Các tin tức tại MEDlatec
Sự phát triển của thai 33 tuần và lời khuyên dành cho mẹ bầu
- 29/12/2021 | Góc tư vấn: Nên sàng lọc trước sinh ở đâu để đảm bảo kết quả chính xác?
- 28/12/2021 | Những ý nghĩa của sàng lọc trước sinh và sơ sinh mẹ bầu cần hiểu rõ
1. Sự phát triển của bé trong giai đoạn thai 33 tuần
Thai 33 tuần nặng bao nhiêu? Ở mốc thai 33 tuần, tức là tháng thứ 8 của thai kỳ, cân nặng trẻ lúc này là khoảng 2,1 kg và chiều cao là 42 cm. Vì vậy, bé không còn nhiều chỗ để di chuyển trong bụng mẹ, đồng thời nuốt nhiều nước ối và đi tiểu theo đó.
Thai 33 tuần, tuy bé không còn nhiều chỗ để di chuyển trong bụng mẹ nhưng vẫn cử động nhiều
Thai nhi ở tuần thứ 33, các tuyến thượng thận hoạt động với tốc độ tối đa để tiết ra hormone dehydroepiandrosterone (DHEA) với số lượng lớn. Chất này đi qua gan và sau đó được nhau thai chuyển hóa một phần thành estrogen. Những estrogen này đặc biệt được sử dụng để sản xuất sữa mẹ.
Các cơ quan khác nhau của bé hoạt động bình thường, nhưng hệ tiêu hóa và phổi vẫn cần một vài tuần để hoàn chỉnh các chức năng. Vào cuối tháng thứ 8 của thai kỳ, phổi sẽ được cung cấp đầy đủ chất surfactant để bé có thể thở ngoài trời mà không cần đến sự hỗ trợ hô hấp.
2. Sự thay đổi của cơ thể mẹ trong giai đoạn thai 33 tuần
Ở thời điểm này, bụng mẹ đã khá to, do đó, các cử chỉ, cử động khó khăn hơn và mẹ nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi.
Thai 33 tuần, dưới tác động của các hormone chuẩn bị cho cơ thể khi sinh con, các dây chằng bị giãn ra và linh hoạt hơn. Sự nới lỏng dây chằng này, kết hợp với trọng lượng của bụng và sự thay đổi cân bằng của cơ thể, có thể dẫn đến đau ở mu, tử cung và đôi khi xuống xương sườn. Những cử động của em bé dẫn đến tình trạng đau thắt lưng, nặng chân,...
Thai 33 tuần, cơ thể mẹ bắt đầu tiết ra hormone chuẩn bị về mặt thể chất và tâm lý khi sinh con
Tháng thứ 8 của thai kỳ, cơ thể mẹ bắt đầu tiết ra một lượng oxytocin và prolactin, các hormone chuẩn bị về mặt thể chất và tâm lý cho người mẹ khi mang thai và sinh con. Mẹ có tâm lý chuẩn bị mọi thứ cho con như chuẩn bị phòng, may quần áo cho em bé, dọn dẹp nhà cửa,… bằng những hành động như vậy giúp tạo ra sự gắn bó giữa mẹ và con.
Ngoài ra, sự thay đổi tâm trạng và sự thay đổi trong ham muốn tình dục cũng là hậu quả của nội tiết tố được tiết ra ở tuần thứ 33 của thai kỳ.
3. Nên ưu tiên thực phẩm nào cho mẹ bầu ở tuần thứ 33 của thai kỳ?
Mẹ tiếp tục duy trì chế độ ăn uống hợp lý và khoa học để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé. Bữa ăn bao gồm omega 3 và 6 (cá, dầu), sắt (thịt, các loại đậu), vitamin (trái cây), chất xơ (rau) và canxi (pho mát, các sản phẩm từ sữa). Mẹ bầu nên uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày.
Một chế độ ăn uống lành mạnh giúp mẹ kiểm soát cân nặng của mình và tránh các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình sinh nở (trong trường hợp thừa cân dẫn đến bệnh tiểu đường hoặc tăng huyết áp). Không những vậy, mẹ còn có thể giảm tình trạng đau, khó chịu đường ruột và dạ dày khi các cơ quan của khoang bụng căng lên trong giai đoạn này.
