và giày kín để tránh tiếp xúc trực tiếp với bọ mò.
Sốt mò ở trẻ là một bệnh lý nguy hiểm nên cha mẹ cần chú ý nhận diện sớm triệu chứng để con được điều trị kịp thời. Ngoài ra, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa đã được khuyến nghị ở trên cũng sẽ giúp trẻ được bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh.
Trường hợp có thắc mắc khác cần giải đáp đối với bệnh sốt mò ở trẻ hoặc có nhu cầu đặt lịch khám cho con, cha mẹ có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ nhanh chóng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!