Ở tháng thứ 8 của thai kỳ, mẹ nên suy nghĩ và lựa chọn giữa việc nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa ngoài.
Nuôi con bằng sữa mẹ có rất nhiều lợi ích, bởi vì thành phần của sữa mẹ là hoàn hảo cho trẻ sơ sinh, giúp trẻ thích nghi và phát triển một cách tốt nhất. Việc cho con bú là điều rất tự nhiên nhưng không phải bẩm sinh ở tất cả phụ nữ. Một số trường hợp không muốn cho con bú vì nhiều lý do khác nhau, có thể vì lý do sức khỏe hoặc thiếu sữa. Nếu mẹ rơi vào trường hợp này, đừng cảm thấy lo lắng, hãy lựa chọn theo khả năng của mình. Hiện nay, có rất nhiều loại sữa dành cho trẻ sơ sinh nhằm cung cấp những chất cần thiết cho bé.
Nuôi con bằng sữa mẹ có rất nhiều lợi ích
Ở tuần thứ 33 của thai kỳ, mẹ cần phải tìm hiểu về cách cho con bú, nếu chưa có kinh nghiệm trước đó. Đầu tiên là chuẩn bị tâm lý và sau đó là trả lời các câu hỏi sau: quá trình cho con bú diễn ra như thế nào? Mẹ nên cho con bú trong bao lâu? Làm thế nào để cho con bú?
Câu trả lời được tìm thấy trong tài liệu đọc, các chuyên gia y tế, những bà mẹ khác đã có kinh nghiệm hoặc thậm chí bởi các khóa học chuẩn bị sinh con. Nếu muốn cho con bú, mẹ bầu có thể tìm hiểu các phụ kiện hữu ích cho việc cho con bú như gối cho con bú, tấm chắn núm vú cho con bú hay bình trữ sữa mẹ.
4. Lời khuyên dành cho mẹ bầu mang thai 33 tuần
Thai 33 tuần, mẹ cần phải thực hiện lần khám tư vấn tiền sản bắt buộc tháng thứ 8. Bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ thực hiện các bước kiểm tra thông thường: đo huyết áp, đo chiều cao, đánh giá tình trạng cân nặng của mẹ.
Trong quá trình tư vấn này, bác sĩ sẽ xem xét kết quả chẩn đoán siêu âm trước đó và khám lâm sàng để hướng dẫn mẹ bầu kế hoạch chăm sóc thai kỳ ở những tuần tiếp theo cũng như định hướng sinh thường hay sinh mổ. Đa số là sinh thường, tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định (có tiền sử sinh mổ, xương chậu quá nhỏ, u xơ tử cung, rau tiền đạo,...), cần phải lên lịch mổ.
Em bé ở tuần thứ 33 có ít chỗ để di chuyển hơn, tuy nhiên khi cử động, mẹ vẫn có thể nhận biết được. Trong trường hợp mẹ không cảm nhận được sự di chuyển của bé trong cả ngày, đừng ngần ngại, hãy đến phòng cấp cứu phụ sản để kiểm tra và chắc chắn rằng mọi thứ đều ổn.
Ở tuần thứ 33 mẹ vẫn duy trì các bài tập dành cho bà bầu
Các mẹ tiếp tục duy trì các bài tập cột sống, xương chậu giúp quá trình sinh sản diễn ra suôn sẻ.
Thăm khám định kỳ trong giai đoạn thai 33 tuần là một trong những việc quan trọng để theo dõi sự phát triển của con, đánh giá sức khỏe của mẹ và đưa ra phương pháp sinh phù hợp. Vì vậy, chị em cần chú ý để không bỏ qua mốc khám quan trọng này.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC có cung cấp dịch vụ tư vấn, khám thai định kỳ cho khách hàng. Tại đây, mẹ bầu sẽ được các bác sĩ chuyên môn giỏi trực tiếp thăm khám, được làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh từ cơ bản đến nâng cao bởi Trung tâm Xét nghiệm đạt chuẩn, đảm bảo kết quả chính xác và nhanh chóng.
Nếu mẹ đang có những thắc mắc hoặc cảm thấy sự bất thường trong thời kỳ mang thai, hãy liên hệ với MEDLATEC qua số hotline: 1900 56 56 56 để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!